Lao Động - Việc Làm

Khai thác khoáng sản góp phần giải quyết việc làm cho LĐ địa phương

Sáng 7-3, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và môi trường để giám sát việc "Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.


Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 162 cơ sở đang khai thác và chế biến khoáng sản. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu gồm: vật liệu xây dựng, kim loại, các chất thải, sét trắng, thạch anh sạch và nước khoáng nóng. Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng khai thác mỏ; ban hành nhiều chủ trương, chính sách và văn bản nhằm thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước; chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, việc thăm dò quy hoạch, khoanh định khu vực hoạt động khoáng sản; thống kê, kiểm kê, công nhận chỉ tiêu tính trử lượng khoáng sản; cấp giấy phép, cho thuê, giải quyết khiếu nại tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản…đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc, đúng luật, tao môi trường lành mạnh trong hoạt động khai thác khoáng sản. Nhờ đó, trong những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần đáp ứng nhu cầu về xây dựng, giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động địa phương và tăng nguồn thu ngân sách tỉnh nhà. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đang đứng trước nhiều thách thức như: hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường và chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương.


Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có nhiều ý kiến xung quanh cấp giấy phép hoạt động, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm và những khó khăn, vướng mắc, các giải pháp tháo gỡ nhằm làm cho hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả bền vững.


Kết thúc buổi làm việc, Phó chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng ghi nhận vai trò tích cực của Sở TN-MT và các ngành liên quan trong thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Kết quả đó đã tạo điều kiện cho hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Kết quả giám sát lần này và các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh, các ngành chức năng sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp, báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.


T.L

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP