Tâm sự

Ký ức Tết xưa qua hồi tưởng của Giáo sư Hoàng Chương

Ở tuổi xưa nay hiếm, GS Hoàng Chương đã giành trọn cuộc đời cống hiến, đam mê với nghệ thuật truyền thống (NTTT), luôn mong phát huy và chắp cánh cho NTTT bay ra thế giới.

Nặng lòng với nghệ thuật truyền thống

Nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Bài (Hà Nội), Trung tâm bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc những ngày cuối năm này không nhộn nhịp nhưng luôn có bóng dáng thân quen của vị Giám đốc trung tâm – Giáo sư Hoàng Chương. Dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn cần cù bên những sách vở, vi tính và đạo cụ dân tộc… bởi ông luôn quan niệm rằng “tuổi hết nhưng đam mê chưa hết”.

Giáo sư Hoàng Chương (áo trắng) trong một buổi hướng dẫn về nghệ thuật tuồng cổ – (Ảnh: NVCC).

Tôi gặp ông như thế, dù ngoài kia người người, nhà nhà đang nhộn nhịp về bên gia đình nhưng với ông “ngày Tết cũng chẳng khác ngày thường”. Trước Tết vài ngày, ông cũng vừa trở về sau chuyến đi giảng dạy nghệ thuật tuồng ở Mỹ dài hơn 3 tuần.

Tiếp chúng tôi tại nơi làm việc, bốn xung quanh phòng toàn những đạo cụ tuồng cổ và những đống sách, báo nghiên cứu… cao ngút tới trần nhà, Giáo sư Hoàng Chương say mê chia sẻ về cơ duyên gắn ông với NTTT như thể là định mệnh có sẵn.

“Bình Ðịnh là quê hương của những danh nhân tuồng nổi tiếng Ðào Duy Từ, Ðào Tấn, Nguyễn Diêu… Từ lúc nhỏ, tôi đã đi xem hát bội, bài chòi, xem diễn chèo và không biết tự lúc nào cảm thấy say mê với từng làn điệu, từng câu hát”, Giáo sư Hoàng Chương kể với niềm tự hào khi nhắc đến nơi chôn rau cắt rốn.

Có lẽ, truyền thống quê hương cũng chính là “điểm nhấn” đã ăn sâu trong máu thịt ông, để ông chọn và gắn mình cùng sự nghiệp văn hóa dân tộc Việt Nam từ khi còn là một thiếu niên.

Năm 15 tuổi, với đam mê nghệ thuật chàng trai trẻ đất Bình Định thi vào trường âm nhạc tỉnh, rồi tham gia vào thiếu sinh quân và Đoàn văn công Liên khu V. Đến đầu những năm 1960, ông tiếp tục thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu Liên Xô (1962 – 1964). Từ năm 1964 đến 1967, ông học Tổng hợp văn khóa 8, tại trường Đại học Văn khoa (Hà Nội) và sau đó đi nghiên cứu sinh ở Rumani.

Rời xa quê hương từ nhỏ, thời gian bên người thân, gia đình đối với Giáo sư Hoàng Chương cũng gần như không có. Biết bao cái Tết ông “bật khóc” vì cảnh nhớ nhà.

“Có năm, khi Tết đến mấy anh em (bạn cùng học ở Liên Xô) chúng tôi ôm mặt khóc rưng rức”, ông kể. “Dẫu xa nhà là vậy, xong mỗi khi Tết đến dù ở nước bạn không ăn mừng như nước ta nhưng chúng tôi vẫn cố gói lấy vài chiếc bánh chưng để có không khí… Hay những năm Tết đi diễn phục vụ chiến đấu, mỗi giao thừa chỉ cần nghe được lời Bác Hồ chúc Tết là đã ấm lòng rồi”, Giáo sư Hoàng Chương nhớ lại những kỷ niệm thời trai trẻ.

Những năm sau đó và đến tận bây giờ, việc ăn Tết phương xa cũng không còn lạ lẫm với vị giáo sư nặng lòng cùng NTTT dân tộc.

