Tin Liên Quan

Khoanh vùng ngăn chặn không để cúm A/H1N1 lây lan rộng

Tại Hà Nội, không có thêm trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại tòa nhà Viglacera. Mỗi người dân cần tự giác phòng chống dịch


Chiều 30/7, Phó Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia Nguyễn Hồng Hà khẳng định: Không có thêm trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại tòa nhà Viglacera ở Hà Nội. Theo quy định, những nơi phát hiện có người nhiễm và nghi nhiễm vi rút cúm đều tiến hành các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như phun thuốc khử khuẩn, khử trùng để diệt khuẩn, làm sạch môi trường.


Cùng ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định thêm 2 ca dương tính với cúm A/H1N1 là người đi từ thành phố Hồ Chí Minh (địa phương đang có dịch lan ra cộng đồng) ra.


Lo lắng khi làm việc trong toà nhà cao tầng?


Trước thông tin có người bị nhiễm cúm A/H1N1 tại công sở và tòa nhà cao tầng, nhiều người đã tỏ ra khá lo lắng trước nguy cơ dịch xâm nhập; ở một vài công sở có bệnh nhân nhiễm cúm, nhiều nhân viên văn phòng đã rời công sở. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường nhấn mạnh: trong tất cả các khuyến cáo của mình, Bộ Y tế chưa bao giờ yêu cầu đóng cửa và dừng hoạt động các công sở nếu diễn biến dịch chỉ dừng ở mức độ như hiện nay.


Tiến sĩ Nga nêu rõ: Nếu phát hiện có người nhiễm hoặc xuất hiện ổ dịch tại công sở, địa phương nào, các cơ sở y tế sẽ tiến hành xử lý môi trường, cách ly người bệnh tại ổ dịch theo đúng quy trình để các bộ phận khác vẫn làm việc bình thường.Tuy nhiên, trong tình hình dịch đã lây ra cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu: ở những nơi tập trung đông người như trường học, công sở, khu công nghiệp, công sở…, nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 rất cao.


Do đó từng người dân, gia đình, nhân viên các công sở cần tăng cường giám sát, chủ động phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1, báo cáo với cơ quan y tế gần nhất để xử lý môi trường và cách ly người bệnh. Đồng thời, mỗi người dân cần tự bảo vệ bản thân, gia đình để tránh nguy cơ nhiễm cúm và lây lan ra cộng đồng bằng các cách thức đơn giản như: theo dõi chặt chẽ sức khỏe bản thân, đặc biệt là người già, trẻ em và phụ nữ có thai; thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thông thường; nếu có triệu chứng lâm sàng cúm A/H1N1 cần chủ động cách ly, liên lạc nhanh với cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng dẫn đến tử vong…


Hà Nội tích cực ngăn chặn dịch cúm A/H1N1


Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 có diễn biến phức tạp, chiều 30/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động làm việc với các đơn vị trên địa bàn để xây dựng kế hoạch phòng chống, đồng thời phối hợp chặt chẽ để xử lý khi có dịch.


Các cơ quan truyền thông của thành phố ưu tiên tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thông tin đảm bảo chính xác, không gây hoang mang; đồng thời thông báo khuyến cáo của Bộ Y tế, nội dung các kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1; số điện thoại đường dây nóng giúp người dân được hướng dẫn kịp thời.


Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các trường, các đơn vị giáo dục tham gia tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các biện pháp phòng chống dịch, tổng vệ sinh trường học trước ngày khai giảng năm học mới. Các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ các ca bệnh, nhất là các chùm ca bệnh tại cộng đồng, cơ quan công sở đóng trên địa bàn. Các cơ sở y tế ở từng khu vực thông báo công khai số điện thoại trực dịch cúm A/H1N1 liên tục 24/24 giờ để người dân thông báo khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm cúm, cùng phối hợp xử lý môi trường và hướng dẫn cách ly người bệnh.


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tiếp tục giám sát tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân, không để dịch lây lan rộng và không để xảy ra tử vong vì dịch cúm A/H1N1; tổ chức trực chống dịch 24 giờ, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư để xử lý và khoanh vùng triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan.


Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, thành phố, cơ quan đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ công nhân viên chức 5 biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1; tổ chức và duy trì phong trào tổng vệ sinh tại các công sở, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi tập trung đông người; khi nhân viên có các biểu hiện ho, sốt, đau họng nên cách ly tại nhà, đồng thời phải thông báo kịp thời và phối hợp với ngành y tế để xử lý môi trường, không để dịch bệnh lây lan. Các ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại các xã, phường, đặc biệt là các trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn./.


Đắk Nông: 5 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1


Sáng 30/7, Sở Y tế Đắk Nông cho biết tỉnh này đã phát hiện 5 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, trong đó huyện Cư Jút có 4 bệnh nhân và huyện Đắk Mil 1 bệnh nhân. Bốn bệnh nhân được phát hiện tại huyện Cư Jút là anh H.V.C, sinh năm 1963, trú tại thôn Trung Tâm, xã Nam Dong; H.T.T, sinh năm 1992, trú tại thôn Trung Tâm, xã Nam Dong; N.T.T, sinh năm 1992, ở thôn Thanh Tâm, xã Ea Pô và N.V.C, sinh năm 1993, ở buôn U2, thị trấn Ea T’ling; một bệnh nhân nữa mới phát hiện sáng 30/7 có hộ khẩu thường trú tại xã Đắk Lao – huyện Đắk Mil. Cả 5 bệnh nhân này đều bị lây nhiễm khi đi thăm con đang theo học ở TP.Hồ Chí Minh và hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện trong tình trạng sức khỏe vẫn ổn định.


UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh huy động lực lượng, phương tiện và triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch, không để lây lan rộng trong cộng đồng.


Hà Tính: Giám sát 133 người tiếp xúc với bệnh nhân


Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, Sở Y tế Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế dự phòng khẩn trương khoanh vùng khống chế dịch, đồng thời cách ly người bị cúm A/H1N1, giám sát chặt những trường hợp tiếp xúc với người mắc cúm A/H1N1, tuyên truyền rộng rãi để nhân dân biết cách phòng chống lây lan dịch cúm A/H1N1.


Cùng với việc cho cách ly bệnh nhân Nguyễn Thị Đào nhiễm cúm A/H1N1 tại khoa Lây (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh); khoanh vùng dịch tại thôn Yên Thịnh xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh) nơi phát dịch cúm A/H1N1 và các thôn, xã lân cận, lập các chốt gác kiểm soát chặt chẽ người ra vào thôn Yên Thịnh, Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh đã thống kê và lập danh sách theo dõi, giám sát 133 người trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc với bà Đào. Trong số này, 37 người trực tiếp gặp gỡ bà Đào đã được cán bộ y tế giám sát tại nhà và cho uống thuốc Tamiflu, hàng ngày cán bộ y tế đến đo thân nhiệt, vận động họ tự giác theo dõi chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, 133 người được giám sát chưa có dấu hiệu cảm cúm, sốt, ho, thân nhiệt vẫn ổn định.


Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh cũng đã cấp 50 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột về phun, rắc tại khu vực thôn Yên Thịnh và các gia đình thân thích của bà Đào, cấp 100 liều Tamiflu cho huyện Kỳ Anh, 100 bộ quần, áo, găng tay, giày, tăng cường 8 cán bộ y, bác sĩ về giám sát tại xã Kỳ Tiến.


Sở Y tế Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền cho người dân các kiến thức phòng chống dịch A/H1N1 như: vệ sinh cá nhân, cẩn trọng khi tiếp xúc những chổ đông người; những khi có biểu hiện như sốt cao, đau họng phải đeo khẩu trang, cần đến nơi y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe.


Phú Yên: Tăng cường chống dịch


Tuy chưa phát hiện trường hợp nào bị mắc cúm A/H1N1 nhưng tỉnh Phú Yên đã thành lập lực lượng liên ngành và từ ngày 29/7 tiến hành kiểm tra hoạt động phòng chống cúm A/H1N1 tại các nhà ga, sân bay Tuy Hòa, bến xe liên tỉnh, bến xe tư nhân Thuận Thảo, cảng Vũng Rô…Lực lượng liên ngành tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, lái xe và hành khách về tình hình dịch bệnh trong nước, hướng dẫn các biện pháp phòng chống, cách phát hiện và cách ly những hành khách nếu nghi nhiễm bệnh.


Trước đó, ngày 28/7 UBND tỉnh Phú Yên ra thông báo chỉ thị các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế phối hợp tuyên truyền rộng rãi về tình hình dịch, các biện pháp phòng chống; tăng cường hoạt động giám sát để phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh cúm A/H1N1 tại cộng đồng, nhất là nơi công cộng, các đơn vị có người nước ngoài làm việc và trường học.


Thanh Hoá, Cà Mau ghi nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên


Chiều 30/7, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: bệnh nhân N.T.N, 22 tuổi, ở phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Đây là bệnh nhân đầu tiên ở Thanh Hóa bị nhiễm cúm A/H1N1. Hiện tại bệnh nhân vẫn sốt, nhưng đã giảm từ 38,2 độ xuống 37,5 độ C, có ho, ăn uống, sinh hoạt bình thường tại gia đình. Các công tác phòng chống dịch đã và đang được Thanh Hóa triển khai thực hiện đồng bộ.


Bệnh nhân là sinh viên trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, trú tại quận 10, tại nơi bệnh nhân cư trú không có ai biểu hiện các triệu chứng của bệnh cúm. Ngày 24/7, bệnh nhân đi từ Tp.Hồ Chí Minh và về đến Thanh Hóa ngày 26/7 trên chuyến tàu Thống Nhất TN2. Sáng 27/7, bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP.Thanh Hóa trong tình trạng sốt 38,2 độ C, ho, đau họng, khó thở nhẹ. Sau khi nhận được thông báo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, bệnh nhân được bệnh viện thành phố chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng bệnh nhân không đến viện mà về điều trị tại nhà. Trong gia đình bệnh nhân có 4 người và có khu nhà trọ 7 phòng cho thuê, với khoảng 20 người đang ở trọ, hiện tại cả 4 người trong gia đình và những người ở trọ đều bình thường, không có các triệu chứng của bệnh cúm.


Ngành y tế đã hướng dẫn bệnh nhân và gia đình điều trị, cách ly tại nhà; tổ chức làm vệ sinh tại gia đình bệnh nhân và các gia đình lân cận; cấp thuốc Tamiflu cho bệnh nhân điều trị tại nhà và cấp khẩu trang cho người tiếp xúc, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc với bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành phối hợp với địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng; hướng dẫn nhân dân thực hiện 5 khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng chống dịch.


Các cơ quan chức năng cũng nhận định: hiện nay dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến rất phức tạp, riêng TP.Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, có mật độ dân cư đông nên rất khó tránh khỏi nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng nếu mỗi người dân không tự giác phòng chống dịch bệnh cho chính mình.


Tỉnh Cà Mau cũng vừa phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với cúm A H1N1 tại ấp 4, xã Thới Bình, huyện Thới Bình. Đó là 1 học sinh Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, thành phố Hồ Chí Minh, nơi xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1, về nghỉ hè ở Cà Mau. Trong thời gian nghỉ tại nhà, học sinh này bị sốt nên nhập viện. Bệnh viện đa khoa huyện Thới Bình lấy mẫu gửi Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm ngày 26/7 và cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Tỉnh Cà Mau còn 14 trường hợp nghi nhiễm cúm ở thành phố Cà Mau và các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước.

Sở Y tế Cà Mau lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ để kịp thời cách ly, điều trị cho những trường hợp này. Sở Y tế cà Mau kết hợp với các ngành hữu quan tăng cường công tác tuyên truyền về cúm A/H1N1, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phương tiện, thiết bị y tế, khu vực cách ly, phòng điều trị bệnh tại các bệnh viện huyện, tỉnh điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, giám sát về y tế tất cả các trường hợp trở về Cà Mau từ vùng dịch./.

VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP