Xã hội

"Làm dự án tâm linh Hương Sơn vì quyền lợi của ai?"

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đánh giá đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường làm dự án du lịch tâm linh ở Hương Sơn là không khả thi. Đại biểu còn băn khoăn, dự án này vì quyền lợi của ai?

Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ việc doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) có quy mô khoảng 1.000 ha, với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng.

Đại biểu đoàn Đà Nẵng cho biết, lý do mình gửi văn bản sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì khi nắm được sự việc doanh nghiệp Xuân Trường muốn đầu tư khu du lịch Hương Sơn, bản thân bà rất băn khoăn, lo lắng cho sự thất thoát ngân sách nhà nước nếu chi hàng nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp làm dự án; và đây cũng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ trong nước mà du khách quốc tế cũng biết đến.

Theo đại biểu Thúy, các dự án trước đây doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng nhà nước cũng phải bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp xây dựng. “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn cũng tái diễn kịch bản doanh nghiệp đề nghị nhà nước giải phóng mặt bằng và làm toàn bộ hạ tầng để bàn giao cho họ xây dựng”, bà Thúy nói.

Đại biểu Thúy lo ngại những tác động tiêu cực đếu chùa Hương, suối Yến

Đại biểu Thúy cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thì quyết định chủ trương đầu tư cho dự án trên liệu có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Bà Thúy đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp phòng ngừa những dự án tương tự xảy ra.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết rõ, dự án trên có vi phạm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước hay không? “Ở đây tôi mới đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề chứ chưa chất vấn. Còn nếu Bộ trưởng không trả lời, hoặc trả lời chưa thỏa đáng, tôi sẽ chất vấn vấn đề này tại kỳ họp tới”, đại biểu đoàn Đà Nẵng cho hay.

Bà Thúy chia sẻ bản thân mình không phải là người cứng nhắc, cổ hủ đến mức cái gì cũng phải bất di bất dịch. Bởi theo đại biểu, mọi thứ cũng có thể thay đổi nhưng thay đổi như thế nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường trong khu vực.

“Khi có đề xuất dự án này, tôi đặt câu hỏi vì quyền lợi của ai, ai được hưởng lợi khi xây dựng dự án. Còn nếu là khu du lịch tâm linh thì rõ ràng lượng khách đổ về Chùa Hương hàng năm đã rất đông rồi, không cần thiết phải có một dự án đồ sộ nữa. Nên tôi sợ rằng đây là vấn đề thương mại nấp đằng sau du lịch tâm linh?”, đại biểu Thúy nêu quan điểm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, nếu là du lịch tâm linh thì nó phải thiên về vấn đề gì đó mang tính chất thiện nguyện. Còn nếu làm ra để thu phí, bán vé thì đã là thương mại hóa tâm linh, mục đích như vậy là “không tốt một chút nào”.

Từ thực tế, đại biểu Thúy cho rằng, TP Hà Nội phải giữ gìn, bảo tồn cảnh quan, môi trường Chùa Hương hiện nay. Tránh những tác động tiêu cực không đáng có để từ “gà lành thành gà què”, cái gì cũng dở dở ương ương và không lường hết được tác động tiêu cực có thể xảy ra.

“Trong trường hợp này, tôi cho rằng phải đánh giá tác động môi trường hết sức thận trọng, chặt chẽ, phòng ngừa tiêu cực và nếu có thì phương án xử lý thế nào. Còn nếu nhìn vào đề xuất của doanh nghiệp làm khu du lịch tâm linh Hương Sơn thì tôi e rằng là không khả thi”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói thêm.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP