Xe

Không chỉ có bóng đá, Croatia còn có siêu xe

Ngành công nghiệp ô tô của quốc gia Nam Âu này có khoảng 10.000 lao động làm việc tại hơn 130 nhà máy và tạo ra lợi nhuận khoảng 600 triệu USD.

Đại diện nổi bật nhất trong ngành công nghiệp ô tô Croatia chính là hãng siêu xe điện Rimac Automobili. Công ty này chuyên sản xuất các siêu xe chạy điện, cung cấp các giải pháp công nghệ đầy đủ cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu và sản xuất xe đạp điện với thương hiệu Greyp Bikes. Hãng được thành lập vào năm 2009 với tầm nhìn để tạo ra chiếc xe thể thao của thế kỷ 21.

Ông chủ trẻ tài ba của Rimac Automobili là Mate Rimac, sinh năm 1988 tại Nam Tư cũ, lớn lại tới Đức và sau đó đã trở lại quê hương Croatia để thành lập và điều hành một công ty xây dựng.

Năm 2015, tạp chí Politico đã bình chọn Mate Rimac là 1 trong 28 người có ảnh hưởng nhất tại EU. Anh từng lọt top 30 người thành đạt tuổi dưới 30 của tạp chí Forbes. Anh cũng xuất sắc dành giải Doanh nhân Ernst & Young năm 2017.

Mate Rimac chia sẻ: “Với tôi, không có niềm vui nào lớn hơn đi vào nhà máy và nhìn thấy các công nhân đang hăng say làm việc, được chào hỏi tất cả mọi người. Tôi luôn nói rằng chúng tôi mới đang ở điểm khởi đầu, 8 năm trước chỉ có mình tôi ngồi trong gara và ngày hôm nay, có 350 cùng đang làm việc trong công ty này. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều điều khó khăn.”

Concept One, chiếc xe đầu tiên của hãng siêu xe điện Rimac đã ra mắt thế giới tại Triển lãm Ô tô quốc tế Frankfurt năm 2011. Ngay tại thời điểm đó, Concept One đã được mệnh danh là chiếc siêu xe chạy điện nhanh nhất thế giới. Tổng công suất lên tới 1.288 mã lực, tăng tốc từ 0-100km/h trong 2,8 giây trước khi đạt giới hạn 350km/h. Đó quả thực là con số ấn tượng mà những “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô chưa thể tạo ra.

Nối tiếp Concept One là Concept S với công suất lớn hơn nhưng lại nhẹ hơn. Concept S chỉ cần 2,5 giây để đạt vận tốc 100 km/h. Trong khi đó, nếu chạy hết tốc lực thì siêu xe này có thể chạm ngưỡng 365 km/h.

Rimac đã sẵn sàng tiến một bước xa hơn nữa với mẫu hypercar C_Two hoàn toàn mới vừa ra mắt tại Triển lãm Geneva 2018 và ngay lập tức trở thành một hiện tượng khác trong làng xe hơi thế giới.. Chiếc xe sở hữu công suất lên tới 1914 mã lực và 2300Nm mô-men xoắn. C-Two chỉ cần 1,85 giây để tăng tốc 0-100 km/h trước khi đạt vận tốc tối đa 412 km/h. Đồng thời xe được trang bị khả năng tự vận hành cấp 4 - gần như là cao nhất hiện nay. Trí thông minh nhân tạo AI cũng được sử dụng cho phép khách hàng điều khiển xe dễ dàng thông qua khả năng nhận diện khuôn mặt và giọng nói.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của Rimac Automobili, hồi tháng 6 vừa qua, thương hiệu xe thể thao Porsche đã mua 10% cổ phần của hãng xe Croatia này. Giá trị của thương vụ không được công bố. Động thái này cho thấy Porsche đang hết sức nghiêm túc trong việc phát triển xe điện. Mẫu xe điện tốt nhất hiện tại của Porsche là 918 Spyder có hiệu năng kém xa Rimac. Trước mắt, Rimac sẽ hỗ trợ nghiên cứu một mẫu siêu xe chạy điện mới, cũng như bắt tay vào phát triển các mẫu xe gầm cao chạy điện (EV crossover) cùng với Porsche.

Giám đốc Tài chính và Kỹ thuật của Porsche, Lutz Meschke cho rằng: "Chúng tôi cảm thấy rằng các ý tưởng và công nghệ của Rimac là cực kỳ hứa hẹn, đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng hợp tác chặt chẽ với công ty dưới hình thức hợp tác phát triển”.

Bên cạnh Rimac Automobili, một thương hiệu ô tô khác cũng đang thống trị quốc gia này là DOK-ING Automotiv, được thành lập từ năm 1992. DOK-ING chuyên về xe điện, xe đa nhiệm không người lái hoặc những hệ thống rô-bốt. Hiện tại, hãng đang sản xuất những chiếc xe dò mìn MV-4, MV-10; xe cứu hỏa MVF-5, xe đào hầm MVD hay những chiếc xe điện XD/Loox.

Trở lại thời điểm giữa và sau khi kết thúc 2 cuộc chiến tranh thế giới. Đây là lúc mà ngành công nghiệp ô tô tại Croatia bắt đầu hình thành với 2 thương hiệu nổi tiếng là TMZ (Tvornica Motora Zagreb) và TAZ (Tvornica Autobusa Zagreb). Nếu như TMZ chuyên về lĩnh vực mô tô xe máy thì TAZ lại hoạt động chủ yếu trong ngành ô tô.

Vào năm 1930, TAZ được thành lập và bắt đầu sản xuất những chiếc xe tải, xe buýt. Những chiếc xe buýt của hãng này đã được xuất sang Trung Quốc, Phần Lan, Anh, Ai Cập… Sau đó, TAZ còn lấn sân sang cả mô tô nhưng cuối cùng lại phá sản vào năm 2000.

Những chiếc xe quân sự cũng là lĩnh vực chủ đạo của ngành công nghiệp xe hơi Croatia. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những quốc gia thuộc Liên Xô cũ luôn rất mạnh về mảng cơ khí và các phương tiện cơ giới quân sự. Công ty Duro Dakovic nổi tiếng hơn cả bởi có thể sản xuất cả xe tăng cũng như xe thiết giáp.

Ngoài ra, một tên tuổi khác là Torpedo lại được biết tới với những chiếc xe tải quân sự phục vụ trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào đầu những năm 1990. Vào năm 2013, một thương hiệu khác của Croatia là CROBUS đã ký kết hợp đồng có trị giá 280 triệu EUR, cung cấp 2000 chiếc xe buýt cho Iraq ngay trong năm đó.

Có thể thấy rằng, từ xe dân dụng cho tới xe tải, xe buýt hay xe quân sự, người Croatia đều chứng tỏ họ có đầy đủ khả năng để sản xuất bất cứ loại phương tiện nào, chứ không đơn thuần chỉ là những siêu xe điện với công suất nổi bật. Đó cũng là tiền đề quan trọng đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Croatia, tạo nên những kỳ tích trong lịch sử ngành ô tô thế giới - giống như những gì mà thầy trò huấn luyện viên Zlatko Dalic đã thể hiện xuất sắc tại World Cup 2018 vừa qua.

Tác giả: Gia Bảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP