Di tích - Thắng cảnh

Khám phá thành lũy đá cổ Kỳ Anh

Cùng với du xuân, vãn cảnh các điểm di tích lịch sử văn hóa, tâm linh đầu năm, lũy đá cổ Kỳ Anh – dấu ấn về kỹ thuật quân sự trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước cũng là một địa chỉ thu hút nhiều người… .

Di tích lũy đá cổ Kỳ Anh được phân bố trên sườn phía Bắc dãy Hoành Sơn kéo dài theo trục từ Đông sang Tây với độ dài trên 30 km. Hiện nay, đoạn thành lũy cổ bằng đá còn nguyên vẹn thuộc địa phận các xã Kỳ Lạc và Kỳ Nam. Lũy đá cổ Kỳ Anh còn có tên gọi khác là lũy Lâm Ấp hay Ông Ninh.

Theo ông Lê Bá Hạnh – Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Qua nghiên cứu địa hình tại chỗ và các sử liệu, công trình nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ bước đầu đưa ra nhận định: Thành lũy đá cổ ở Kỳ Anh là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt – Chăm Pa) do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới. Lũy đá được xây dựng và tu bổ thêm vào thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn, do nhà Trịnh ở Đàng Ngoài xây dựng làm phòng tuyến quân sự đề phòng quân Nguyễn từ Đàng Trong đánh ra.

Khám phá lũy đá cổ Kỳ Anh

Lũy được xây dựng hoàn toàn bằng loại đá tự nhiên có ở chính vùng đất này mà cư dân bản địa gọi là đá son.

Điểm bắt đầu của lũy đá là chân dốc Đèo Bụt, kéo dài khoảng 1 km, men theo sườn núi lên đỉnh đèo thuộc núi Trầm Hương (tên gọi hiện nay) nằm trong dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Lũy nằm chắn ngang con đường thượng đạo đã có từ lâu (sau này là đường 22), là trục giao thông huyết mạch của nhân dân vùng núi phía Tây huyện Kỳ Anh và Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Lũy được xây dựng hoàn toàn bằng loại đá tự nhiên ở chính vùng đất này mà cư dân bản địa gọi là đá son (vì khi mài đá ra có màu đỏ như son), không sử dụng chất kết dính vì loại đá này mềm và mịn, để lâu ngày, các bột đá bị phân hủy tạo thành chất kết dính rất chắc. Thành quay về hướng Nam, chỗ cao nhất là 6m ở bề mặt phía Nam; phía Bắc cao nhất là 3m; mặt thành rộng 3m; chân thành rộng 5m.

Đặc biệt, cứ cách nhau khoảng 3m dưới chân lũy hoặc trên thân lũy lại trổ một lỗ hình vuông dạng phễu, mặt trước có kích thước 1m, mặt sau 0,8m, có công dụng vừa làm lỗ thoát nước, vừa là hỏa hiệu như lỗ châu mai chạy xuyên qua thân lũy. Đây là chi tiết khá thú vị và đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu những câu hỏi về công năng sử dụng và mục đích của người xây lũy. Những lỗ hình vuông này được xây với kiến trúc khá hoàn hảo: bên trong lòng, cả trên trần và hai bên vách được lát bằng những hòn đá tự nhiên, phẳng; đặc biệt, miệng lỗ được thiết kế chắc chắn bằng một thanh dầm bắc ngang nhằm chống đỡ sức nặng của cả công trình. Sau lỗ hình vuông đó, lũy được xây giật ra ngoài tạo thành một hố tác chiến hay còn gọi là “hộc đong quân”, có thể chứa được 4-5 người.

Khám phá lũy đá cổ Kỳ Anh

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu niên đại thành lũy

Ông Lê Bá Hạnh khẳng định, đây là một lũy đá cổ hiếm có. Về mặt kỹ thuật xây dựng thành lũy, người xưa đã tận dụng tuyệt đối lợi thế của thiên nhiên, đó là địa hình hiểm trở của dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Công trình được xây dựng cực kỳ cẩn thận bởi những người chỉ huy tài ba và một đội ngũ lính thợ rất giỏi tay nghề nên chất lượng và nghệ thuật kiến trúc cao hơn hẳn so với những hệ thống thành lũy đá cổ đã từng được phát hiện ở các tỉnh khác.

Cũng theo ông Hạnh, đây là công trình kiến trúc cổ có giá trị độc đáo bậc nhất của vùng Bắc Trung bộ còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay; là một di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học cần được đầu tư nghiên cứu bảo tồn để phát huy giá trị.

Bá Tân – Phúc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP