hatinh24h 01

Dương Đồng tại trang trại chăn nuôi tổng hợp của mình

Tai họa bất ngờ

Tiếp chúng tôi, anh Đồng cho biết, năm 2003, sau khi học xong cấp 3, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã quyết định vay tiền ngân hàng, mượn anh em, bà con gom được hơn 100 triệu đồng để anh đi xuất khẩu lao động tại một nhà máy dệt nhuộm ở Đào Viên, Đài Loan (Trung Quốc) với mức lương khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng. Làm việc được hơn 1 năm, số tiền kiến được gửi về quê chưa đủ để trả hết nợ thì một ngày tháng 5-2004, trong khi đang làm việc thì chân anh bị kẹt trong thang máy băng tải và rơi từ tầng 3 xuống đất gãy xương cột sống, đa chấn thương. “Lúc tỉnh dậy thấy mình đã nằm ở phòng cấp cứu của bệnh viện, còn đôi chân bị liệt hoàn toàn”, anh Đồng nhớ lại.

Cuối năm 2006, Đồng trở về nước và tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng kết quả cũng không khả quan nên gia đình đưa anh trở về quê. Từ đó đến nay, hàng ngày, mọi hoạt động di chuyển của Đồng đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn, xe máy 3 bánh và 2 chiếc nạng sắt.

Những ngày trở về quê, Đồng luôn tự nhủ không được nản chí, phải quyết tâm vượt qua số phận để không phụ thuộc nhiều vào gia đình vốn chẳng dư dả gì. Năm 2007, Đồng xây dựng tổ ấm gia đình với chị Lê Thị Mỹ Thạnh (năm nay 30 tuổi), một cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó quê ở tỉnh Phú Yên, 2 người từng quen và yêu nhau khi làm việc ở Đài Loan.

Vượt qua nghịch cảnh

Sau ngày cưới, Đồng bàn tính với vợ và nhờ bố mẹ vay mượn một ít vốn rồi lên xã Kỳ Giang (gần quốc lộ 1A, cách xã Kỳ Phú khoảng 15km) mở tiệm kinh doanh Internet. Khi điện thoại di động phát triển mạnh, kinh doanh Internet bắt đầu giảm sút thì Đồng chuyển sang mở tiệm photocopy và đại lý thức ăn chăn nuôi gia súc. Rồi nhận thấy mấy nghề này không phù hợp thời thế, năm 2012, Đồng quay trở về thôn Phú Long đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Ban đầu, Đồng thuê gần 4ha với thời hạn 10 năm, trong đó có 2ha mặt nước nuôi cá thương phẩm như: chép, mè, gáy, trôi; diện tích còn lại triển khai xây dựng chuồng trại khép kín nuôi thử nghiệm giống chim bồ câu Pháp và giống gà đẻ, gà thịt. “Thời gian đầu tôi đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là việc đi lại. Tuy nhiên, những lúc càng khó khăn thì vợ chồng luôn đồng tâm hiệp lực, tự động viên nhau cố gắng vượt qua. Và đến nay, kết quả đã như mong đợi, mô hình của mình đã gặt hái được thành công, với mỗi lứa đã có 100 đôi chim giống bồ câu Pháp, hơn 300 con gà thịt, trên 100 con gà đẻ; ngoài ra chúng tôi còn kết hợp với bố mẹ nuôi thêm 50 – 60 con heo siêu nạc, đàn vịt… và hàng năm mang về cho mình nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm”, Đồng chia sẽ.

Kinh doanh có hiệu quả, mới đây vợ chồng Đồng đã xây được ngôi nhà mới 2 tầng kiên cố, khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng, đẹp nhất nhì thôn Phú Long. Đồng cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại, kéo dài thời hạn thuê đất lên 30 năm, tăng tổng đàn gà thịt và đẻ, chim bồ câu Pháp, tìm hiểu kinh nghiệm để nuôi thêm đàn vịt trời.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân ở xã Kỳ Phú nhận xét, ở xã vùng ven cửa biển này ai cũng cảm phục Dương Đồng, một thanh niên trẻ dù tật nguyền cả 2 chân, nhưng biết tự vượt lên số phận để khẳng định bản thân mình, sống có ích cho gia đình và xã hội. Đồng xứng đáng là tấm gương điển hình “tàn nhưng không phế” để nhiều thanh niên trẻ khác học tập noi theo.