Chắp cánh nghệ thuật truyền thống bay ra thế giới

Sống gần trọn cuộc đời với nghệ thuật dân tộc, tính đến nay, giáo sư Hoàng Chưng đã có trên 20 công trình nghiên cứu đã công bố.

Có thể kể ra những công trình tiêu biểu như: “Những vấn đề sân khấu truyền thống, “Bài chòi và dân ca Liên khu 5”, “Nghệ thuật tuồng Bắc”, “Tuồng và võ thuật dân tộc…”.

Ngoài ra, Giáo sư Hoàng Chương còn là người chủ trì, chủ biên nhiều công trình cấp bộ về văn hóa dân tộc, tổ chức các hội thảo có được nhiều tiếng vang trong và ngoài nước như “Tuồng với đề tài nước ngoài”, “Mối tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc”, “Văn học nghệ thuật với đề tài Tây Sơn”, hội thảo quốc tế “Âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam với người nước ngoài”.

Ở tuổi 80 nhưng giáo sư Hoàng Chương vẫn hăng say làm việc – (Ảnh: Nhất Nam).

Ông cũng đã dàn dựng được hàng chục vở tuồng và kịch trong đó có nhiều vở đã đạt được huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; tham gia tích cực vào việc phát hiện, bảo vệ, tôn vinh những di sản văn hóa dân tộc cùng những công trình mới như Múa rối nước, Quan họ, Bài Chòi, Hát Xẩm… tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Đồng thời cũng là người duy nhất được mời giảng cho sinh viên Mỹ hàng năm sang thực tập tại Việt Nam.

Trong sâu thẳm Giáo sư Hoàng Chương luôn quan niệm: “Nếu một quốc gia không có văn hóa thì quốc gia đó sẽ không tồn tại”. Vì thế, cả ngày lẫn đêm, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. Gần đây, ông đã chỉ đạo phục hồi thành công nghệ thuật Bài chòi trên miền Bắc, sau 35 năm vắng bóng.

Có thể nói, Giáo sư Hoàng Chương đã cống hiến trọn những năm tháng của tuổi trẻ để không ngừng học tập, lao động và sáng tạo, cống hiến với đam mê nghệ thuật. Tâm trí ông luôn trăn trở, tâm nguyện đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy tại các trường học để lớp trẻ biết yêu quê hương, yêu dân tộc hơn. Đó cũng là sự phát huy văn hóa dân tộc mà ông luôn hướng đến.

Nhận xét về tấm gương hoạt động vì nghệ thuật của Giáo sư Hoàng Chương, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh từng nói: “Giống như người xưa nói “gừng càng già càng cay”. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sức khỏe và sức làm việc của ông không biết mệt mỏi. Tôi thật sự khâm phục sức khỏe, cũng như ý chí, nghị lực phi thường của ông dành cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Hay như lời nhận xét của giáo sư Vũ Khiêu: “Không có bản báo công nào ghi hết thành tích của giáo sư Hoàng Chương”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL – ông Hoàng Tuấn Anh cũng từng nhận xét: “Giáo sư Hoàng Chương là người trí tuệ, chuyên môn sâu trong lĩnh vực lý luận nghệ thuật và đặc biệt là sân khấu Tuồng. Sức làm việc của ông chúng ta phải noi theo, luôn luôn sáng tạo, tìm tòi, đổi mới. Đối với đồng chí, đồng đội ông hết sức bao dung và là con người hết sức thẳng thắng, luôn luôn bảo vệ cái đúng, cái tốt và đấu tranh với cái xấu cái không đẹp…”.

Giáo sư Hoàng Chương từng giữ vị trí Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam (1983 – 1999), Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Rumani. Năm 1996, ông được Bộ Giáo dục, Học viện Nghệ thuật Sân khấu điện ảnh Rumani phong hàm Giáo sư. Năm 2005, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất tại Đại hội Thi đua Toàn quốc – Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Năm 2010, tại Đại hội thi đua toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam ông được tôn vinh một trong 10 nhà khoa học xuất sắc nhất.

Nhất Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP