Kinh tế

Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Vì sao kém sôi động?

Là một trong 8 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu trọng điểm của cả nước, nhưng sau 6 năm thành lập và đi vào hoạt động KKT CKQT Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chưa thực sự phát triển như kỳ vọng của Chính phủ cũng như địa phương.

Cổng B KKT Cầu Treo vắng vẻ. Ảnh: Hoài Anh

Trầm lắng

KKT CKQT Cầu Treo (sau đây gọi là KKT Cầu Treo) bao gồm các xã Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 và thị trấn Tây Sơn với tổng diện tích 56.684 ha. KKT Cầu Treo được thành lập nhằm mục đích đẩy mạnh thông thương giữa Việt Nam với Lào, thúc đẩy kinh tế phía Tây Hà Tĩnh và toàn tỉnh Hà Tĩnh phát triển.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay trong KKT có khoảng 150 DN với hơn 1.200 hộ kinh doanh cá thể đã được cấp đăng ký kinh doanh. Đến nay KKT Cầu Treo đã thu hút 23 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 2.828,11 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó số DN bỏ vốn đầu tư thực sự vào KKT thì chỉ có 9-10 DN. Một số DN hoạt động có hiệu quả như Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn, Công ty Nước khoáng Sơn Kim…, những dự án còn lại đang đầu tư, chưa có sản phẩm, ví dụ như dự án nhà máy sản xuất kính an toàn, dự án nhà máy lắp ráp xe ô tô, xe máy, xe đạp điện (xe điện), dự án khu nghĩ dưỡng của Công ty Việt Thái đang xây dựng dở dang, chưa có hiệu quả. Một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KKT còn chậm tiến độ. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai còn gặp nhiều khó khăn…

Bộn bề khó khăn

Nguyên nhân dẫn đến sự kém sôi động của KKT này được cho là xuất phát từ những lý do liên quan đến điều kiện thực tế về địa hình, giao thông, thị trường có nhiều khó khăn. Theo một cán bộ của Ban Quản lý KKT, nếu như KKT Mộc Bài (Tây Ninh) có thị trường rộng lớn phía sau là TP. HCM, thì KKT Cầu Treo chỉ có thị trường TP.Vinh, TP. Hà Tĩnh, sức tiêu thụ của hai thị trường này là không đáng kể. Thị trường Lào với khoảng 7 triệu dân cũng vậy, trong khi xâm nhập thị trường Thái Lan lại là cả một vấn đề.

Nhiều nhà kho của DN trong tình trạng đóng cửa. Ảnh: Hoài Anh

Bên cạnh đó, KKT Cầu Treo tiếp giáp với Lào không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các KKT ven biển và nhiều KKT khác do đặc điểm về địa hình (mặt bằng chủ yếu là đồi núi).

Khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự đìu hiu của KKT Cầu Treo. Ông Nguyễn Hồng Linh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Cầu Treo cho rằng, thời gian qua kinh tế trầm lắng, nhu cầu của người dân về các loại hàng hóa cũng đã đến lúc bão hòa nên lượng hàng hóa NK qua cửa khẩu cũng như lượng hàng hóa trao đổi trong khu vực cũng giảm nhiều so với trước.

Kinh tế khó khăn kéo theo sự khó khăn của các DN. Trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Tiến Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KKT CK Cầu Treo cho biết: Trong số các DN hoạt động trong KKT, trước dây có trên 20 DN kinh doanh XNK có nộp thuế, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5-6 DN có hoạt động XNK. Các DN này đến nay làm ăn cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu tiêu thụ hàng hóa. Một số DN giải thể hoặc ngừng kinh doanh do không có hiệu quả. Hàng hóa không có nhiều chênh lệch, thị trường bị thu hẹp, vốn quay chậm hơn.

Thực tế trong năm 2014, số thu nộp ngân sách của KKT Cầu Treo là gần 194 tỷ, trong đó số thu của lực lượng Hải quan KKT Cầu Treo đạt khoảng 28 tỷ đồng.

Việc thực hiện các cơ chế chính sách của KKT CK cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu tính đồng bộ, chồng chéo nên khó thực thi hiệu quả, gây tâm lý không ổn định, thiếu tin tưởng cho các DN, các nhà đầu tư vào KKT. Hiện nay các DN trong KKT gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Thông tư 109/2014/TT-BTC ngày 15-8-2014 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ 1-10-2014). Theo đó, hàng hóa từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc KKT phải chịu thuế ngay tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. DN chịu ảnh hưởng lớn nhất vì họ muốn mở tờ khai dưới KKT để thuận lợi hơn, vì KKT có mặt bằng rộng, đỡ mất thời gian cho DN.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh cũng như KKT Cầu Treo có chủ trương tiếp tục tích cực vận động đồng thời có sự hỗ trợ để các DN đầu tư vào KKT cũng như về làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Được biết, năm 2014 sau khi vận động, Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) đã làm thủ tục cho hơn 40.000 tấn hàng hóa qua Cửa khẩu Cầu Treo. Năm tới công ty này dự kiến sẽ làm thủ tục cho khoảng 200.000 tấn qua cửa khẩu này.

Để KKT Cầu Treo thực sự phát triển như mong đợi, cần một giải pháp tổng thể để giải quyết những khó khăn, tồn tại, tạo sự hấp dẫn đối với DN, trong đó, yếu tố thị trường phải thực sự được chú trọng.

Hoài Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP