Xã hội

Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Rào cản phát triển từ cơ chế chính sách

Bức tranh kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ảm đạm hơn bao giờ hết khi phải tận mắt chứng kiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhà đầu tư không mặn mà, hàng hóa lưu thông hạn chế... Một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc các chính sách, cơ chế thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.

Ngày 19/10/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 162/2007/QĐ-TTg, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT.

Ngày 26/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ 72 về Quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư vào các khu vực cửa khẩu Quốc tế.

Khi mới thành lập, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt chính sách ưu đãi.

Kể từ khi quyết định có hiệu lực, khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo rầm rộ hẳn lên bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đua nhau đầu tư vào. Hàng trăm doanh nghiệp địa phương được thành lập. Khu hành chính cổng B được xây dựng hoành tráng, hiện đại hàng ngàn tỷ đồng. Không những thế, những doanh nghiệp, người dân trong vùng khu kinh tế đã biết nắm bắt thời cơ để làm ăn, mạnh dạn đầu tư sản xuất ngày một phát triển.

Chính điều đó đã làm cho Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo phát triển năng động, sầm uất hơn bao giờ hết. Biến Cầu Treo trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung.

Đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi, bỗng dưng, tháng 8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109 thực hiện một số điều từ Quyết định 72 về cơ chế chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu. Thông tư của Bộ tài chính như cú sốc lớn đối với các nhà đầu tư cũng như nhân dân trong khu kinh tế. Trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Không còn khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ảm đạm hơn bao giờ hết.

Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, không muốn đầu tư dài hạn vào KKT. Trong khi đó, doanh nghiệp địa phương “chết yểu”, vỡ nợ, đứng trước nguy cơ phá sản. Bức tranh kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo ảm đạm hơn bao giờ hết.

Không chỉ vậy, khi cơ chế nhà nước thay đổi liên tục đối với Khu kinh tế thì ngay nội tại tỉnh Hà Tĩnh, việc sát nhập Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang trở thành vấn đề đáng quan tâm.

Năm 2015, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Khi Khu Kinh tế Vũng Áng phát triển, có Formosa, thay vì duy trì cả 2 khu kinh tế, Hà Tĩnh cho sát nhập thành BQL Khu Kinh tế tỉnh.

Việc sát nhập vào Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý KKT Cầu Treo như đứa "con rơi" bị bỏ mặc.

Có Formosa, có Vũng Áng rồi, Cầu Treo như đứa "con rơi" bị bỏ mặc. Hoạt động thương mại ở Cầu Treo dần chết yểu, nhường "sân chơi" lại cho cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), Thanh Thuỷ (Nghệ An)... phát triển.

Cầu Treo "chết" kéo theo nhiều hệ luỵ. Hàng chục đại gia, hàng trăm dân buôn trở thành con nợ; cả khu kinh tế sầm uất bỗng vắng hiu. Ngân hàng trở thành chủ nợ đầy rủi ro, mong manh như quả bóng bay căng tròn chờ nổ.

Có thể nói, ngân hàng đã mang trong mình một khối u ác tính chờ chết; họ phải "xạ trị" bằng phương thức nhờ người trung gian... đảo khế. Nghe đâu, người ta tính đến phương án chấp nhận rủi ro bằng việc, sẽ hình sự hoá để cắt bỏ khối u ấy (mà chưa tính đến ẩn hoạ phát tác khôn lường của nó).

Điều đáng nói, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, đã gần như chấm dứt các chính sách ưu đãi, khiến KKT càng rơi vào bế tắc.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh cũng như KKT Cầu Treo có chủ trương tiếp tục tích cực vận động đồng thời có sự hỗ trợ để các doanh nghệp đầu tư vào KKT cũng như về làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Và thực tế, năm 2014 sau khi vận động, Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) đã làm thủ tục nhập hàng trăm tấn hàng hóa qua Cửa khẩu Cầu Treo.

Dù vậy, khi tỉnh và các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang tích cực tìm giải pháp, thì ngay tại Khu kinh tế vẫn hiện hữu, tồn tại Trạm kiểm soát liên ngành cổng B.

Theo báo cáo tháng 4/2017 thống kê về tình hình, hàng hóa xuất nhập khẩu thông thương qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thể hiện rõ.

Tổng kim ngạch đạt 16,4 triệu đô, trong đó Cổng A = 16,4 triệu USA còn Cổng B = 0 USA . Về thu ngân sách tháng 4/2017 đạt 5,4 tỷ đồng. Trong đó, cổng A: 5,4 tỷ đồng, còn cổng B: 0 đồng. Trước việc kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách không hiệu quả thế nhưng tại đây vẫn tiến hành thành lập hàng rào kiểm soát thuế quan. Chính đây cũng tạo nên sự bức xúc, gây khó khăn cho các daonh nghiệp, nhà đầu tư khi lưu thông hàng hóa qua đây.

Nhà điều hành Hải quan cổng B được đầu tư hàng trăm tỷ chỉ để phục vụ 10 cán bộ, nhân viên.

Theo ông Phan Tiến Hùng, chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: “Trên thực tế đã bỏ phi thuế quan rồi nhưng đến nay, việc người dân vận chuyển hàng hóa vẫn bị kiểm tra, kiểm soát từ cổng B. Việc bỏ phi thuế quan nhưng không được miễn thuế đã khiến người dân kinh doanh, buôn bán gặp rất nhiều khó khăn”.

Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khu nhà hành chính Hải quan cổng B hiện nay chỉ phục vụ, điều hành của hơn chục con người. Một cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoành tráng đang được sử dụng một cách lãng phí.

Phòng ốc bỏ hoang không sử dụng gây lãng phí, thậm chí sử dụng vào mục đích khác.

Được biết dù là theo các quy định pháp luật hiện hành nhưng ngay tại cổng B, trước tình hình kinh tế ảm đạm, hàng hóa lưu thông không có, nguồn thu không đạt thì ở đây những cán bộ cũng làm việc trong tình cảnh “đi không được mà ở lại cũng không xong”.

Theo ông Trần Thanh Phúc, Chi cục trưởng hải quan Cổng B, Hải quan Hà Tĩnh phân trần: “Trước thực trạng như hiện nay, cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng địa phương cũng như bộ ngành Trung ương cần có hướng giải pháp cụ thể. Một là giải thể, hai là tạo cơ chế để Chi cục Hải quan cổng B hoạt động tốt hơn”.

Thực tế cho thấy rằng, Cầu Treo hay ngân hàng đang chết yểu là do cơ chế và nó có thể hoàn toàn được cứu sống bằng chính cơ chế. Cơ chế ấy đang nằm trong tay các lãnh đạo tỉnh, BQL khu kinh tế, hải quan, biên phòng, thuế... Chỉ cần một cuộc họp liên ngành, Cầu Treo hoàn toàn sống lại, các con nợ dần hồi sinh và ngân hàng sẽ không chết. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, nên cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Thay vì dùng hoá chất đắt tiền để xạ trị cho Formosa, dồn hết tâm lực về Vũng Áng..., hãy tiêm vắc xin cho Cầu Treo. Cầu Treo sống khoẻ là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của các vị lãnh đạo Hà Tĩnh. Bộ Tài Chính chắc cũng sẽ "khôn ngoan", sẵn sàng hào phóng trao thêm cơ chế cho tỉnh nhà để làm sống lại Cầu Treo.

Tác giả: Ngọc Tuấn – Quốc Hoàn

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP