Kỳ Anh

Kỳ Anh: Chủ động xây dựng chiến lược nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh

Kỳ Anh – vùng đất sơn thuỷ hữu tình nằm ở phía Nam Hà Tĩnh. Nơi đây nổi tiếng với Hoành Sơn Quan và danh thắng Đèo Ngang đã đi vào thơ ca và huyền thoại. Kỳ Anh có đủ các yếu tố thuận lợi về rừng, đồng bằng, tiềm năng biển để phát triển kinh tế toàn diện…

Người Kỳ Anh hội tụ đủ nhiều phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam: Yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, thuỷ chung, nghĩa tình, thông minh hiếu học, có tinh thần chịu đựng gian khổ luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Những phẩm chất đó làm nên cốt cách riêng của con người Kỳ Anh và đó là động lực chính, là cơ sở vững chắc để đào tạo nguồn lực mới cho sự phát triển.


Trải qua hơn 170 năm hình thành và phát triển, Kỳ Anh đã không ngừng lớn mạnh. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đóng góp công sức to lớn của nhân dân, huyện nhà đã đạt được những thành tích to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá – xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.


Trong thời kỳ hội nhập, với những chính sách đầu tư phát triển, Kỳ Anh đang đứng trước những vận hội thuận lợi lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, từ khi dự án kinh tế Vũng Áng được tiến hành, Chính phủ dành nhiều ưu đãi, các nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn nên đã tạo nên động lực lớn cho một miền quê nghèo sớm tiến lên trên con đường công nghiệp hoá hiện đại hoá.


Kỳ Anh đang đứng trước những vận hội lớn thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Quyết định số 72/TTg ngày 03/4/2006 thành lập Khu kinh tế Vũng Áng của Thủ tướng Chính phủ với nhiều ưu đãi và hàng chục nhà đầu tư đã vào sẽ là động lực cho một miền quê nghèo sớm tiến lên trên con đường công nghiệp hoá hiện đại hoá.


Với diện tích tự nhiên 105.429 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 23.292 ha; đất lâm nghiệp 54.990 ha (trong đó đất rừng sản xuất 18.097 ha, đất rừng phòng hộ 30.658 ha, đất rừng đặc dụng 6.234 ha) rất phù hợp và thuận lợi cho các dự án trồng rừng như cao su, keo tràm, chè… để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy gỗ dăm, nhà máy chè… Đất phi nông nghiệp 12.061 ha; đất chưa sử dụng 13.859 ha; 63 km bờ biển và trên 3000 ha diện tích ao hồ, mặt nước tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế thuỷ sản…



Trưởng Phòng công thương Kỳ Anh: Ngành công nghiệp ở đây đang phát triển rất mạnh mẽ. Nhờ chỉ đạo tích cực việc triển khai Nghị quyết 04 – NQ/HU 07/2008 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển CN – TTCN xuống tận các xã, thị trấn, cho nên tất cả các xã đã hoàn thành tốt kế hoạch và đề án của địa phương. Năm qua, tổng giá trị sản xuất CN – TTCN ước đạt gần 450 tỷ đồng. Tăng 22.5 % so với năm ngoái, bằng 105 % kế hoạch.


Dựa trên những lợi thế từ yếu tố tự nhiên, Kỳ Anh đã đầu tư chú trọng phát triển nông – lâm – ngư nghiệp. Trong năm 2008, tổng giá trị 3 ngành này đạt xấp xỉ 650 tỷ đồng, tăng 16 % so với năm 2007. Năm qua, cũng như các địa phương khác, Kỳ Anh cũng gặp rất nhiều khó khăn từ yếu tố thời tiết và thị trường. Nhưng huyện đã kịp thời đưa ra những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy lùi những khó khăn, phát huy thế mạnh cho nên ngành sản xuất vẫn về đích thành công mang lại nguồn thu ngân sách lớn.


Với nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nằm rải rác ở nhiều nơi trong huyện. Như mỏ Titan chạy dọc theo theo tuyến bờ biển có trữ lượng 2.095.452 tấn, mỏ vàng sa khoáng ở xã Kỳ Sơn và một số xã lân cận có trữ lượng 23.666 kg, các loại nguyên vật liệu như đá, sỏi, cát… có trữ lượng lớn (gồm 745,88 ha núi đá)…Cộng thêm những chính sách mở cửa ưu đãi đầu tư nên đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.


Các doanh nghiệp – HTX trên địa bàn cũng không ngừng phát triển và lớn mạnh. Bên cạnh đó, TM – DV cũng phát triển vượt bậc so với những năm trước. Hiện nay, toàn huyện có gần 4 nghìn hộ tham gia kinh doanh cá thể trên lĩnh vực thương mại và du lịch. Tổng mức hàng bán lẻ hàng hoá dịch xã hội đạt hơn 295 tỷ đồng. Các ngành chức năng thường xuyên tăng cường triển khai kiểm soát nhằm thực hiện chủ trương chống lạm phát của Chính phủ và mang lại kết quả tốt. CN – DV – TM trên địa bàn huyện những năm gần đây đã có những bước phát triển mới trông thấy. Đây là động lực chủ yếu và to lớn làm thay đổi diện mạo của huyện. Kỳ Anh hiện đang trên đà đi lên trở thành một địa phương phát triển năng động và hiện đại.


Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội là hai quá trình tác động qua lại tích cực với nhau. Hiểu rõ điều đó, lãnh đạo huyện Kỳ Anh tích cực trích ngân sách, kêu gọi đầu tư phục vụ công tác xây dựng, tu bổ. Đặc biệt là các công trình phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Phong trào làm giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Bao gồm duy tu, sửa chữa cầu, đường, kênh mương…Giá trị đầu tư cho XDCB đạt gần 69 tỷ đồng. Giá trị đầu tư XDCB của các công ty, doanh nghiệp do Tỉnh và Trung ương quản lý thực hiện gần 129 tỷ đồng.


Trong thời đại mới, kinh tế luôn là sự nghiệp hàng đầu. Nhưng văn hoá – xã hội cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Sự nghiệp giáo dục huyện Kỳ Anh ngày càng được chú trọng và phát triển. Chương trình phổ cập giáo dục được huyện hoàn thành xuất sắc. Tỷ lệ học sinh và giáo viên giỏi không ngừng tăng lên về số lượng. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao toàn diện. Công tác xã hội hoá giáo dục tiếp tục được phát huy, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng trên các địa phương. Đã có nhiều trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, Phòng giáo dục năm 2006 được tặng Huân chương lao động hạng nhì…Phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn hoá mới cũng được đẩy mạnh. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố phục vụ tốt cho nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. An ninh – quốc phòng luôn được giữ vững… Đức Huy

TTTM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP