Kỳ Anh

Kỳ Anh: Giải tỏa Quốc lộ 1A thu hồi đất có sổ đỏ mà không hoặc ít bồi thường hỗ trợ?

Sổ đỏ là căn cứ đầu tiên để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, vậy mà ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đất của dân đều có sổ đỏ từ lâu nhưng huyện công bố là đất lấn chiếm, rồi dựa vào xác nhận vô căn cứ của xã để quyết định có bồi thường hay không? Đất của dân quản lí, sử dụng từ những năm 80 thế kỉ trước bị giải tỏa không bồi thường hoặc bồi thường “giá bèo”, người dân không chấp nhận, thế là Chủ tịch UBND huyện dùng bạo lực để tước đoạt…

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ (Internet)

Kêu trời không thấu, kêu huyện huyện làm ngơ

Đơn tố cáo của các thương binh, cựu chiến binh, gia đình có công với nước cho biết Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bổng chỉ huy Lực lượng vũ trang gồm hàng trăm người, phần lớn là Công an, lấy cớ “bảo vệ thi công”, thực chất là cưỡng chế để lấy đất trái phép. Từ ngày 18 đến 24/3/2014, ông Bổng lần lượt “mang quân” và xe chuyên dùng, đến từng xóm để cưỡng chế. Cụ Kiều Thị Phăng 90 tuổi, vợ thương binh; bà Bùi Thị Tuy, vợ liệt sĩ; bà Võ Thị Gái, vợ thương binh hạng đặc biệt mới mất, ông Trần Ngọc Cẩm, ông Nguyễn Văn Hiền, ông Phạm Văn Sinh… đều là thương binh nặng bị Công an đẩy vào nhà, đóng cửa lại, khống chế để hàng chục xe cơ giới đào đất của họ. Ngày 24/3/2014, đoàn người do ông Bổng cầm đầu đến xóm Liên Sơn, một thanh niên lên tiếng: Dân chẳng dại gì mà chống chính quyền, nhưng chính quyền coi thường dân quá thể, thu hồi đất mà không bồi thường, không có quyết định thu hồi… Thế là anh ta bị Công an dùng dùi cui điện đánh gục, người nhà phải đưa đi viện cấp cứu.

Dân khiếp sợ nói: “Những người có công, thương binh nặng mà còn bị đối xử tàn bạo như thế thì dân thường như chúng tôi phải ngậm miệng, lơ mơ là họ cho vào tù hết”. Thật khó hiểu, huyện Kỳ Anh có tổ chức Đảng, có cấp trên, tại sao Chủ tịch UBND huyện lại vi phạm dân chủ đến như thế mà không bị xử lí? Dân kêu đến tận Trung ương suốt một năm trời, không lẽ lãnh đạo tỉnh không biết, vậy tại sao không chỉ đạo chính quyền huyện phải thực hiện đúng luật?

Ban đầu chúng tôi nghĩ có thể huyện làm đúng. Tưởng là sau khi Nghị định 203/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có hiệu lực, thì đất trong hành lang an toàn đường bộ đã được bồi thường, giờ chỉ giải tỏa phần diện tích đã được bồi thường từ 32 năm trước? Nhưng sau khi nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu kĩ Nghị định 203/HĐBT mới vỡ lẽ huyện làm sai rất nghiêm trọng.

Hàng trăm tỉ đồng Nhà nước bồi thường hỗ trợ vào tay ai?

Nếu đất đã bồi thường và bị cấm sử dụng từ 21/12/1982 thì tại sao chính quyền lại cấp sổ đỏ những lô đất này cho dân? Đất có sổ đỏ sao lại huyện cho là lấn chiếm? Chủ tịch UBND xã Trần Văn Phụ 8 năm trước xác nhận bản di chúc của một cụ bà 90 tuổi, vợ liệt sĩ, có nội dung đất sử dụng năm 1980, nay cụ bị thu hồi 600m2 đất ấy, ông ta lại quay sang nói đất cụ sử dụng sau ngày 21/12/1982 để tước đoạt. Còn Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bổng thì 9 năm trước, huyện cấp hàng trăm sổ đỏ cho các hộ dân, nay “vu” cho họ lấn chiếm để không bồi thường, hỗ trợ? Những người đứng đầu chính quyền như thế thì dân biết tin ai? Đoạn Quốc lộ 1A này có nhà ông Chủ tịch UBND xã còn ông Chủ tịch UBND huyện thì mỗi tháng cũng hàng chục lần qua đây, nếu hành lang Quốc lộ 1A bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm suốt mấy chục năm trời thì họ phải biết, vậy tại sao không ai ngăn chặn?

Theo quy định của pháp luật, kể cả đất lấn chiếm mà đã sử dụng ổn định thì khi thu hồi vẫn được bồi thường. Nếu ở đây, đất ai chưa có sổ đỏ mà bị coi là lấn chiếm thì đều lấn chiếm trước 15/10/1993, như vậy thì vẫn được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp đất mới lấn chiếm sau ngày đó, nếu không bồi thường thì được hỗ trợ, mức hỗ trợ do UBND tỉnh quy định nhưng không vượt quá giá trị bồi thường. Ở xã Kỳ Phong, hàng trăm trường hợp bị giải tỏa, là đất đã có sổ đỏ và đã sử dụng hàng chục năm nhưng không được bồi thường đã đành mà cũng không được hỗ trợ? Quốc lộ 1A đoạn qua xã Kỳ Phong dài 6km, cả hai bên là 12km, mở rộng thêm 8m, là khu vực kinh doanh, dịch vụ phát triển, giá đất theo thị trường từ 8 đến 12 triệu đồng/m2, số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất là hết sức lớn, mà số tiền đã bồi thường hỗ trợ, xem ra chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp.

Ông Lê Xuân Hòa đảng viên, nói: “Việc giải tỏa Quốc lộ 1A, chỉ cán bộ họp với nhau còn dân chúng tôi và các đảng viên không được biết. Tôi từng 10 năm làm Chủ tịch UBND xã, rồi làm Chủ nhiệm hợp tác HTX, nguồn gốc đất của từng hộ tôi biết rất rõ nhưng không được hỏi ý kiến. Chủ tịch Trần Văn Phụ thích ai thì người đó được trả tiền, tôi cũng là nạn nhân của ông ta. Vật kiến trúc và cây trồng, chi phí cải tạo đất cũng vậy. Chính quyền hỗ trợ bao nhiêu người dân biết bấy nhiêu, có người được 20%, có người được 80%”.

Từ thực tế này đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh, xem lại nhận thức, quan điểm và cách làm trong việc thu hồi bồi thường, hỗ trợ, không để gây thiệt hại cho dân. Cần thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn bộ việc giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Kỳ Anh và xử lí sai phạm nhằm lấy lại lòng tin của dân đối với đảng và chính quyền các cấp.

Trần Mỹ – Mạc Hồng Kỳ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP