Phóng sự - Ký sự

Kỳ Anh: Tai họa nghề lặn biển

Lặn ngụp mò sò dưới đáy đại dương, đi săn rắn biển cực độc làm đặc sản… ngư dân ở miền ven biển Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt hàng giờ với những hiểm nguy từ trong lòng biển. Đã có không ít những nỗi đau "biển ép", vẫn còn đó nhiều người phải liều mình kiếm miếng ăn bằng những nghề hiểm nguy, cái chết cận kề. Thế mới biết cuộc mưu sinh ở khúc ruột miền Trung vẫn đang mang tải bao nỗi nhọc nhằn.


Lặn biển mò sò – Tử thần rình rập trong lòng đại dương


Theo thống kê của UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì trong gần 10 năm trở lại đây, xã có khoảng 500 lượt thanh niên trai tráng lên đường vào miền Nam làm nghề lặn biển thuê. Trong 10 năm đó, 40 người trong số họ quay về quê mẹ trên xe tang, 10 người sống quãng đời còn lại bằng đời sống… thực vật, khoảng 50 người thì bị các di chứng khác. Mới thấy, kiếm được miếng cơm từ biển cơ cực thế nào.


Chúng tôi đến đèo Ngang, huyện Kỳ Anh vào buổi bóng xế tà, đứng ở nơi khi xưa của nữ sĩ Huyện Thanh Quan viết nên bài thơ “Qua đèo Ngang” nổi tiếng. Đèo Ngang bây giờ đã lại “cỏ cây chen lá đá chen hoa” như xưa vì người ta đã đào một đường hầm chui qua lòng núi, dần quên con đèo cùng với cổng trời cho cỏ lá mọc hoang vu.


Nằm dưới chân đèo Ngang nên biển Kỳ Anh vẫn nổi tiếng với gió mạnh và cát bay. Các xã ven biển ở đây không có lạch để tàu lớn ra vào đánh cá, ngư dân chỉ đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ gần bờ hoặc làm nghề lặn biển. Nhưng con tôm, con cá gần bờ cũng ngày càng cạn kiệt, đất chật, người đông, người già trẻ em thì quay lại với ruộng đồng, thanh niên phải lên đường vào các tỉnh miền Nam kiếm kế mưu sinh bằng nghề lặn biển thuê. Những ngôi làng thợ lặn ra đời từ đó. Thanh niên trai tráng đi làm nghề lặn đã mang những đồng tiền mồ hôi nước mắt về để xây dựng những ngôi nhà khang trang, cho cuộc sống nơi đây đỡ nhọc nhằn hơn, nhưng họ cũng mang về những nỗi đau “biển ép”.

Rắn biển được bán tại các khu du lịch.


Chúng tôi đến nhà anh Phan Công Hồng ở thôn Bắc Thắng – một trong những nạn nhân bi thảm nhất của nghề lặn biển còn sống thoi thóp 10 năm nay. Căn nhà trống hoác trống huơ và trông cũng tội nghiệp như chủ nhân của nó đang nằm ở góc nhà, tay run run cầm thìa, miệng trệu trạo nhai bữa cơm chiều khó nhọc. Bữa cơm chỉ có bát cơm, bát nước mắm và một ít moi biển. Cứ mỗi lần ai nhắc đến chuyện của mình là anh lại bỏ bữa nên chúng tôi giữ ý, chỉ chào hỏi qua loa rồi đợi anh ăn xong mới dám nói chuyện.


Học hết lớp 12, Phan Công Hồng trở thành chỗ dựa chính cho bố mẹ già. Vùng biển Kỳ Xuân nghèo nàn không kiếm được cái ăn, Hồng theo đám trai làng lũ lượt kéo vào Hàm Tân, Bình Thuận làm nghề thợ lặn. Anh lặn thuê cho một con tàu khai thác sò huyết, mỗi ngày khoảng 6 tiếng đồng hồ, thợ lặn phải ngâm mình trong nước biển ở độ sâu 10-20m. Công việc vất vả và nguy hiểm nhưng cũng được trả công tương đối cao nên Hồng không quản ngại, anh làm việc chăm chỉ, lặn ở những vùng nước sâu nhất với tâm niệm: phải tích cóp tiền để sửa sang cho cha mẹ căn nhà dột nát.


Vào ngày 17/7/1998, Hồng cùng 10 người cùng xã đang lặn dưới nước sâu bắt sò tại vùng biển Hàm Tân, Bình Thuận thì chủ ghe phát hiện có kiểm ngư liền vội kéo anh em thợ lặn lên nhanh để đánh ghe bỏ chạy, tránh phạt. Do mọi người kéo anh lên tàu quá nhanh làm cho áp suất trong người Hồng bị thay đổi đột ngột. Ngồi bệt trên sàn tàu, Hồng thấy choáng váng, mặt mày tái mét, bụng dưới tê buốt. Theo kinh nghiệm, mọi người vội cột chì vào người và dòng dây thả Hồng xuống biển, nhưng do chưa “trả” đúng độ sâu nên không có hiệu quả. Hồng mê man bất tỉnh, sau đó được điều trị tại Vũng Tàu một thời gian dài nhưng nửa người dưới đã bị bại liệt hoàn toàn.


Gần 10 năm nay, anh sống như một đứa trẻ, mọi sinh hoạt cá nhân đều tại chỗ và do cha mẹ già phục vụ. Bà Giàng, mẹ anh tuổi đã ngoài 60 mếu máo: “Nhà tui vô phúc quá chú ơi! Tuổi già cứ tưởng thảnh thơi, giờ hai cái thân già lại phải cáng đáng thằng con nửa sống nửa chết thế này”. Bà khóc, ông quay sang quát, bà ngồi quệt nước mắt – giọt nước mắt người già sao mặn chát và tội nghiệp.


Các chủ tàu khai thác sò biển ở vùng Phan Thiết, Bình Thuận rất thích thuê mướn những thợ lặn ở xã Kỳ Xuân vì họ làm việc rất chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ. Mỗi tàu có một bình ôxy dùng chung cho khoảng 7-8 thợ lặn. Khi làm việc, mỗi người được phát một ống dài, nối vào mũi và cứ thế lặn ngâm mình hàng giờ liền trong lòng biển. Ngoài ra không có bất cứ một thiết bị bảo hộ nào khác. Để lặn được sâu và không bị trồi lên, chủ tàu phát cho mỗi thợ một túi chì nặng để buộc vào người.


Cứ thế, người thợ lặn miệt mài nhặt sò cho vào túi, đến giờ ăn cơm, họ được kéo lên từ từ để thích nghi dần với áp suất. Bữa cơm trưa cũng vội vàng và họ lại tiếp tục ngâm mình trong lòng biển. Càng đến mùa du lịch, du khách đổ về càng nhiều, nhu cầu sò biển càng tăng thì những người thợ lặn thuê lại càng phải mò mẫm nhiều dưới biển.


Cũng phải thừa nhận rằng, nghề lặn biển thuê mang đến cho người dân xã Kỳ Xuân đời sống khấm khá hơn, trong xã có nhiều ngôi nhà kiên cố, nhà cao tầng được xây dựng bằng tiền của những người thợ lặn mang về. Nhiều thanh thiếu niên, thậm chí chưa bước ra khỏi ghế nhà trường đã tính chuyện nối gót các bậc cha anh vào miền Nam, mong đổi đời bằng nghề lặn biển. Và nỗi đau cứ thế nối dài thêm. Hầu hết những người lâu năm trong nghề thợ lặn, không bị tai nạn nghề nghiệp thì về sau cơ thể cũng bị suy nhược, chân tay yếu, thậm chí bại liệt. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Viễn, ở xóm Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân. Anh đã từng đi lặn thuê suốt 12 năm và bị biến chứng, ở tuổi 41, đôi bàn chân của anh bại liệt hoàn toàn, chỉ có thể ngồi xe lăn.


Có không ít thợ lặn nhận thức được nguy hại về sau, nhưng có nhiều người cũng vì miếng cơm manh áo rồi cứ phải liều, cũng có người muốn từ bỏ nghề lặn biển. Như dân miền biển thường nói: ăn cơm thủy thần thì trước sau gì thủy thần cũng đòi lại cái gì đó. Anh Nguyễn Hữu Trình, 44 tuổi, trong một lần chứng kiến cái chết của một thanh niên lặn thuê cùng làng đã toan bỏ nghề lặn. Nhưng nghĩ đến cảnh vợ con cơ cực ở nhà, anh cố thêm vài chuyến nữa, nhưng một trong những chuyến lặn cuối cùng đó, anh đã phải trả giá.


Cứ thế, cái nghề nghiệt ngã này cướp đi của Kỳ Xuân không biết bao nhiêu “kình ngư”: Phan Ngọc Sâm, Phan Bình, Phạm Văn Hận… Khi ra đi, họ là những trai tráng, khi về, họ chỉ còn là những phế nhân.


Hoàng Thắng

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP