Nhân ái

Không có bố, mẹ bỏ rơi, bé lớp 4 sống khốn khó bên người mợ ruột

Sinh ra mà không biết bố là ai, mẹ bỏ đi từ khi em mới 2 tuổi, cậu bé Trần Xuân Hiếu, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) sống với cậu mợ nghèo khó. Kể từ ngày người cậu tử nạn trong một trận lũ, tuổi thơ của Hiếu vốn đã nghiệt ngã, thiệt thòi lại càng bi đát, sống cảnh bữa đói bữa no đầy cám cảnh.

Tuổi thơ dữ dội

Cuối chiều chớm đông, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Cư ở thôn 8, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để tìm gặp cậu bé có tuổi thơ đầy bất hạnh, thiệt thòi Trần Xuân Hiếu, học sinh lớp 4A trường Tiểu học Phúc Trạch. Căn nhà gỗ bé nhỏ, tồi tàn của chị Cư thật ảm đạm. Chị Cư sức khỏe rất yếu do bệnh tật nhiều năm nằm trên giường. Nhà có hai cháu bé nhỏ thó, độ tuổi ăn học đang cố sức dọn hết đống bìa gió trầm chị Cư tranh thủ phơi khi có nắng. Một trong hai đứa đang gồng sức làm việc ấy là cậu bé Hiếu.

Bé Hiếu (bên phải) mới lớp 4 mà đã biết lao động kiếm tiền phụ giúp người mợ bệnh tật.

Gặp chúng tôi, cậu bé có khuôn mặt tội nghiệp, ánh mắt buồn thương nhút nhát, ít nói. Có lẽ cái tuổi thơ bất hạnh, thiệt thòi, thiếu hơi ấm tình thương của bố mẹ đã khiến Hiếu rụt rè hơn người anh con cậu mợ của mình.

Gắng gượng bước ra khỏi giường, người mợ như muốn bật khóc kể về tuổi thơ nghiệt ngã, thiệt thòi của đứa cháu mà chị đã nuôi từ khi mới được 2 tuổi. Theo lời chị Cư, do cuộc sống gia đình khó khăn, mẹ của Hiếu đã phải nghỉ học đi làm thuê từ nhỏ. Gần chục năm trước lúc đi làm thuê mẹ Hiếu yêu một người đàn ông ở xã kế bên rồi mang thai. Khi mẹ Hiếu thông báo về cái thai trong bụng, người đàn ông nọ đã chối bỏ trách nhiệm. Hiếu chào đời mà không biết bố là ai.

Những tưởng người mẹ sẽ dành tất cả niềm thương cho con trai để bù đắp cho thiệt thòi quá lớn mà đứa con bị bố chối bỏ. Nhưng rồi tuổi thơ Hiếu quá bất hạnh khi một biến cố mới khiến cậu bé phải sống cảnh mồ côi. Được 2 tuổi, mẹ Hiếu đã bế đứa con èo uột, ốm yếu, thiếu thốn đủ bề về gửi cho người anh trai. “Cô ấy nói gửi cháu để đi có việc. Vợ chồng chị phần thương cháu, phần tin lời nên trông cháu cho cô ấy. Không ngờ mẹ cháu một đi không còn quay về nữa. Cháu từ đó sống lay lắt với cậu mợ”- chị Cư rưng rưng nước mắt kể.

Tuổi thơ của Hiếu quá thiệt thòi, bất hạnh. Bố chối bỏ khi chưa lọt lòng, mẹ bỏ đi khi em mới 2 tuổi.

Chuỗi ngày sau đó thật khó khăn với bé Hiếu. Vợ chồng chị Cư thuộc hộ khó khăn bậc nhất xã Phúc Trạch, một vùng quê chịu nhiều trận lũ tàn phá. Hai đứa con của chị Cư sống cảnh bữa đói, bữa no, thì Hiếu cũng không thể khá hơn được. Thiếu hơi ấm, bàn tay chăm sóc của người mẹ, thiếu dinh dưỡng nên Hiếu cứ èo ọt, nhỏ thó. “Giờ trông cháu thế thôi, chứ hồi mẹ cháu bỏ đi cháu nó ốm yếu lắm, đi viện suốt. Nhiều lúc vợ chồng nghĩ cháu sẽ khó qua khỏi, thương lắm”- chị Cư nhìn đứa cháu của mình kể lại.

Thương đứa trẻ mồ côi thiếu thốn đủ bề, bà con ở xóm 8 thương tình, người bát gạo, người hỗ trợ áo quần giúp Hiếu. Cậu bé chịu nhiều thiệt thòi lớn lên trong niềm yêu thương của cậu mợ, người dân.

Mẹ bỏ đi, từ 2 tuổi Hiếu đã được cậu, mợ nuôi nấng. Nhà cậu mợ cũng nghèo khó, nên tuổi thơ của Hiếu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Khuôn mặt cậu bé Hiếu đượm buồn, tính cách khá nhút nhát, rụt rè.

Những tưởng tình thương của cậu mợ sẽ phần nào giúp Hiếu vơi đi nỗi bất hạnh, nhưng tai họa đã ập đến với tổ ấm mà cậu bé có tuổi thơ đầy sóng gió đang tá túc.Trận lũ lịch sử 2010 đã khiến cuộc sống của gia đình chị Cư rơi vào nỗi tuyệt vọng tột cùng khi người chồng gặp nạn rồi không qua khỏi, còn nhà, tài sản bị dòng lũ cuốn trôi. Mất đi người chồng, người cậu, cuộc sống của mẹ con chị Cư và cậu bé Hiếu khó khăn đủ bề. Căn nhà mà mẹ con chị Cư và bé Hiếu đang ở là nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng, các nhà hảo tâm sau trận lũ ấy.

Rưng rưng cảnh cậu bé mới lớp 4 đã kiếm tiền nuôi mợ

Tình cảnh của chị Cư hiện tại hết sức khó khăn. Bình thường để có tiền nuôi hai con nhỏ và đứa cháu không bố mẹ, chị Cư chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và lòng hảo tâm của bà con láng giềng. Nhưng từ vài năm nay vì bị bệnh chị Cư đã không còn ra đồng được nữa. Chứng bệnh xương khớp mỗi tháng nghiến mất của chị cả 1 triệu đồng. Nhiều lần túng quẫn quá, dù đau quằn quại, chị cũng phải nén đau chịu đựng.

Thương mợ lắm nên mới lớp 4 thôi mà Hiếu và 2 đứa con của chị Cư đã phải vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền phụ đỡ thêm mợ, mẹ. Hôm chúng tôi đến thăm, Hiếu cùng đứa con thứ 2 của chị Cư tranh đang mệt nhoài dọn hết đống bìa gió trầm chị Cư tranh thủ phơi khi có nắng. Nhìn lưng đứa trẻ còn thơ bé cúi gập xuống, đôi tay thoăn thoắt bê, xếp từng mảnh bìa giấy, ai có mặt cũng rưng rưng thương xót.

Hằng ngày sau mỗi buổi đến trường, bé Hiếu nhặt bìa giấy thuê để kiếm tiền phụ đỡ người mợ bệnh tật tốt bụng của mình

Chỉ được mươi, vài chục ngàn/ngày thôi, nhưng đó là niềm vui quá lớn với Hiếu và những đứa con thơ bé của chị Cư. Dẫu nhút nhát, rụt rẻ lắm, nhưng Hiếu khiến nhiều người có mặt rưng rưng: “Con muốn kiếm thêm tiền để cho mợ chữa bệnh. Con thương mợ lắm”.

Từ mấy năm nay Hiếu cũng phụ giúp mợ việc nhà

Bà Thành, người hàng xóm rưng rưng kể, bà hay thức dậy sớm, vậy mà nhiều hôm đã thấy cậu bé Hiếu và những người con của chị Cư đã thức giấc, đã thay mẹ dọn dẹp nhà cửa để kịp đến trường. “Hình như trời đất chế chú à. Không ai nghĩ ở nước tối như cháu Hiếu đã rất biết suy nghĩ, rất giỏi, chăm ngoan, đã biết dọn dẹp nhà cửa, tự lo áo quần áo để tới lớp, rồi còn kiếm tiền nuôi mợ nữa. Nhìn cháu mà ai ở đây cũng thương cháu vô cùng”- bà Thành ôm chầm bé Hiếu bày tỏ niềm thương.

Bà Thành bật khóc trước tuổi thơ chịu quá nhiều thiệt thòi của Hiếu. Bà cũng xem Hiếu như đứa cháu ruột thịt của mình.

Nhìn gia cảnh chị Cư, lo lắng bệnh tình của người phụ nữ bất hạnh khó có thể lo liệu cho bé Hiếu, nhiều người trong xóm đã khuyên chị bé Hiếu vào chùa. Bản thân chị Cư dẫu không muốn nhưng cũng đã nhiều lần suy nghĩ đến chuyện cho bé Hiếu vào nương nhờ ở một ngôi chùa để bé được chăm sóc tốt hơn, có điều kiện để ăn học. Nhưng mỗi lần nghe người mợ nhắc đến điều đó, bé Hiếu đã khóc và tha thiết xin mợ được ở lại nhà sống cùng với mợ và 2 anh.

Hiếu không muốn vào chùa, cậu bé muốn sống cùng với chị Cư và hai người anh con của chị Cư.

Chị Cư nghẹn ngào kể, có lần giữa đêm bé Hiếu nắm tay chị khẩn cầu: “Bố mẹ con đã bỏ con, xin mợ đừng bỏ con nữa, con muốn ở với mợ. Nghe đến đó tôi chỉ còn biết ôm chầm lấy cháu, hứa với cháu là không để cháu vào chùa, khổ cùng khổ, mợ cháu có nhau”.

Nhiều lúc Hiếu vẫn mơ về cái ngày được gặp bố và mẹ, nhưng niềm mơ ấy khó trở thành hiện thực

Nói về hoàn cảnh của em, cô giáo Phạm Thị Như Quyên, Chủ nhiệm lớp 4A, Trường TH Phúc Trạch chia sẻ: “Em Phạm Xuân Hiếu là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng em đã có nghị lực vươn lên trong học tập. Hàng năm khi có các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà trường đều dành cho em, với mong muốn giúp đỡ em bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, để giúp em Hiếu tiếp tục được cắp sách tới trường, rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Hiếu là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng em đã có nghị lực vươn lên trong học tập. Hiếu rất được các cô, các bạn ở trường thương yêu.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3159: Chị Nguyễn Thị Cư, thôn 8, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Số ĐT: 0949.382.708

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP