Dự án đầu tư

Khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê: Chỉ tính đến lợi ích kinh tế là chưa đủ thuyết phục

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh có đề nghị làm rõ một số nội dung về năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, hiệu quả kinh tế – xã hội, công nghệ, thị trường tiêu thụ, vấn đề bảo vệ môi trường (tụt mực nước ngầm, sa mạc hóa, phòng chống siêu bãi, lụt, đổ thải lấn biển…), nếu không thì chưa đồng ý khởi động dự án này, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) – chủ đầu tư dự án đã có văn bản làm rõ một số nội dung.

Chủ đầu tư chưa huy động đủ 30% vốn đối ứng giai đoạn I

Chứng minh năng lực của mình, TIC cho biết: Được thành lập năm 2007, doanh nghiệp này có 9 cổ đông sáng lập, việc góp vốn để triển khai dự án không đạt được theo yêu cầu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng năm 2011, TIC đã cơ cấu lại  từ  9 cổ đông xuống còn 5 cổ đông và tiếp tục huy động vốn điều lệ, tuy nhiên chỉ có 2 cổ đông là TKV và Thăng Long thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn.

Theo dự án được duyệt, tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án là 6.777 tỷ đồng, gồm 30% vốn góp của các cổ đông và 70% vốn vay và nguồn huy động khác. Hiện nay TIC đã huy động vốn góp cổ đông được 1.809 tỷ đồng, vẫn còn thiếu 224 tỷ mới đảm bảo 30% vốn đối ứng giai đoạn I của dự án.

Nguyên nhân thiếu vốn được TIC cho rằng, “một phần do một số cổ đông thiếu năng lực, không còn khả năng góp vốn (Mitraco, Vnstell và Bitexco); nhưng nguyên nhân chính vẫn là do dự án chưa được tái khởi động”. Minh chứng cho điều này, TIC cho biết, cả cổ đông TKV và Thăng Long đều đã có công văn sẵn sàng góp thay các cổ đông khác phần còn thiếu sau khi được Bộ Công Thương thông qua phương án góp vốn của TKV và dự án được triển khai trở lại.

Ngoài ra, TIC cũng cho biết, BIDV đã có văn bản hồi tháng 8-2015 về chủ trương tài trợ vốn giai đoạn I cho dự án. Các ngân hàng: SHB, Tiên phong Bank, Mizuho, May Bank đã làm việc với TIC để nghiên cứu và thẩm định nhằm sớm đạt được thỏa thuận tài trợ vốn cho dự án. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng vay vốn sẽ được các bên thực hiện sau khi có ý kiến của Thủ tướng cho phép tái khởi động dự án và TIC huy động đủ 30% vốn đối ứng.

Hứng chịu nhiều sự cố môi trường, Hà Tĩnh thận trọng hơn bao giờ hết với việc khởi động mỏ sắt Thạch Khê.  Ảnh: Hùng Hải.

Bên cạnh số đi vay, doanh nghiệp này cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng cơ bản dự án có thể thu hồi được 4,4 triệu tấn quặng, tương đương doanh thu  khoảng 3.740 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí sản xuất, có thể thu được khoảng 1.200 tỷ đồng để bổ sung vào dự án. TIC cũng báo cáo việc mình sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa các khâu như: Bóc xúc, vận chuyển, khoan nổ mìn… từ các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra có thể huy động vốn từ thị trường vốn trên các sàn giao dịch trong và ngoài nước khi dự án đi vào hoạt động… Tuy nhiên, với rất nhiều yếu tố bất định như đã báo cáo, vốn chưa nhìn thấy nguồn, TIC vẫn cho rằng, “việc huy động vốn đầu tư khi dự án được khởi động lại là đảm bảo khả thi, đáp đứng được tiến độ giải ngân”.

TIC cũng dẫn rất nhiều số liệu chứng tỏ lợi ích kinh tế của dự án, như mỏ có trữ lượng lớn (544 triệu tấn, chiếm gần 60% trữ lượng của cả nước), quặng có hàm lượng sắt cao, hệ số bóc đất đá nhỏ (1,76m3/tấn) dẫn đến giá thành sản xuất thấp.

Theo dự án điều chỉnh được duyệt, tổng mức đầu tư là 14.517 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.200 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I (công suất 5 triệu tấn/năm). Tổng thu từ các khoản thuế phí trên của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng… Với nhà đầu tư, lợi nhuận của dự án đem lại là 66.391 tỷ đồng (trước thuế), sau thuế là 53.024 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 3.490 lao động trực tiếp.

Gánh chịu nhiều hậu quả, Hà Tĩnh như “chim ngã sợ cành cong”

Chủ đầu tư cũng có giải trình về bảo vệ môi trường, cho biết các thủ tục pháp lý đã được thực hiện đầy đủ theo quy định. Các nguy cơ về hạ mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở mỏ trong quá trình khai thác; ứng phó với sự cố môi trường như động đất, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sóng thần; vấn đề Caster và xâm nhập mặn; vấn đề cát bay, cát chảy… cũng đã được giải trình thêm.

Tuy nhiên, báo cáo 17 trang này có thể chưa đủ để làm Hà Tĩnh yên lòng. Qua trao đổi nhanh với một số chuyên gia, các vị này cho biết: Vào thời điểm này, sau khi hứng chịu cú sốc Formosa và hàng loạt tai ương từ thiên nhiên, sự cẩn trọng của Hà Tĩnh là cần thiết. Được biết, sau khi bị Thủ tướng tạm dừng vào năm 2011, chủ đầu tư cũng đã có hồ sơ đánh giá lại hàng loạt vấn đề, nhưng đều cho kết quả trước sự cố Formosa.

Vì vậy, những hồ sơ dù rất đủ theo thủ tục, vẫn chưa đủ sức thuyết phục đối với Hà Tĩnh. Do đó, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá dự án khách quan, thận trọng, vì có ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án. Theo đánh giá của Hà Tĩnh, đây là khu vực mỏ có điều kiện địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bổ sâu, lớp đất chủ yếu (cát, sét…), nhiều nước ngầm; dự án không chỉ ảnh hưởng 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Quá trình khai thác, vận tải đất bóc và quặng có nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, một số nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chung chung, sơ sài, chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường. Do đó, cần làm rõ đánh giá tác động môi trường của việc xây dựng đê lấn biển làm bãi thải, tác động ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khu du lịch Thiên Cầm, Thạch Bằng và tác động môi trường, sụt lở đất do khác thai đến độ sâu trên 500m, đến các địa phương lân cận như Lộc Hà, TP Hà Tĩnh…

Liên quan đến hiệu quả kinh tế, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án mới tính toán phần hiệu quả nội hàm của dự án, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ thể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.

Vũ Hân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP