Kinh tế

Hương Sơn vào mùa thu hái “Lộc Nhung”

Cứ mỗi độ xuân về người chăn nuôi hươu sao ở huyện Hương Sơn lại phấn khởi, rộn ràng bước vào vụ hái “Lộc nhung”. Đất trời nở hoa, lộc biếc hé nụ cũng là lúc “Lộc” hươu đâm chồi, chả thế mà người xưa gọi nhung hươu chính là “Lộc trời”. Chăn nuôi hươu là một thế mạnh PTKT ở Hương Sơn

Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, trong những năm qua, huyện Hương Sơn đã tích cực tuyên truyền vận động và tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hàng năm huyện chỉ đạo các ngành chức năng tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; Tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, tham quan các mô hình chăn nuôi hươu theo hướng gia trại, thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế…Ông Nguyễn Quang Thọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Vùng đất Hương Sơn phù hợp với nghề chăn nuôi hươu, nhân dân ở đây chăn nuôi hươu từ bao đời nay, nguồn thức ăn lại sẵn có, từ hộ nghèo đến hộ khá giả đều có thể đầu tư được vì vốn bỏ ra ban đầu không quá lớn nên chúng tôi xác định đây là giống con chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt, năm 2013, được nhà nước hỗ trợ đầu tư nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn bỏ vốn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện toàn huyện có 268 cơ sở chăn nuôi hươu trên 10 con và 9 mô hình hươu trên 50 con.

Gia đình anh Trịnh Xuân Đức – ở thôn Lâm Đồng – xã Sơn Lâm là một trong số hàng trăm hộ gia đình tham gia mô hình chăn nuôi hươu. Vốn có truyền thống chăn nuôi hàng chục năm nay, nhưng đến khi có chính sách đầu tư xây dựng NTM, được cấp ủy chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trên 40 triệu đồng phát triển kinh tế từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hươu đàn với quy mô 17 con. Anh Đức cho biết: Mặc dù nhà chỉ có 2 lao động nhưng với điều kiện thuận lợi về thức ăn lại nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên anh không phải lo lắng nhiều khi nâng cao tổng đàn mà hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi nhỏ lẻ.

Mô hình nuôi hươu của gia đình anh Trịnh Xuân Đức

Theo đánh giá hiệu quả kinh tế, nếu thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, thì mỗi năm ước tính bình quân mỗi con hươu đực trưởng thành cho thu nhập 5 – 10 triệu đồng, hươu cái dao động từ 3 – 10 triệu đồng. Với tổng số trên 30.500 con hươu, ước tính mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cho người chăn nuôi Hương Sơn từ 140 – 150 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đã thấy rõ với những lợi thế vốn có của địa phương, chăn nuôi hươu đang là lựa chọn tối ưu của bà con nhân dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Song điều làm người chăn nuôi hươu đang băn khoăn lo lắng là hiện nay hươu cái giống đang rớt giá, chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/con và giá nhung hươu không ổn định vì thế nếu tăng đàn nhanh chóng thì đầu ra cho sản phẩm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Lộc nhung

Mùa xuân đã gõ cửa, người chăn nuôi hươu sao ở huyện Hương Sơn đang bước vào vụ thu hái “Lộc nhung”. Những ngày này, thương lái trong vùng và nhiều đoàn khách từ các Tỉnh thành trong cả nước về với Hương Sơn để tìm cho mình những cặp “lộc nhung” ưng ý. Hiện tại giá Nhung hươu dao động từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/lượng tùy từng loại. Cũng có những gia đình hươu cho cặp Nhung đẹp và chất lượng bán được với giá 1,6 triệu đồng/lượng. Bên cạnh mua Nhung hươu để sử dụng, làm quà cho bạn bè người thân, nhiều người khách còn biết thêm một nét văn hóa của người bản xứ. Cắt “Lộc nhung” vào dịp tết là lúc con cháu sum vầy tận hưởng thành quả, nâng chén rượu nồng chúc nhau năm mới “phát tài, phát lộc”, mọi sự bình an.

Thêm một năm mới bà con lại thêm một niềm hy vọng, nghề chăn nuôi hươu sao Hương Sơn sẽ ngày càng phát triển, sản phẩm từ con hươu được mọi người tin dùng và trở thành hàng hóa, để những người nông dân gắn bó hơn với nghề và con hươu Hương Sơn sẽ trở thành giống con chủ lực trong phát triển kinh tế của người nông dân./.

Hương Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP