Trong nước

Làm đường chỉ chạy 40km/h thì thà đường đất mà đi, vay tiền làm gì!

Đại biểu Trần Du Lịch.

ĐB Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm về việc hạn chế tốc độ trên các tuyến đường với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng rằng: “Nếu làm đường mà chỉ chạy 30 – 40 km/h thì thà đường đất mà đi, vay tiền làm gì?”
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (Đoàn ĐB TP. Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm và đặt một số câu hỏi với vị thủ lĩnh ngành GTVT.
Đại biểu Trần Du Lịch.
Những biển báo bất hợp lý phải dẹp bỏ
Đại biểu Trần Du Lịch nói rằng: Thực tế QL 1 của ta nếu thử đi từ TP. HCM đến Nha Trang mà đúng tốc độ do Bộ GTVT cắm thì hết bao nhiêu giờ? Và thực tế thì rất ức chế.
Ông Lịch nhấn mạnh: “Người ta nói rằng tại sao đi xe gắn biển số 80B, 80A chạy rất an toàn mà không quan tâm tốc độ nhưng không thấy tai nạn. Trong khi đó cứ gắn biển số trắng lại bị canh, bị hạn chế tốc độ, gặp ức chế ghê gớm. Thế thì hà cớ gì chúng ta lại cứ hạ tốc độ? Người ta cũng nói rằng nếu làm đường mà chỉ chạy 30 – 40 km/h thì thà đường đất mà đi, vay tiền làm gì. Tôi nghĩ đây mới là vấn đề cần nghiên cứu”
Liên quan tới ngành đường sắt, đại biểu Trần Du Lịch hỏi: “Đầu nhiệm kỳ tôi có đề xuất, Bộ trưởng trả lời rất nhiều về tính chiến lược. Tôi có nêu rằng: Chúng ta thử đặt vấn đề, không bàn đường sắt cao tốc gì nữa, cuối năm 2011, chúng ta đặt mục tiêu cần một đôi đường sắt khổ 1.435mm chạy tốc độ khoảng 180 – 200km/h tức là chạy từ Hà Nội đến Sài gòn chỉ khoảng 10 tiếng đồng hồ. Ta đặt mục tiêu đến 2025 kỷ niệm 80 năm ngày độc lập và 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước, có một đôi đường sắt như vậy làm được không thì Bộ trưởng có nói với tôi rằng là rất hay và nghiên cứu. Không biết Bộ GTVT đến nay có nghiên cứu cái này không? Hay chúng ta cứ loay hoay đi QL 1? Đường sắt từ thời Pháp đến giờ mãi vẫn thế là không được.”
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Ý kiến của ĐB Trần Du Lịch cũng được nhiều đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm. Về biển hạn chế tốc độ, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của ĐB Trần Du Lịch và một số ý kiến khác, Bộ GTVT đã cho tổng rà soát toàn bộ các biển báo trên toàn quốc. Tất cả biển báo bất hợp lý đều được nhổ bỏ, để từng bước thực hiện cho phù hợp với thông lệ Quốc tế, phù hợp với tiền chúng ta bỏ ra đầu tư.
Ví dụ như đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, trước đây quy định tốc độ khai thác là 100km/h, bây giờ quy định theo đúng thiết kế là 120km/h. Tất cả dự án khác cũng vậy. Các dự án khi đã hoàn thành theo đúng thiết kế thì phải đi vào khai thác  đúng với thiết kế. Bởi việc bỏ tiền ra đầu tư cho đường cao tốc với tốc độ 120km/h khác với 100km/h, nên tiền chúng ta bỏ ra phải khai thác hết. Và những biển báo bất hợp lý phải dẹp bỏ.
Bộ GTVT hiện đang triển khai chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được CP phê duyệt. Trong chiến lược này, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải, cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải. Trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp GTVT, chúng tôi đã tính toán việc này để đầu tư phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải, kết nối các phương thức vận tải, đảm bảo tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Vì vậy, đối với đường sắt, chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược và đã trình Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá tác động môi trường chiến lược và nếu xong sớm, Chính phủ sẽ xem xét phê duyệt.
Đối với đường sắt Bắc- Nam (tuyến cũ) hiện đang thực hiện hiện đại hóa, có những chỗ đường cong thì đã được sửa đổi để nâng công suất vận tải, tốc độ khai thác đang từ 60km/h lên khoảng 90km/h để tăng năng lực khai thác, chuyên chở.
Đồng thời với việc khai thác, sử dụng đường sắt hiện có thì sẽ xây dựng một đường sắt đôi khổ 1.435mm ở vị trí mới với công suất thiết kế ở khoảng 160 đến dưới 200km/h. Khi đó, điều đại biểu nói sáng ăn phở ở Hà Nội, tối có thể uống cafe ở TP. HCM và chỉ mất 10 tiếng cho quãng đường là có thể thành hiện thực.Như vậy thì nó mới tương xứng với tiềm lực của đất nước.
Chúng tôi cũng sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư, chọn đầu tư tuyến đoạn Hà Nội – Vinh và đoạn TP. HCM – Nha Trang trước, về sau điều kiện kinh tế, điều kiện nợ công cho phép thì sẽ thực hiện việc kết nối để làm sao phát triển đồng bộ giữa các phương thức vận tải với nhau, góp phần hỗ trợ nhau, từ đó nâng chất lượng dịch vụ, giảm cước vận tải.

Bao giờ chúng ta có hệ thống đường sắt ngang tầm các nước? 
Cũng liên quan tới việc xây dựng, nâng cấp hệ thống đường sắt vốn đã cũ kỹ mà Việt Nam đang sử dụng, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn ĐB Cao Bằng) đặt câu hỏi: Trong những năm đổi mới, với những kết quả phát triển của đất nước thì ngành GTVT cũng đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tất cả chúng ta cũng đều thấy rằng sự phát triển của ngành giao thông chưa thực sự đồng bộ.
ĐB Phùng Văn Hùng đưa ra dẫn chứng: “Mặc dù ngành hàng không, đường bộ của chúng ta hiện nay so với thời kỳ đầu đổi mới, chúng ta đã không còn nhìn thấy những chiếc máy bay TU, những chiếc ô tô thời kỳ đó, thay vào đó là những cảng hàng không rất khang trang và đường cao tốc nhưng ngành đường sắt của chúng ta vẫn còn dùng những cung đường từ thời Pháp thuộc, 1 đường ra, khổ hẹp, vận tốc trung bình khoảng 60km/h trong khi đó trên thế giới, vận tốc trung bình là 120-140km/h. Tôi không hiểu chiến lược phát triển ngành giao thông của chúng ta như thế nào, rất mong Bộ trưởng cho biết lý do tại sao chúng ta chưa có chiến lược phát triển giao thông đường sắt?
Bộ trưởng có nói, khi khánh thành cao tốc Hà Nội – Lào Cai, 50% hành khách của đường sắt đã chuyển sang đường bộ và Bộ trưởng cũng thấy rằng đó là một thành công. Nhưng tôi lại lo. Tôi chỉ lo rằng một ngày nào đó, đường sắt của chúng ta sẽ không còn khách nữa.
Tôi đã từng đi tàu hỏa và tôi thấy rằng chất lượng vô cùng kém. Khi chạy đêm, ngủ thì tàu chạy nó rập rình, rập rình không thể nào ngủ được, dịch vụ thì rất kém, nhất là vệ sinh. Tôi tin rằng, tất cả những ai đã từng đi tàu của ngành đường sắt thì chắc chắn là sẽ chuyển sang đường bộ nếu có điều kiện.
Vậy nên tôi muốn hỏi đồng chí Bộ trưởng rằng: mình có chiến lược phát triển ngành đường sắt không? Đến khi nào chúng ta có được hệ thống đường sắt ngang tầm với các nước?
Đáp lại ông Hùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ GTVT đang triển khai Chiến lược phát triển GTVT đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó, phát triển 5 loại hình cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không và hàng hải. Bộ cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp. Mục tiêu là phát triển hợp lý, hiệu quả các phương thức vận tải, kết nối các phương thức vận tải nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn và giảm giá cước.
Về chiến lược phát triển đường sắt, chúng tôi đã điều chỉnh và trình Chính phủ. Bộ Tài nguyên môi trường đang đánh giá tác động môi trường.
Như đã trả lời phần trước, đường sắt Bắc – Nam sẽ hiện đại hóa, nâng công suất, tốc độ khai thác từ 60 lên 80km/h, xây dựng đường sắt khổ đôi 1.435mm ở một số tuyến mới, tốc độ khai thác 90 – 200km/h. Với kế hoạch này, mong muốn như đại biểu Trần Du Lịch đề cập sẽ sớm thành hiện thực, tức là sáng ăn phở ở Hà Nội, tối cà phê ở TP.HCM, cả hành trình chỉ mất khoảng 10 tiếng. Về thực hiện phân kỳ đầu tư, sẽ chọn tuyến Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang làm trước.
Nam Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP