Người đương thời

Khi chính ủy làm thơ…

Đại tá Trần Xuân Gứng cựu chiến binh ở xã (Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) từng là Chính ủy trung đoàn 27 (Đoàn Triệu Hải), rồi Chính ủy trung đoàn 64 (Quảng Trị), chiến đấu nhiều năm ở mặt trận Trị-Thiên. Ông có cuốn nhật ký-thơ viết chủ yếu từ năm 1964 đến 1972. Trong những bài nhật ký bằng thơ đó, kỷ niệm của những năm tháng không thể nào quên:


Mũ tai bèo với mấy bộ đồ thâm (đen)/ Khi mới nhận cứ đùa nhau “mũ con, quần vợ”/ Nói đùa vậy để cho đỡ nhớ,/ Bởi rồi sẽ bao năm ròng xa vợ, ngái con…!.


(Nhớ-1970)


Một nỗi nhớ ngồ ngộ mà rất lính. Trong cái xốn xang ngày ra trận, trong nỗi buồn phải xa vợ, ngái con được lồng vào cái tếu táo của lính nên không buồn. Thời điểm này hẳn phải là trước năm 1964. Ngày ấy, quân ta vào lập chiến khu còn gian khổ lắm. Minh chứng cho điều này, tôi lấy ví dụ ông viết về người chính trị viên của mình có tên là Thông:


Nhìn anh em xì xụp canh môn thục thay cơm/ Đôi mắt anh nhòa trong màn nước/ Lời động viên nửa chừng nghẹn tắc/ Dù “cơm” Chính trị viên cũng môn thục đó thôi!


(Chính trị viên của tôi-1966)


Ông viết, nói đúng hơn, ông ghi chép về chiến trường. Bỏ qua bom rải thảm, bỏ qua pháo chụp, pháo bầy, ông chỉ viết về bát cơm môn thục! Ấy vậy mà chiến trường vẫn hiện hữu, tấm lòng người chính trị viên vẫn hiện hữu, như thể giơ tay là sờ vào được:


Viên ký-ninh anh bẻ làm đôi


Để cái sốt tái rừng của chiến sĩ mình vơi đi một nửa.


Ai chẳng biết nửa viên ký-ninh làm sao dứt được cơn sốt. Thôi thì cứ cho là vơi đi một nửa cũng đã ấm lòng lắm rồi. Có tình đồng đội nào trên thế gian này đẹp như thế không? Mà nửa viên thuốc chia cho chiến sĩ mình lại là của thủ trưởng đơn vị-một chính trị viên-người cũng đang chịu đựng xanh xao cơn sốt rét rừng!


Trong tập nhật ký-thơ của Chính ủy Trần Xuân Gứng có bài Khóc bạn thật xúc động. Ngày ấy ông là Chính ủy trung đoàn 27, ngồi một mình trong đêm lặng lẽ khóc chiến sĩ hy sinh:


Nghe tin mi hy sinh mà tau


có khóc đâu


Hai mắt tau bật máu!


Nén nỗi đau của mình để


anh em nung nấu thương đau


Thành sức mạnh căm hờn


chiến đấu!


(Khóc bạn-1972)


Đừng vội nói đó là cách khóc của chính ủy, người kiên cường nhất trong những người kiên cường nhất, mà là chính ủy khóc một người bạn-đồng đội của mình. Đó là nỗi đau của người biết kìm nén nỗi đau. Khi nỗi đau đến mức không khóc được là nỗi đau lớn lắm. Nó như một dòng chảy bị chặn lại đầy ứ, chực vỡ òa. Một khi nó đã vỡ tung, biến thành sức mạnh thì là sức mạnh của thác đổ, tôi gọi đó là tiếng khóc của lòng căm thù, của sức mạnh căm thù!


Thời “hậu chiến”, ông về lại chiến trường xưa một thời máu đỏ, đến với cứ điểm Đầu Mầu mà ông đặt cho cái tên thật trang nghiêm, thật đau đáu: Tượng đài giữa trái tim! Hết giặc rồi, năm lại năm, dù tuổi tác đã cận kề ngưỡng “cổ lai hy”, ông vẫn cùng những đồng đội đang sống lặn lội đi tìm đồng đội còn nằm lại. Đây là tiếng lòng của một chính ủy hay của một đồng đội với đồng đội? Có lẽ cả hai:


Tôi tìm về nơi trận đánh ngày xưa,


Cái tên Đầu Mầu đã khắc


vào nỗi nhớ


Vạch cây rừng, lau lách cứa thịt


da máu ứa


Sao chẳng thấy đau?


Ngước nhìn lên điểm cao


bông lau trắng xóa,


Đồng đội tôi nằm lại giờ ở đâu,


ở đâu?


(Tượng đài giữa trái tim-2007)


Cái điệp từ ở đâu, ở đâu? lặp đi, lặp lại như một tiếng gọi xé ruột. Chao ôi, tôi đến tìm các anh đây, những đồng đội của tôi trẻ trung, tài hoa ngày ấy, sao chỉ thấy bông lau trắng xóa một trời? Ngàn bông lau trắng xóa in trên nền trời điểm cao mây trắng, thật buồn. Nhưng không hiu hắt mà buồn mênh mang, buồn day dứt, khi mà rải rác trong ngàn lau kia, đâu đó vẫn còn những đồng đội “nằm lại” chưa “về”! Tôi đọc tiếp và một lần nữa giật mình trước tiếng lòng ông:


Người bạn đi cùng nói hương


chỉ thắp 3 nén thôi


Nhưng có bao nhiêu hương


mang theo tôi thắp tất cả


Ngày các anh hy sinh không một


nén nhang cháy đỏ


Chiến trường đạn bom, có hương


đâu mà thắp, bạn ơi!


(Tượng đài giữa trái tim-2007)


Tập nhật ký-thơ của Chính ủy Trần Xuân Gứng và những bài thơ ông in trong cuốn Nhật ký viết bằng văn vần do cựu chiến binh đoàn Triệu Hải kết hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa ấn hành. Đặc biệt, phải kể đến bài thơ Gửi con trai mới sinh ông viết cho con trai đầu lòng mùa khô năm 1967, khi ông đang cùng đơn vị vây ép Đồi Tròn, một cứ điểm gần căn cứ Phu-lơ (544) nổi tiếng kiên cố của Mỹ-ngụy.


Nếu hôm nay giữa chiến trường cha ngã xuống/ Thì cuộc đời đã có con!/ Rồi con sẽ lớn lên/ Hãy đi tiếp con đường cha bước dở/ Đời người lính là hy sinh, là gian khổ/ Nhưng là con đường của hạnh phúc, con ơi!


Thật may mắn, ông đã không bước dở. Trần Xuân Cường-đứa con trai ông tặng thơ ngày nào đã lớn lên và đang đi tiếp con đường ông từng đi, hiện là Thiếu tá-Tiểu đoàn trưởng một đơn vị đặc công anh hùng. Thật thú vị, giống như ông, anh cũng rất ham thơ.



NGUYỄN XUÂN DIỆU

QDND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP