Trong nước

Kỷ luật hơn 30 cán bộ dùng bằng giả để thăng tiến

Tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, xử lý hơn 30 trường hợp cán bộ sử dụng văn bằng giả nhằm hợp thức hóa hồ sơ để được bổ nhiệm.

Một loạt cán bộ mất chức do...bằng giả

Đầu tháng 11/2017, Ban thường vụ Thị ủy Gia Nghĩa đã có quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Văn Chung (Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Đức) về hành vi sử dụng bằng giả.

Phó chủ tịch phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) bị cách chức vì dùng bằng giả

Từ phản ánh của người dân, UBKT Thị ủy Gia Nghĩa đã xác minh, phát hiện ông Chung nhờ người làm bằng tốt nghiệp THPT và học bạ bổ túc trung học để hợp thức hóa hồ sơ công chức, cán bộ. Sau đó, vị Phó chủ tịch này theo học lớp lý luận chính trị và đại học luật.

Ngoài việc xử lý về mặt Đảng, Thị ủy Gia Nghĩa cũng đề nghị UBND thị xã xử lý kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức cách chức Phó chủ tịch UBND phường đối với ông Chung.

Cũng đầu tháng 11, Huyện ủy Đắk R’lấp đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Hoàng Xuân Quý (Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin).

Quá trình kiểm tra phát hiện ông Quý sử dụng 2 bằng tốt nghiệp THPT không hợp lệ để hợp thức hóa hồ sơ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Từ đó, ông Quý được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ trong Đảng, chính quyền xã Đắk Sin.

Phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Đắk G'long) dùng bằng THPT không hợp pháp để thăng tiến

Cũng tại huyện Đắk R’lấp, vào tháng 5/2017, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã ra quyết định cách hết các chức vụ đối với ông Mai Xuân Sáng (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đắk R’lấp, Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Kiến Thành) vì sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp và khai hồ sơ công chức không trung thực.

Kết quả xác minh của UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Sáng không thi tốt nghiệp cấp 3 nhưng lại sử dụng bằng cấp 3 của một người có tên Mai Xuân Sang; ông Sáng sau đó thêm dấu sắc vào chữ Sang trên bằng để thành tên mình là Sáng. Ông Sáng dùng bằng cấp 3 không hợp pháp này để hợp thức hóa hồ sơ công chức làm cán bộ lãnh đạo xã Kiến Thành.

Tương tự, tại huyện Đắk G’long, Ban thường vụ Huyện ủy này cũng kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Anh Sáng (Phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn). Ông Sáng được xác định sử dụng bằng THPT hệ bổ túc không hợp pháp.

Ông Sáng khai học và được cấp bằng tại TP.HCM nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra lại không có tên trong danh sách. Hiện UBND huyện Đắk G'long đang hoàn tất các thủ tục để kỷ luật cách chức Phó chủ tịch đối với ông Sáng.

Chủ tịch UBND xã Kiến Thành mất chức vì thêm dấu sắc vào bằng THPT

Phát hiện bằng giả do người dân tố giác

Ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thống kê đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp cán bộ sử dụng văn bằng giả.

Theo ông Lộc, bằng cấp cán bộ là một phần trong hồ sơ quản lý công chức.

Việc thẩm tra, phát hiện cán bộ sử dụng bằng giả thì phải xử lý ngay chứ không chờ đến khi bổ nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện cán bộ dùng bằng giả hầu hết là do tố giác của quần chúng.

Còn theo ông Trương Công Hùng - Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Đắk Nông, về mặt Đảng, Ban tổ chức Tỉnh ủy quản lý, kiểm tra đối với việc bổ nhiệm cán bộ.

Theo đó, Ban tổ chức sẽ yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra công tác cán bộ từ việc bổ nhiệm, điều động, quy hoạch. Trong quá trình này, đơn vị nào phát hiện hay có đơn thư thì sẽ xác minh và đưa ra hình thức kỷ luật đối với cán bộ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng việc phát hiện cán bộ sử dụng bằng giả, bằng không hợp pháp khá khó khăn. Chỉ khi có tố cáo, cơ quan chức năng đối chiếu với đơn vị cấp bằng thì mới phát hiện ra cán bộ không học.

“Việc cán bộ sử dụng bằng giả không có bằng cấp, trình độ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo, ảnh hưởng đến chính quyền” - ông Hùng cho hay.

Tác giả: Trùng Dương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP