Kỳ Anh

Kỳ Anh: Người đàn ông bị tù oan, suốt 12 năm đi đòi công lý

Chỉ vì cộng nhầm 10% thành 11% thương tật trong một vụ án “cố ý gây thương tích” mà ông Hồng đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng. Vụ việc được làm sáng tỏ khi ông có đơn đề nghị giám định lại. Tuy nhiên, suốt 12 năm qua, ông đi đòi công lý, đòi bồi thường oan sai nhưng không cơ quan nào thực hiện bồi thường, ngay cả một lời xin lỗi cũng không.

Ông Hồng uất ức kể về hành trình đi đòi công lý của mình.

Trong khi bản thân ông Hồng bị tổn hại sức khỏe, vật chất, tinh thần, bị tiếng đi tù về, xóm làng xa lánh, con cái đổi họ…

Đi tù vì bị cộng nhầm phần trăm

Theo cáo trạng số 20 ngày 29.10.2002 của Viện Kiểm sát (VKS) huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cuộc sống vợ chồng giữa ông Dương Ngọc Hồng (SN 1961, trú xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh) với bà Nguyễn Thị Liệu (quê Ba Đồn, Quảng Bình, là vợ hai, không hôn thú) có xích mích. Ngày 28.11.2001, ông Hồng nắm tóc kéo, đấm, đá vào bụng, vào ngực, giằng co, xô xát khiến bà Liệu bị rách mặt chảy máu phải nhập viện cấp cứu vì đa chấn thương. Sau khi ra viện, bà Liệu đã có đơn yêu cầu giám định tỷ lệ thương tật.

Theo kết quả giám định pháp y số 10 ngày 25.1.2002 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh, bà Liệu bị thương tật 11%. Với kết quả giám định này, bà Liệu đã có đơn yêu cầu khởi tố ông Dương Ngọc Hồng. Sau đó, Công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Ngày 29.10.2002, VKS huyện Kỳ Anh đã ra cáo trạng truy tố ra tòa án đối với bị can Dương Ngọc Hồng về hành vi “cố ý gây thương tích” tại khoản 1 Điều 104 BLHS.

“Sau khi tạm giam 3 tháng, tôi đã có yêu cầu giám định lại thương tích của bà Liệu. Trong lúc TAND huyện Kỳ Anh đưa ra xét xử thì có kết quả khẳng định thương tích bà Liệu chỉ 10% nên tòa dừng lại và Công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định đình chỉ vụ án”, ông Hồng chua xót kể lại.

Theo hồ sơ VKS huyện Kỳ Anh cung cấp, bản giám định pháp y số 10 ngày 25.1.2002 của Tổ chức giám định pháp y Hà Tĩnh do bác sĩ Lê Công Bé ký đã kết luận bà Liệu bị thương tật vĩnh viễn 11%. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại, kết quả giám định này chỉ là 10% chứ không phải 11%. Nguyên nhân được xác định do ông bác sỹ Bé “cộng nhầm”. Điều này được thể hiện rõ trong văn bản ngày 25.9.2003 của Sở Y tế Hà Tĩnh trả lời Công an huyện Kỳ Anh do bà Phan Thị Ninh – Phó Giám đốc ký. Đó là cơ sở để ngày 9.11.2003, Công an huyện Kỳ Anh ra quyết định đình chỉ vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với ông Dương Ngọc Hồng. Thực tế, sau khi ông Hồng đề nghị giám định lại thì kết quả giám định lần cuối cùng số 170 ngày 12.6.2003 của Viện y học Tư pháp Trung ương kết luận bà Liệu bị thương tật chỉ 8%.

Cha đi tù, con đổi họ

Với vẻ bất mãn, chán đời, ông Hồng cho biết sau khi ra tù ông bị tổn hại sức khỏe, tinh thần xuống dốc chẳng còn tha thiết gì đến công việc. “Đi tù về tui bị bà con, hàng xóm khinh thường, xa lánh. Buồn nhất là mấy đứa con cũng đổi từ họ Dương của tôi sang họ Nguyễn luôn”, ông Hồng nghẹn ngào kể. Những đứa con đổi họ mà ông Hồng nói là con của ông với bà vợ đầu tên Vũ Thị Tương đã ly hôn năm 1999.

Tuy nhiên, theo ông, sau khi ông đi tù về thì các con mới đổi họ. Để xác minh rõ thực hư vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động & Đời Sống đã làm việc với xã Kỳ Châu (Kỳ Anh) nơi bà Tương đang sinh sống. Ông Phan Chí Hiếu – Trưởng Công an xã Kỳ Châu khẳng định: Đúng là 3 người con của ông Hồng và bà Tương đã đổi từ họ Dương sang họ Nguyễn. Sổ hộ khẩu của hộ bà Tương cũng thể hiện rõ điều này. Cụ thể là Nguyễn Thị Hảo (SN 1983), Nguyễn Ngọc Hào (SN 1984), Nguyễn Thị Hường (SN 1992).

Cũng chính vì phải gánh chịu oan trái, mất mát lớn như thế nên sau khi ra tù, ông Hồng đã liên tục gửi đơn khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại oan sai đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay ông vẫn chưa được giải quyết bồi thường. “Chưa nói đến bồi thường, ngay cả một lời xin lỗi đối với tôi họ cũng chưa thực hiện”, ông Hồng uất ức nói.

Vô vọng

Ông Bùi Đức Quang -Viện trưởng VKS huyện Kỳ Anh cho biết, trường hợp của ông Hồng là vụ việc khiếu kiện kéo dài gây “đau đầu” ở VKS Kỳ Anh từ lâu nay. Ông Quang cho rằng bản chất thì ông Hồng không phải bị oan sai. Bởi ông này vẫn có hành vi gây thương tích cho bà Liệu. “Thực tế ông Hồng có bị thiệt thòi nên ông khiếu nại đòi quyền lợi là đúng. Tuy nhiên, căn cứ theo luật thì ông Hồng lại không được bồi thường”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng khẳng định VKS huyện Kỳ Anh đề nghị truy tố ông Hồng là căn cứ vào kết quả bà Liệu bị thương tích 11% do Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh thực hiện. Do đó, VKS Kỳ Anh không có sai sót gì trong vụ việc này. Vì vậy họ cũng không có trách nhiệm xin lỗi ông Hồng. Ông Quang còn cho rằng, vì kết quả cộng sai của bác sĩ Bé gây tổn hại cho ông Hồng nên lẽ ra ngành y tế (đơn vị giám định) phải xin lỗi và khắc phục hậu quả n

Thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh, bác sĩ Bé – người đã nhầm lẫn trong kết quả giám định thương tích của bà Liệu đã bị Sở Y tế kỷ luật khiển trách. Hiện ông Bé đã nghỉ hưu và đang làm cho một phòng khám tư nhân.

Trần Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP