Nông Thôn Hà Tĩnh

Kỳ Anh: Biến đồi trọc thành rừng xanh

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng thương binh Nguyễn Việt Hùng (71 tuổi) và Thái Thị Vân (67 tuổi, ở thôn Trung Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã tiên phong lên vùng đất đồi trọc bỏ hoang ở phía Tây Nam của xã khai hoang phục hóa. Sau 25 năm, nơi đây đã thành những trang trại rừng xanh ngút ngàn, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Nhập ngũ theo tiếng gọi non sông

Một ngày đầu tháng 8-2015, chúng tôi tìm về trang trại trồng rừng nổi tiếng của vợ chồng ông Hùng ở thôn Trung Phong. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hùng cho biết, ông sinh ra ở miền quê bãi ngang ven biển xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ tại đơn vị C22, rồi D44 trinh sát thuộc tỉnh đội Hà Tĩnh, sau đó chuyển vào đơn vị Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 chiến đấu tại Quảng Trị. Trong năm 1969, ông đã 3 lần bị thương khắp cơ thể (hiện là thương binh 4/4). Hòa bình lập lại, ông chuyển về công tác tại Lâm trường huyện Kỳ Anh cho đến năm 1989 mới nghỉ hưu. Sau đó, ông cùng gia đình về sống tại xã Kỳ Phong và được nhân dân tín nhiệm giao làm Bí thư chi bộ thôn Trung Phong cho đến năm 2014.
hatinh24h 01

Vợ chồng thương binh Nguyễn Việt Hùng tại rừng cây gió trầm hơn 10 năm tuổi.

Còn bà Vân sinh ra ở xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, năm 1967 bà lên đường nhập ngũ tại đơn vị N53-535-P18 Tổng đội Thanh niên xung phong Hà Tĩnh, tham gia san lấp hố bom trên tuyến đường chiến lược 21, 22, 15A, ngã ba Đồng Lộc. Năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ tại Ngầm Vực (thuộc đường 21), tiểu đội bị trúng bom, bà Vân bị thương (hiện là thương binh 4/4). Thống nhất đất nước, bà Vân công tác tại Công ty Điện lực 3 Hà Tĩnh, năm 1986 nghỉ hưu và làm Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Kỳ Phong đến nay (ông Hùng và bà Vân xây dựng tổ ấm gia đình từ năm 1974).

Trang trại V-A-C-R

Ông Hùng cho biết, cách đây 25 năm (năm 1990) do cuộc sống khó khăn, trong khi con cái đông lại đang tuổi ăn học, mấy sào ruộng thu hoạch bán cũng chẳng được bao nhiêu, chưa kể thiên tai khiến mất mùa liên tiếp. Mặt khác, thời điểm này Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích đi khai hoang phục hóa, phát triển kinh tế mới để xóa đói giảm nghèo. Vợ chồng ông bàn tính rồi quyết định xin chính quyền xã, mạnh dạn vay vốn đi tiên phong lên khu vực phía Tây Nam của xã Kỳ Phong (nơi đây vốn là vùng hẻo lánh, đất trống đồi trọc khô cằn, bỏ hoang, nhiều hố bom mìn cày xới nham nhở) để lập nghiệp. “Ban đầu chỉ trồng thử nghiệm cây ngắn ngày như, khoai lang, bắp, khoai mì, chuối, đậu, nuôi heo, gà… và rất may đều cho thu hoạch với năng suất cao, bán được giá. Nhiều năm sau đó, khi đã dày dạn kinh nghiệm, tích góp được ít vốn liếng, kết hợp với vay mượn, vợ chồng tôi tiếp tục đầu tư quy hoạch phát triển kinh tế lên thành trang trại V-A-C-R (vườn-ao-chuồng-rừng), đào ao thả cá thương phẩm chép, mè, gáy, trôi, rô phi; trồng cây lâu năm như keo, tràm, gió trầm, bưởi, chè, cam, chanh, xoài, nhãn, vải thiều; nuôi gà, trâu, bò… Kết quả ngoài sự mong đợi khi hàng năm mang về nguồn thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng”, ông Hùng kể.

Hiện tại trang trại V-A-C-R của ông Hùng đã tăng tổng diện tích lên hơn 7ha, nổi bật trong đó là rừng gió trầm trên 1.000 gốc cây hơn 10 năm tuổi, cây nào cũng cao lớn, phát triển cành lá sum sê (hiện đã có người trả giá mua hơn 1 triệu đồng/cây nhưng gia đình chưa bán); hơn 1,5ha diện tích mặt nước ao hồ nuôi cá thương phẩm, sản lượng thu hoạch đạt từ 3 – 5 tấn/năm với giá trị khoảng 110 triệu đồng/năm, cùng hàng chục con trâu bò, hàng ngàn con gà các loại… “Cũng chính nhờ trang trại này mà cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá hơn, xây cất được nhà cửa, mua sắm phương tiện, thiết bị trong gia đình, ngoài ra còn có thêm điều kiện để chăm lo cho 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, sau khi tốt nghiệp đại học các cháu đều đã có công ăn việc làm ổn định…”, ông Hùng phấn khởi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kỳ Phong, nhận xét: “Ông Hùng và bà Vân là tấm gương điển hình xuất sắc về làm ăn kinh tế trang trại giỏi không chỉ ở xã mà còn cả toàn huyện Kỳ Anh. Năm 1994, ông Hùng là một trong số đại diện tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh được cử đi tập huấn, giới thiệu về mô hình trồng rừng tại Philippines do Dự án trồng rừng PAM tổ chức. Nhờ đi tiên phong khai hoang phục hóa đồi núi phát triển thành công và sự giúp đỡ của ông Hùng, bà Vân mà đến nay trong xã đã có thêm nhiều hộ dân nghèo khác tiếp tục mạnh dạn lên đây nhận đất cùng đầu tư làm trang trại rừng, vừa góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội của địa phương, vừa bảo vệ rừng và môi trường sống…”

DƯƠNG QUANG /SGGP

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP