hatinh24h

Sách Nghi Xuân địa chí chép mạch núi bắt đầu từ dãy núi Giăng Màn ở huyện Hương Sơn chạy xuống huyện Đức Thọ theo hướng đông đến núi Nhạc Sạc tức núi Cài thì chìm xuống qua sông Cài, tiếp tục theo hướng đông nổi lên ngọn núi Thiên Tượng ở làng Bân Xá nay là thị xã Hồng Lĩnh . Từ đó  rẽ qua hướng tây nam nổi lên nhánh thứ nhất, gồm có các ngọn núi  ở xã Đậu Liêu, dịch chuyển về phía bắc nổi lên các ngọn núi Bể, núi Cà, núi Ngọc Lầu ở vùng xã Xuân Lam, núi Quan Ấp, núi Côn Sơn, núi Ngũ Mã, núi Tháp, núi Cô Độc ở xã Xuân Hồng, núi Cù Sơn, núi Lách, núi Cơm, núi Ranh , núi Tam Thai ở thị trấn Xuân An gặp sông Lam thì dừng lại . Nhánh núi thứ 2 từ làng Bân Xá chạy theo hướng đông qua truông Hống, sử ký chép là truông Màn Trường nay là xã Xuân Lĩnh nổi lên núi Đụn. Về phía nam núi Đụn có các ngọn núi ở đất Đậu Liêu, Quảng Khuyến, hữu Thiên Lộc nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Phía bắc là đất Nghi Xuân có một phần núi Đụn, núi Đầu Ngựa, núi Bàn Thạch ở xã Xuân Lĩnh, núi Đầu Voi, núi Son, núi Vực ở Xuân Viên , núi Sét, núi Mồng Gà ở Xuân Mỹ, núi Lài ở xã Cổ Đạm gặp sông Mỹ Dương thì dừng lại. Nhánh núi thứ 3 bắt đầu từ vùng Chọ Sim, Eo Bầu xã Cổ Đạm nổi lên ngọn núi Yên Ngựa. Từ núi Yên Ngựa về phía nam là đất các xã Thiên Lộc, ( Can Lộc) Phúc Lộc, Hồng Lộc, Tân Lộc ( Lộc Hà). Từ núi Yên Ngựa về phía bắc núi này là địa phận huyện Nghi Xuân có các ngọn núi Phượng Hoàng, Kim Sơn ở xã Xuân Liên, núi Linh Đinh, Lạp Sơn, Đông Dương, Tam Thai, Hàm Rồng, núi Trúc, Truông Vắn, Cổ Chùy, Hỏa Hiệu, Tiên Tích,Vân Am ở xã Cương Gián.

Người dân quê tôi truyền từ đời này sang đời khác vào thời mở đất dựng nước Việt Thường , Kinh Dương Vương là thân phụ Lạc Long Quân đi khắp núi sông để tìm đất đóng đô. Vương đến vùng núi lô nhô trung điệp nhưng không cao lắm chạy ngang ra biển thấy cảnh sắc đẹp tuyệt vời định bụng chọn làm đất đóng đô. Lúc đó có 100 con chim Hồng bay về lượn 3 vòng rồi hạ cánh đậu lên 99 đỉnh núi . Con chim chúa có cái mào màu đỏ không có chỗ đậu cứ bay vòng quanh 99 đỉnh núi tìm chổ hạ cánh. Nhân dân các làng dưới chân núi thấy vậy đã cùng nhau mang mai cuốc, gồng gánh  đoàn kết một lòng đào đất đá đắp cục Lịp ở xã Cương Gián để làm chổ chim chúa hạ cánh nghỉ chân . Nhưng do vừa đắp xong chưa vững vàng, khi chúa đàn chim Hồng sà xuống đậu đã làm cục Lịp bị đổ. Thế là chim Chúa giật mình vỗ cánh bay về đất Phong Châu ở phương bắc. Đàn chim Hồng rào rào vỗ cánh bay theo . Từ đó Kinh Dương Vương bỏ ý định chọn ngàn Hống làm kinh đô Việt Thường thị. Kinh Dương Vương lấy cảnh đàn chim Hồng về ngàn Hống đã đặt tên là Hồng Sơn, nghĩa là núi Hồng.

 Có một hôm ông Trần Anh nguyên chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân nói với tôi: “ Trên đỉnh núi Hồng Lĩnh có nhiều bãi bằng, rộng mênh mông, cảnh quan tuyệt lắm đẹp nhất có lẽ là nền đá Trang Vương. Từ vùng núi xã Cổ Đạm, hoặc Xuân Liên huyện ta có thể mở một con đường lên nền đá Trang Vương và chùa Hương Tích rất thuận tiện . Nghi Xuân nên tu bổ lại nền Trang Vương làm điểm du lịch leo núi và du lịch tâm linh phối hợp với du lịch văn hóa sinh thái Xuân Thành và di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ ”. Nền đá Trang Vương ở đỉnh núi Đụn  có độ cao 679 m cao nhất dãy Hồng Lĩnh, là địa điểm phân chia ranh giới giữa Can Lộc và Nghi Xuân. Theo sách Nghi Xuân địa chí, trong thành cổ Trang Vương có 12 nền nhà đã bị bồi lấp nhưng vẫn còn rõ dấu tích đền đài cung điện . Trên núi có tảng đá gọi là đá cống, đá cột, là nơi Trang Vương treo chiêng trống; Từ nền Trang Vương đi về hướng bắc là núi Bàn Thạch ở xã Xuân Lĩnh , trên núi có 1 tảng đá lớn, bằng phẳng như cái mâm dựng đứng, bên trái tảng đá này có dấu chân người và chân ngựa, bên phải có lỗ tròn cắm cây long đao, người dân địa phương cho là di tích Đại vương tức Lý Nhật Quang và lập đền thờ tại tảng đá này. Núi Mồng Gà thuộc xã Xuân Mỹ và xã Cổ Đạm, phía đông có mỏm đá chồng chất, cao nhọn dựng đứng như mào gà, nhìn chung thì giống như hình con voi. Ngày xưa La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp lên núi này chơi có để lại câu thơ tả thực: “ Lô nhô vách đá ngẩng đầu voi”. Xưa nho sĩ Nghi Xuân cho rằng hễ đá núi Mồng Gà rơi xuống sẽ có người đậu tiến sĩ. Huyền thoại kể rằng, vào mùa mưa bão sấm sét thiên binh, thiên tướng nhà trời xuống núi Mồng Gà, đã vào nhà dân mượn cuốc, thuổng để đào ngọc đá. Trong khi đào ngọc đã làm đất sụt lở, đá rơi. Nhớ ơn dân địa phương, trời trả công bằng cách con em đậu đại khoa.

Ở núi Hồng Lĩnh có khá nhiều di tích đền miếu, chùa chiền cổ nổi tiếng như chùa Hương Tích, am Thánh Mẫu, chùa Chân Tiên, đá có dấu chân người, ao tiên tắm ở Lộc Hà , chùa Thiên Tượng thuộc địa giới huyện Can Lộc, chùa Bụt Mọc, đền Bạch Thạch dưới chân núi Bùa, đền Cao Sơn ở núi Trúc có phong cảnh sơn thủy rất đẹp ở Cương Gián , đền Nhà Vua ở Xuân Lĩnh , đền Chợ Củi ở Xuân Hồng , thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh thuộc vùng núi Chua xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Xưa nay các nhà nho, thi sĩ, văn chương, hội họa đã tốn nhiều bút mực để ca ngợi tiên cảnh Hồng Sơn . Trong số 8 cảnh đẹp ở Nghi Xuân , đứng đầu là “ Hồng Sơn liệt chướng” có nghĩa là “ Hồng Sơn thành dựng như màn gấm”. Núi Hồng Lĩnh xưa được xếp hạng là 1 trong 21 danh sơn của nước Việt, cùng với sông Lam là biểu tượng của xứ Nghệ anh hùng. Núi Hồng có 99 đĩnh, mỗi đỉnh núi là một thắng tích, từng được ghi vào điển thờ triều Nguyễn và khắc lên “Anh đỉnh” đặt ở sân rồng kinh đô Huế. Xưa và nay các bậc túc nho học giả  thi nhân như tiến sĩ Bùi Dương Lịch, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, đại thi hào Nguyễn Du đều có thơ viết về danh sơn Hồng Lĩnh. Nguyễn Thiếp đánh giá : “ Hồng Sơn đệ nhất phương” nghĩa là: Núi Hồng Lĩnh đẹp nhất một phương . Trong thơ, Bùi Dương Lịch tả cảnh : “ 99 ngọn” núi trùng trùng la liệt về thế nguy nga, vững vàng chống đỡ vòm trời, sắc biếc tỏa rộng một vùng cốt đất cứng rắn, màu xanh trải dài hai mái núi, địa thế hùng vĩ.” Đại thi hào Nguyễn Du cũng ca ngợi: “ Hồng Sơn vô hạn thắng” nghĩa là : “Danh thắng Hồng Sơn đẹp vô cùng”. Nhiều người dân quê tôi thuộc lòng bài thơ của một tác giả khuyết danh tả cảnh Hồng Sơn hùng vĩ khi mây trắng trùm đỉnh núi : “ Non Hồng tựa ngàn mây dài rộng”…

Sự hùng vĩ, non xanh nước biếc đá dựng lô nhô trùng điệp của Hồng Sơn từ bao đời nay đã thu hút bao tao nhân mặc khách. Ngày nay, núi Hồng Lĩnh là một địa chỉ giàu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh . Cần phát huy hơn nữa những giá trị sẵn có của Hồng Sơn để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái . Những năm gần đây hoạt động du lịch tâm linh ở Hồng Lĩnh phát triển mạnh, những di tích danh thắng như chùa Chân Tiên, chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, đền Chợ Củi, thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh ở núi Chua…đã thu hút hàng triệu lượt du khách về tham quan vẻ đẹp cua danh thắng Hông Sơn ./.

Tháng 7 / 2015

Đặng Viết Tường