Xã hội

Khẩn trương làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng tại Bình Phước

Hàng chục cây rừng giá trị, có đường kính từ 25 – 75cm tại khoảnh 7, tiểu khu 363, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã bị các đối tượng chặt hạ trái phép. Thủ phạm đã lấy đi phần lớn thân gỗ có giá trị, chỉ chừa lại vài khúc gỗ nhỏ.

Cây gỗ bị chặt hạ trái phép tại khoảnh 7, tiểu khu 363, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Sáng 9/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đang khẩn trương làm rõ vụ phá rừng lấy gỗ nghiêm trọng đã xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 363, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Theo Thông báo số 12/TB-KL của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú, khi tổ công tác liên ngành đi kiểm tra tại khoảnh 7, tiểu khu 363 đã phát hiện có 24 cây rừng đã bị chặt hạ và khai thác trái phép. Tại địa điểm khai thác rừng trái phép, đối tượng vi phạm lấy đi khỏi hiện trường 13 cây gỗ, chỉ còn lại 22 lóng (khúc) gỗ tròn, khối lượng 3,2m3.

Các cây gỗ bị khai thác gồm: Gỗ lòng mang, trâm, dẻ, dái ngựa, chò chai và xoài (được xếp từ nhóm III đến nhóm VIII).

Tại Thông báo số 12, ông Bùi Xuân Ngọc – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú – cho biết: “Không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp số gỗ bị khai thác trái phép. Để tránh thất thoát lâm sản, tổ công tác đã thuê xe vận chuyển số gỗ trên về tạm giữ tại chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hòa – Tân Lợi, chờ xác minh truy tìm chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp”.

Cây rừng giá trị, có đường kính từ 25 – 75cm tại khoảnh 7, tiểu khu 363, huyện Đồng Phú đã bị các đối tượng chặt hạ trái phép​.

Những ngày qua, Hạt Kiểm lâm Đồng Phú đã thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh, niêm yết thông báo tại UBND xã… Tuy nhiên, vẫn không ai đứng ra nhận là chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp số gỗ nêu trên.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, thì khoảnh 7, tiểu khu 363, Nông – lâm trường Tân Lập, thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước quản lý, bảo vệ.

Tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy còn trơ ra những gốc cây gỗ bị cưa hạ. Đường kính các gốc cây bị chặt hạ từ 25 – 75cm. Rải rác xung quanh, có một số gốc cây chu vi rất lớn, nhưng chưa xác định chính xác thời gian bị đốn hạ…

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện 124 vụ vi phạm về quản lý lâm sản. Trong đó, lượng kiểm lâm phát hiện 30 vụ vận chuyển gỗ lậu. Nghiêm trọng hơn cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng phát hiện 28 vụ phá rừng, xâm hại đến rừng.

Hiện Chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, trong đó có địa bàn tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên thời gian gần đây cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều vụ phá rừng trái phép vẫn còn diễn ra; hàng chục vụ vận chuyển gỗ lậu bị phát hiện, xử lý tại địa bàn.

Rừng tại Bình Phước vẫn đang bị "chảy máu".

Số gỗ nhỏ các đối tượng chặt phá rừng bỏ lại được thu lực lượng kiểm lâm đang tạm giữ.

Trước đó, tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng vào đầu năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thừa nhận việc có hàng trăm hecta rừng bị chuyển hóa và xin nhận lỗi trước Chính phủ về vấn đề này. Trong thời gian này, Chính phủ, Thủ tướng giao tỉnh Bình Phước 134 nhiệm vụ, ngoài những nhiệm vụ đã thực hiện đến nay tỉnh Bình Phước còn 70 nhiệm vụ chưa hoàn thành và đang trong thời gian thực hiện, 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm nhận định: "Nơi nào còn rừng nơi đó đáng lo nhất".

Cũng theo ông Trăm, diện tích rừng khá lớn trong khi nhân sự quản lý rừng quá ít, một người phải quản lý, kiểm tra mấy trăm hecta, đồng thời người dân đồng bào thường xuyên có hoạt động phá rừng. Ban đầu thì phá ít để trồng điều, sau đó thì phá trên diện rộng.

"Tôi thay mặt UBND tỉnh xin lỗi Chính phủ và chúng tôi sẽ nghiêm túc hơn. Chúng tôi nghiêm khắc rút kinh nghiệm và sẽ thực hiện giáo dục toàn dân và kiên quyết hơn trong các vấn đề bảo vệ rừng. Chúng tôi đã cố gắng thực hiện nhưng ý thức người dân còn kém", ông Trăm nói trước tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Tác giả: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP