Pháp luật

Khi gót giầy phụ nữ trở thành hung khí nguy hiểm

HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, đế giầy phần nhọn dùng để tấn công người khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công nên được xác định là hung khí nguy hiểm...

Ngày 23/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Bích Ngọc (SN 1977, ở Tây Hồ, Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 1, điều 104, bộ luật Hình sự.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Ngọc và chị Nguyễn Thị O. (SN 1972) có quan hệ họ hàng, Ngọc gọi chị O. là thím. Hai gia đình ở sát vách nhau.

Ngày 5/12/2016, chị O. thuê thợ đến sơn sửa lại nhà. Vì hai nhà sát vách nên thợ sơn đã vô ý sơn nhầm sang tường nhà Ngọc. Vì chuyện này mà chị O. và Ngọc xảy ra cãi vã.

Bị cáo tại tòa.

Sau đó, chị O. đã phải khắc phục lại đúng màu sơn như cũ đối với phần mà thợ đã sơn nhầm.

Cảm thấy ấm ức, tối hôm đó, chị O. gọi điện than vãn với chị chồng là Nguyễn Thị M. về chuyện va chạm với chị Ngọc.

Tối cùng ngày, bà M. đến nhà chị O. để xem sự việc cụ thể. Chị O. đứng trước cửa nhà Ngọc nói về chuyện bức tường. Lúc này, Ngọc từ trong nhà đi ra cửa. Nhìn thấy Ngọc, bà M. nói: “Đập mẹ bức tường đi”. Nghe vậy, Ngọc đáp trả: “Đập luôn đi”.

Lời qua tiếng lại, bà M. thẳng tay tát vào mặt Ngọc. Thấy vậy, anh Lê Ngọc Anh (chồng Ngọc) vội chạy ra can ngăn.

Đang cơn tức giận, Ngọc tháo giày đi ở chân, đập vào đầu bà M. khiến nạn nhân bị choáng váng, đầu chảy máu và được mọi người đưa đi cấp cứu.

Đến ngày 6/12/2016, bà M. có đơn trình báo yêu cầu Cơ quan Công an xử lý Ngọc theo quy định pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan chứng năng xác định bà M. bị tổn hại 5% sức khỏe.

Bản thân bà M. có hành vi tát Ngọc, bị coi là đã xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nên bị Công an quận Tây Hồ phạt hành chính 750.000 đồng.

Ngày 10/8/2017, TAND quận Tây Hồ, Hà Nội đưa bị cáo Ngọc ra xét xử sơ thẩm tội Cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa sơ thẩm, Ngọc thừa nhận có hành vi dùng đế giầy (phần nhọn) đập vào đầu bà M.

HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, đế giầy phần nhọn dùng để tấn công người khác sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công nên được xác định là hung khí nguy hiểm.

HĐXX cấp sơ thẩm cũng cho rằng, quá trình điều tra đã xác minh không có chứng cứ thể hiện anh Lê Ngọc Anh có hành vi gây thương tích cho bà M. nên CQĐT không xử lý đối với Ngọc Anh.

Với nhận định trên, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thị Bích Ngọc 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Sau đó, bà M. làm đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt dành cho bị cáo và tăng tiền bồi thường. Ngoài ra, bà M. còn kháng cáo đề nghị cơ quan tố tụng xử lý hình sự đối với chồng của bị cáo Ngọc.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M. rút phần kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo.

Sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm khẳng định: Các quyết định tại bản án sơ thẩm là đúng pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội bị cáo gây ra.

Về đề nghị xử lý hình sự anh Lê Ngọc Anh của bà M. là không có căn cứ. Do đó, TAND TP Hà Nội không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị M.

Tác giả: T.Nhung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP