Trong nước

“Không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm“

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm, là thành kiến, suy nghĩ không đúng về cấp dưới.

Băn khoăn, lo lắng và mất nhiều thời gian cho chuyện quà cáp cấp trên, đó là những biểu hiện thường thấy mỗi dịp Tết đến xuân về. Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 28/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị loại bỏ các băn khoăn trên bằng cách tổ chức Tết đơn giản, tình nghĩa, không chúc Tết, tặng quà cấp trên để “tình cảm anh em, đồng chí trọn vẹn và gần gũi với nhân dân hơn”.

Thủ tướng nói: “Tết này, xin được nói với toàn thể quốc dân đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành là không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng nữa. Miền Nam không ra Bắc và miền Bắc cũng không đến Hà Nội”. Chỉ đạo trên của Thủ tướng được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ.

khong chuc tet lanh dao khong co nghia la sut me tinh cam hinh 1
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng dịp Tết

Ông Đỗ Duy Thường (ở quận Ba Đình) cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt, nếu duy trì được là rất tốt. Đó là chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí và duy trì truyền thống tốt đẹp. Nếu biến tướng, làm sai lệch thì nhân dân sẽ hiểu là tặng quà đồng nghĩa với biếu xén, hối lộ, chạy chức, chạy quyền…

Ông Lưu Xuân Tiếp (ở quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, đổi mới. Tuy nhiên, theo ông Tiếp, chỉ đạo của Thủ tướng phải tạo thành cơ chế chính sách buộc các Bộ, ngành địa phương phải làm. Nếu phát hiện cán bộ ở cấp nào, dù bất kể hình thức nào có biểu hiện như vậy thì cần có biện pháp xử lý kịp thời.

Không chỉ bằng lời nói, ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm không chúc Tết, tặng quà lãnh đạo, yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Chính phủ, các Bộ, ngành.

Chỉ đạo của Thủ tướng bước đầu đã tạo ra những chuyển động tích cực trong bộ máy. Hàng loạt địa phương, bộ, ngành  như thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, các Bộ: Công an, Công thương, Tài nguyên- Môi trường, Ngân hàng Nhà nước… đều có văn bản chỉ đạo, trong đó yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, chủ trương của Chính phủ về việc không tổ chức đi chúc Tết, tặng quà trong dịp Tết, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, gặp mặt để tổ chức ăn uống lãng phí, tặng quà và nhận quà với động cơ vụ lợi; Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội.

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành, địa phương cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát để có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của cơ quan này tại Văn bản ngày 27/12/2016.

Chưa biết kết quả thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương ra sao nhưng ngay ở Thủ đô Hà Nội, trong dịp cận Tết năm nay đã vắng dần những chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh lòng vòng, ngang dọc, vừa gây ùn tắc giao thông, vừa tạo ra những hình ảnh không đẹp trong mắt người dân, gây ra cách hiểu địa phương lên Trung ương tặng quà Tết để biếu xén, tham nhũng.

khong chuc tet lanh dao khong co nghia la sut me tinh cam hinh 2
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm. Không phải không biếu quà thì thành kiến, suy nghĩ không đúng về cấp dưới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 11 và yêu cầu của Thủ tướng sẽ tạo nếp sống tốt đẹp, ứng xử giữa lãnh đạo với cấp dưới, giữa con người với nhau trong xã hội ngày càng tốt đẹp thêm.

“Với quyết tâm đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý tất cả các cấp về Chỉ thị của Ban Bí Thư và quyết tâm của Chính phủ thì nhất định tạo ra chuyển biến”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc tin tưởng.

Chỉ đạo cấm tặng quà Tết của Thủ tướng nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân. Quyết tâm ấy rất đáng được trân trọng vì thể hiện nhất quán tinh thần hành động của bộ máy hành chính mà ông là người đứng đầu. Từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người tặng quà sẽ phải quán triệt. Nhưng cấp trên từ chối mà cửa vẫn mở thì lần này không được, lần sau cấp dưới lại đến.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Để Chỉ thị có kết quả, có nhiều việc phải làm. Đảng đã có chỉ đạo việc kiểm tra giám sát nhưng không gì bằng những đồng chí có trách nhiệm làm sao thấm nhuần, hiểu biết sâu sắc việc thực hiện Chỉ thị đó mà tự giác thực hiện trong ngành, địa phương, đơn vị mình. Từng đồng chí có ý thức thì công việc chuyển biến tốt, bên cạnh đó là việc giám sát của cơ quan có trách nhiệm và giám sát của dân đánh giá đúng đắn thì mới thực hiện đến nơi đến chốn”.

Việc cấm nhận quà và biếu quà ngay lập tức là điều khó vì đã thành nếp sống nhưng cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý tất cả các cấp đồng tình với Chỉ thị của Ban Bí Thư và quyết tâm của Chính phủ thì nhất định sẽ thành công; đánh dấu bước chuyển quan trọng, tạo niềm tin cho nhân dân về một Chính phủ minh bạch và liêm khiết cũng như góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng./.

Lại Hoa/VOV-Trung tâm Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP