Dự án đầu tư

“Khát” nước sinh hoạt ở vùng TĐC thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang

“Cháy”… nước sạch

Sau hơn 1 năm vào ở tại các khu tái định cư (TĐC) Khe Ná – Khe Gỗ và Hói Trung (tháng 6/2013), hàng trăm hộ dân xã Hương Điền, Hương Quang (Vũ Quang) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mỗi ngày, họ phải chắt chiu từng giọt nước sạch để xoa dịu “cơn khát”.

Chúng tôi đến khu TĐC Hói Trung vào một ngày giữa tháng 6 nắng như đổ lửa. Khu TĐC của những hộ dân xã Hương Điền mới được hoàn thành, phơi mình dưới nắng khét. Từng đợt gió lào thổi xoáy lên những tuyến đường bê tông, tường xây, mái ngói hầm hập như chảo rang. Đón “những người khách can đảm”, ông Bùi Văn Sâm – điểm dân cư 54, rót nước mời rồi phân trần: “Uống được đấy, nước vối nên màu thâm xỉn thế chứ không sao đâu. À mà các anh, chị thì làm sao phân biệt được. Ở đây, nhiều nhà nấu chè xanh nước cũng như thế này”. Nhường chiếc quạt đang chạy hùng hục như “cối xay gió” vẫn không xua được hơi nóng “đãi” khách, ông Sâm tâm sự: “Nói các anh, chị can đảm vì mùa này dám lên, chịu cái nóng và uống thứ nước thiếu an toàn ở đây, chứ người dân chúng tôi thì quen rồi”.

`Khát` nước sinh hoạt ở vùng TĐC thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang
Ông Bùi Văn Sâm (bên phải) được hỗ trợ một hệ thống lọc nước nhưng khi xây dựng xong thì… giếng hết nước.

Dẫn chúng tôi ra xem hệ thống giếng khoan được dự án đầu tư, chỉ vào chiếc máy bơm đang bắt đầu rỉ tét vì không sử dụng, ông Sâm cho biết: “Lúc mới khoan, giếng cũng có nước nhưng mùi tanh bùn lại bị nhiễm sắt nên không sử dụng được. Tôi là hộ đầu tiên ở khu TĐC được hỗ trợ một hệ thống lọc nước nhưng khi xây dựng xong thì… giếng hết nước”. Để có nước ăn uống, giải pháp tối ưu là đi… xin. Bởi hiện tại, một số hộ vẫn có giếng sử dụng được nên chia sẻ cho các hộ khác. Tuy nhiên, “nguồn nước không nhiều, lúc có lúc không nên tất cả đều phải sử dụng hết sức tiết kiệm. Về lâu dài không biết phải giải tỏa “cơn khát” này bằng cách nào” – ông Sâm lo lắng.

Không may mắn được ở gần hộ có giếng sử dụng được như ông Sâm, các hộ dân khác phải xoay xở đủ cách để giải “cơn khát”. Hộ có điều kiện thì mua bình nước sạch về dùng, giá mỗi bình 20.000 đồng, tằn tiện cũng dùng được ít hôm. Còn nhiều gia đình phải đi xa hàng chục km để “cõng nước”. “Sáng kiến” được xem là hữu hiệu nhất của anh Bùi Quốc Tĩnh ở tiểu khu 72, khu TĐC Hói Trung là cùng với 2 hộ khác đặt máy bơm, kéo đường ống dẫn nước từ một giếng khoan cũ cách hàng chục mét để tải nước về dùng.

`Khát` nước sinh hoạt ở vùng TĐC thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang
Anh Bùi Quốc Tĩnh ở cùng với 2 hộ khác đặt máy bơm dẫn nước từ một giếng khoan cũ cách hàng chục mét về dùng.

Anh Tĩnh cho biết: Nước thì có nhưng chất lượng không tốt, thường nổi váng và nhiễm phèn, sắt. Các loại vật dụng trong nhà bằng men, sứ, nhôm sau một thời gian sử dụng đều chuyển màu đen xỉn. Anh đem ra 2 chiếc bát loang lổ vệt đen, đùa một cách chua chát: Không phải vợ em lười đâu nhé, bát ăn xong phải dùng bùi nhùi kỳ cọ đến mòn tay mà vẫn bị thế này. Nói quá lên rằng: cứ muốn có bát sạch, chỉ có cách dùng một lần rồi thay mới!

Cán bộ tắc trách, người dân lãnh đủ

Theo báo cáo của Ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, đến nay, tổng số giếng đã khoan là 347 cái. Qua kiểm tra, tại khu TĐC Hói Trung có 55 giếng dùng được (trong số 136 giếng đã kiểm tra), 81 giếng bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng hoặc không có nước. Tại khu TĐC Khe Ná – Khe Gỗ, kiểm tra 85 giếng thì có 24 giếng dùng được, 61 giếng còn lại cũng lâm vào tình trạng tương tự.

`Khát` nước sinh hoạt ở vùng TĐC thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang
Máy bơm nước dùng “làm cảnh” vì giếng khoan không có nước.

Nguyên nhân việc “cháy” nước sạch tại các khu TĐC, theo ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, Trưởng ban Bồi thường hỗ trợ TĐC là do quá trình triển khai không thống nhất, thiếu đồng bộ, “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Ông Đức cho biết: Ngay từ khi phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở, đơn vị tư vấn chỉ khảo sát nguồn nước mặt và UBND tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. Năm 2012, UBND tỉnh có quyết định giao UBND huyện Vũ Quang thực hiện chương trình nước với tổng mức đầu tư hơn 15,5 tỷ đồng. Sau nhiều cuộc khảo sát, thí nghiệm, đánh giá nguồn nước và phương án cấp nước của các sở, ngành, đơn vị tư vấn, UBND huyện Vũ Quang thống nhất phương án giếng khoan vì: thuận lợi, tiết kiệm và chi phí ít (!).

Một trong những nguyên nhân mà Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Đức đưa ra là: Trước khi triển khai khoan giếng, đơn vị tư vấn khoan thăm dò xác định có nước và nước có thể dùng được nếu đã qua xử lý. Tuy nhiên, do dân vào đồng loạt nên việc khoan giếng được triển khai cấp tốc mà không kịp kiểm tra, đánh giá. Hơn nữa, tại thời điểm này, Chính phủ chưa có sự thống nhất mang tính pháp lý cao về chất lượng nước. Vì vậy, đơn vị tư vấn chỉ khảo sát 10 chỉ tiêu nước sạch (nước “thô” – người dân có thể dùng). Mặt khác, trên địa bàn Hà Tĩnh không có đơn vị hành nghề khoan thăm dò địa chất đủ tầm nên để xác định mạch nước ngầm là rất khó.

`Khát` nước sinh hoạt ở vùng TĐC thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang
Những chiếc bát nhà anh Tĩnh bị chuyển màu đen xỉn do rửa bằng nước bị nhiễm phèn, sắt.

Tuy nhiên, từ thực tế chúng tôi thấy, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do quá trình khảo sát, thăm dò địa chất, mạch nước của các đơn vị tư vấn có nhiều thiếu sót. Có vẻ như các đơn vị tư vấn chỉ khoan thăm dò ít điểm, khảo sát chung chung, rồi lập hồ sơ và cho triển khai đồng loạt. Theo ông Trịnh Đình Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Quang thì: Do việc kiểm tra, khảo sát mạch nước ngầm chưa chu đáo, quyết định phương án quá nóng vội. Hình như người ta chưa tính đến trần nguồn nước ngầm vì với mật độ dân số đông, giếng khoan đồng loạt nhiều thì việc tụt mạch nước ngầm là không tránh khỏi. Đó là chưa nói, có nhiều hộ làm nhà trên vùng sình lầy nên khi khoan giếng có mùi hôi tanh nhưng ban đầu cũng không có khảo sát, kết luận về vấn đề này (?!). Thế là người dân vùng TĐC này lãnh đủ.

Trước tình trạng khan hiếm nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân các vùng TĐC Hói Trung và Khe Ná – Khe Gỗ, UBND huyện Vũ Quang vẫn loay xoay như gà mắc tóc. Điều này được thể hiện phương án mà huyện này đưa ra không mang tính bền vững, thậm chí còn gây lãng phí. Đó là thay vì đầu tư xây dựng nhà máy nước tập trung thì lại đề xuất xây dựng nhà máy mi ni chỉ có tuổi thọ mươi lăm năm, đồng thời, trước mắt đầu tư khắc phục những công trình thiếu sót trước đó, để rồi sau đó lại bỏ đi!!!

Vĩ thanh

Chúng tôi rời khu TĐC Hói Trung khi nắng chiều đã vãn. Tuy nhiên, hơi nóng hầm hập của từng cơn gió lào vẫn bám riết, bỏng rát thịt da. Và tôi biết rằng, khát khao có được một nguồn nước sạch, an toàn để đảm bảo sinh hoạt, đời sống cũng đang “nóng” trong lòng những người dân nơi đây. Hình ảnh 2 đứa bé con anh Bùi Quốc Tĩnh tranh nhau vốc từng vốc nước trong chiếc chậu bé tí được bố chắt ra từ bể lọc như lời thỉnh cầu của người dân vùng TĐC đến với các cấp, ngành có liên quan.

Giải pháp căn cơ nào để đảm bảo nguồn nước cho cuộc sống, sinh hoạt vẫn là câu hỏi mà người dân ở các khu TĐC xã Hương Quang, Hương Điền mong mỏi được trả lời thấu đáo.

Long Hiền/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP