Xã hội

Ký ức kinh hoàng về những vụ nổ do tháo bom

Tháo quả đạn 105 ly để nhồi kíp nổ ném xuống sông đánh cá, 13 người ở Quảng Trị cùng tử vong vào mùng 1 Tết 40 năm trước.

Cứ đến Tết, người làng Lam Thủy (xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị) lại làm giỗ cho 13 nạn nhân vụ nổ đạn pháo 40 năm trước. Ngày gặp nạn vào đúng mồng 1 Tết Nguyên đán, nhưng tục làng làm giỗ trước một ngày, tức 30 Tết.

Sau vụ nổ bom 105 ly, ông Nguyễn Thanh Chương bị cụt chân, làm nghề cắt may. Ảnh: Hoàng Táo

Sau vụ nổ bom 105 ly, ông Nguyễn Thanh Chương bị cụt chân, làm nghề cắt may. Ảnh: Hoàng Táo

Là một trong ba nạn nhân thoát chết, ông Nguyễn Thanh Chương (57 tuổi, trú thôn Lam Thủy) kể, mùng 1 Tết năm 1978 ông sang nhà bạn ở cùng thôn chơi. Vừa đến sân thì thấy hai anh Nguyễn Quang Hòa và Nguyễn Quang Triều đang tháo quả đạn pháo 105 ly để nhồi kíp ném xuống sông đánh cá. Trong nhà, người lớn đánh bài, tám em nhỏ chạy nhảy dưới sân.

Biết bạn không có nhà, ông Chương chào hỏi vài câu rồi trở ra thì nghe tiếng nổ đinh tai. Quả pháo 105 ly phát nổ, khiến 13 người tử vong tại chỗ, ba người bị thương. Ông Chương bị cắt cụt dưới đầu gối chân phải. "40 năm đã qua nhưng tôi và người làng không nguôi ám ảnh", ông Chương thốt lên.

Chung nỗi đau, ông Nguyễn Đăng Hiển kể hôm đó được phân công giữ trâu hợp tác xã nên đến chơi muộn. Khi cách nhà anh Quang Hòa khoảng 6-7 mét thì xảy ra vụ nổ. Ông bị cắt cụt ba ngón tay, mảnh đạn găm khắp người, phải điều trị tại bệnh viện ba tháng. Ông Hiển giữ được mạng, nhưng hai anh trai thì không.

Bà Nguyễn Thị Lệ kể về quả đạn khiến chồng bỏ mạng. Ảnh: Hoàng Táo

Bà Nguyễn Thị Lệ kể về quả đạn khiến chồng bỏ mạng. Ảnh: Hoàng Táo

Cũng có người thân chết vì bom đạn, 24 năm qua, bà Nguyễn Thị Lệ (53 tuổi, trú phường 4, TP Đông Hà) vẫn nhớ như in thời khắc người chồng tử vong do cuốc trúng bom lúc rà phế liệu. Vợ chồng cùng làm nghề rà phế liệu, bà Lệ mới sinh con trai thứ ba nên ở nhà. Chồng bà rủ em trai út Nguyễn Văn Toán đi cùng.

Một sáng cuối tháng 6/1994, anh Toán hớt hải chạy về báo anh trai cuốc trúng đạn B40, tử vong. "Thấy anh nằm gục một chỗ, tôi chạy đến nhưng đã quá muộn. Lấy lá cây đắp lại cho anh, tôi chạy về nhà báo tin. Đó là giây phút ám ảnh tôi hết cả cuộc đời", anh Toán xót xa nói.

Chồng mất, bà Lệ một mình bán rau, gánh củi nuôi ba con nheo nhóc. 12 năm sau ngày chồng mất, giá sắt vụn lên cao, bà Lệ trở lại với nghề rà phế liệu. "Nghe tiếng máy kêu thì bổ cuốc xuống, chứ hoàn toàn không biết có gì bên dưới. Trúng bom thì coi như số phận", bà Lệ thốt lên.

Làm nghề được thêm 7-8 năm, con trai tròn 20 tuổi, bà Lệ chuyển sang hái rau má, lượm nhựa thông bán.

Một vài quả đạn còn sót lại trong các vựa phế liệu ở Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Một vài quả đạn còn sót lại trong các vựa phế liệu ở Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng ở xã Hải Thái (Gio Linh), bà Tạ Thị Thanh ủ rũ khi nhắc đến cái chết của chồng và con trai. Không nghề nghiệp, các con thiếu ăn, chồng bà Thanh làm nghề rà phế liệu. Tai họa ập đến trong lần chồng tháo đạn lấy sắt bán, khiến bà Thanh thành góa phụ, một mình nuôi bảy con.

Hơn chục năm sau, con trai lớn Nguyễn Trường nối gót cha theo nghề tháo bom đạn để nuôi vợ con. Tai họa ập đến ngôi nhà nhỏ, anh Trường tử vong.

Theo Trung tâm Điều phối Khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị, từ 1975 đến nay, toàn Quảng Trị có 8.540 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.431 người chết. Phân theo giới tính, có đến 88,7% là nam. Theo độ tuổi, có đến 26,9% là trẻ em dưới 15 tuổi. Con số thống kê không thể hiện theo ngành nghề, nhưng trong số nạn nhân bom mìn sau chiến tranh, có rất nhiều người làm nghề rà phế liệu.

Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ chiến tranh đứng đầu cả nước, với 82% tổng diện tích đất đai (trên 390.000 ha) bị ô nhiễm bởi bom mìn. Theo số liệu từ Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị, tỉnh còn hơn 100.000 tấn bom mìn chưa phát nổ.

Từ 1996, dự án phi chính phủ đầu tiên về khắc phục hậu quả chiến tranh được triển khai tại Quảng Trị. Thành tựu lớn nhất của các dự án này là giảm thiểu thương vong cho người dân. Giai đoạn 2001-2005, trung bình mỗi năm có 70 nạn nhân bom mìn, giảm còn 10 nạn nhân mỗi năm giai đoạn 2010-2015. Từ năm 2016 đến nay xảy ra bốn vụ với năm người gặp nạn.

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: vụ nổ do tháo bom , ký ức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP