Giáo dục - Đào tạo

Khích lệ học sinh từ đổi mới, nhận xét đánh giá

Học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Nậm Cắn 1 chăm chú nghe cô nhận xét về mình

Là một trong những trường vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn (Hà Tĩnh), Trường Tiểu học Nặm Cắn 1 đã có cách làm riêng trong việc đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần của Thông tư 30/2014/ TT-BGDĐT – BGDĐT.

Lắng nghe và trao đổi

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương, sau gần 2 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, đến nay giáo viên của trường đã khá nhuần nhuyễn và linh hoạt trong đánh giá học sinh của mình.

Cô Phương cho biết: Để có được kết quả này, Ban Giám hiệu đã đồng hành và lắng nghe các ý kiến phản hồi của giáo viên, từ đó biện phải điều chỉnh hợp lý.

Thời gian đầu, chúng tôi tăng cường dự giờ trên lớp của giáo viên. Sau mỗi lần như vậy, chúng tôi lại cùng ngồi lại với giáo viên để rút kinh nghiệm và thảo luận xem giáo viên nhận xét như vậy đã được chưa, đã đánh giá hết năng lực của các em hay chưa và đã giúp các em biết được những hạn chế của mình hay không.

Chúng tôi đã trao đổi với nhau trên tinh thần cởi mở, chân tình và xây dựng. Ví dụ khi dự giờ thấy giáo viên nhận xét: Em làm bài tốt. Cô Khen em! Về cơ bản nhận xét như vậy là được.

Tuy nhiên khi chúng tôi ngồi thảo luận và đưa ra ý kiến nhận xét: Nếu giáo viên thay đổi một chút thì sẽ động viên và khích lệ các em hơn rất nhiều. Chẳng hạn như: Em làm bài tốt hơn hôm qua rất nhiều. Tiếp tục cố gắng em nhé!….

Xây dựng giáo viên cốt cán

 Cô Nguyễn Thị Phương

Ngoài ra, để triển khai, thực hiện có hiệu quả Thông tư 30, Chúng tôi cũng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán của tổ chuyên môn và của nhà trường.Những giáo viên này sẽ là là nòng cốt để giúp đỡ, hỗ trợ các giáo viên khác. Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức họp Hội đồng nhà trường để cùng nhau rút kinh nghiệm và trao đổi thêm về chuyên môn nghiệp vụ.

Theo đó những giáo viên cốt cán này sẽ là những “báo cáo viên” để truyền đạt cả những yếu tố mang tính kỹ thuật đến những kỹ năng, phương pháp đánh giá học sinh theo Thông tư 30.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các tổ chuyên môn phải tăng cường sinh hoạt chuyên môn. Từ những hoạt động này các giáo viên mới vỡ ra được nhiều điều và là điều kiện tốt nhất để học tập lẫn nhau trong thực hiện nhiệm chuyên môn nói chung và phương pháp đánh giá học sinh nói riêng.

Sáng tạo, linh hoạt với từng đối tượng

Riêng đối với học sinh lớp 1, 2 trong quá trình đánh giá thường xuyên các môn học và hoạt động giáo dục. Chúng tôi khuyến khích giáo viên sử dụng lời nói để đánh giá học sinh nhiều hơn nhằm khuyến khích các em tham gia học tập tíc cực.

Còn đánh giá bằng nhận xét vào vở học sinh được sử dụng bằng chữ viết (ngắn gọn) và các ký hiệu bông hoa màu đỏ đã được giáo viên quy ước với học sinh.

Đối với học sinh các khối lớp còn lại, Ban giám hiệu vẫn thực hiện nhận xét bằng lời nói kết hợp với chữ viết và ký hiệu bông hoa nhưng ở mức độ đảm bảo sự cảm nhận và hiểu biết của các em về những nhận xét của giáo viên.

Ngoài ra, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên các lớp khuyến khích những học sinh có tiến bộ vượt trội tham gia nhận xét giúp đỡ các bạn khác có khó khăn trong học tập bằng cách động viên, gần gũi để bạn tham gia hoạt động học tập.

Đồng thời phối hợp với những phụ huynh để đánh giá con em mình nhằm giúp các em tiến bộ. Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng của thôn bản để phổ biến và trao đổi công tác phối hợp trong công tác đánh giá giúp đỡ học sinh thêm tiến bộ.

Minh Phong (ghi)

  Từ khóa: Khích lệ , nhận xét , đánh giá

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP