Nông thôn mới

Hương Sơn: Kết quả sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trên địa bàn Hương Sơn bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi: Kinh tế – xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ; các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả…

Từ công tác tuyên truyền đến hành động “Chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng. Nắm bắt được thực tế này, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông qua các hội nghị, tọa đàm, hội thi, các cuộc sinh hoạt chi bộ, thôn, dân cư và các ngành đoàn thể về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của huyện về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Bản tin Hương Sơn, Đài TT-TH huyện, Cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh cơ sở mở chuyên trang, chuyên mục, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, trong đó chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình và cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị lâu dài, việc giành ngày thứ bảy, chủ nhật xuống với cơ sở của các đoàn công tác huyện đã trở thành thông lệ. Từ trực tiếp kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí ở các thôn đến tham gia các cuộc họp với Ban Chỉ đạo các địa phương, qua đó đã kịp thời uốn nắn, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp huyện giành các ngày nghỉ xuống các địa phương, các thôn, khu dân cư để tuyên truyền, vận động, đóng góp ngày công, kinh phí cùng với nhân dân thực hiện các công việc như: chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, vườn hộ, làm đường giao thông, tư vấn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu… kịp thời động viên, đồng hành, tạo không khí thi đua trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cán bộ cơ quan Huyện ủy tham gia chỉnh trang hội quán

thôn Thanh Uyên (xã Sơn Bằng)

Những kết quả đạt được…

Xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng, 5 năm qua huyện đã ưu tiên lồng ghép các chương trình với tổng số vốn huy động hơn 1.788 tỷ đồng để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo. Nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm bùn lầy, nhỏ hẹp, trụ sở làm việc, nhà văn hóa thôn, trạm y tế xuống cấp trước đây, các địa phương đã tích cực triển khai cơ chế hỗ trợ xi măng, huy động nội lực theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa, mở rộng các tuyến đường. Trong 5 năm đã cứng hóa gần 388 km đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm; hơn 70 km kênh mương; xây mới và nâng cấp 154 nhà văn hóa thôn, 26 trụ sở làm việc và nhà văn hóa xã, 16 trường học, 21 trạm y tế đạt chuẩn, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay có 91 thôn và hơn 72% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, 59/78 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, cơ sở vật chất các bệnh viện, trạm y tế tiếp tục được đầu tư nâng cấp; 21 đơn vị đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2, 21/30 trạm y tế có bác sỹ.

                 Các hộ dân tham quan vườn mẫu tại thôn Yên Thịnh (Sơn Châu)

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy quá trình triển khai cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có tỷ lệ gia tăng trên doanh thu cao như: hươu, lợn, bò, cam, chè công nghiệp, gỗ nguyên liệu và quan tâm phát triển các sản phẩm tiềm năng như: lạc, rau, củ, quả, gà, cao su. Các mô hình sản xuất kinh doanh, nhất là các mô hình có liên kết với doanh nghiệp được nhân rộng. Trong 5 năm đã xây dựng mới 1.260 mô hình sản xuất kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm, trong đó có 50 mô hình loại lớn, 75 mô hình loại vừa, 1.135 mô hình loại nhỏ. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh là điều kiện để các địa phương giải quyết nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bằng việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, 5 năm qua đã có 202 cá nhân, 2 tập thể được hưởng chính sách theo Quyết định 24, 11 với số tiền thụ hưởng 24,443 tỷ đồng; 2.566 tổ chức, cá nhân, chủ trang trại được hưởng chính sách theo Quyết định 26, 09, 23 về vay vốn tín dụng được hỗ trợ lãi suất với dư nợ 207,334 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp cho hàng nghìn hộ dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Tại nhiều địa phương, phong trào cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, hiến cây, bờ rào… để xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một hiệu ứng tốt cho nhiều quần chúng học tập, noi theo. Không chỉ tham gia tích cực vào việc hiến đất, hiến cây, đóng góp tài sản, ngày công, tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều phong trào, cách làm hay, sáng tạo như: Thắp sáng đường quê; áp dụng thiết kế mẫu trong xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi để tiết kiệm chi phí đầu tư; thành lập các tổ hợp tác giúp các hộ dân thoát nghèo…

Qua 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Hương Sơn đã đạt được kết quả khá toàn diện và rõ nét, bình quân mỗi xã đạt 8,73 tiêu chí, trong đó xã Sơn Kim 1 và Sơn Châu đã về đích nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2015 có thêm 4 xã (Sơn Bằng, Sơn Tây, Sơn Phú, Sơn Trung) về đích nông thôn mới, không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của quần chúng nhân dân, tin tưởng thời gian tới phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hương Sơn sẽ đạt nhiều kết quả tích cực

Anh Tuấn / Hương Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP