Tin Hà Tĩnh

Hương Sơn (Hà Tĩnh): Lời thỉnh cầu thống thiết của người đi khai hoang!

Vào thập niên tám mươi, chín mươi thế kỷ trước, việc khai thác rừng trái phép xảy ra ở khắp nơi, nhưng ở Xã Sơn Hồng, Huyện Hương Sơn, (Hà Tĩnh), có một thanh niên đã không đi theo trào lưu phá rừng mà lại khai hoang vỡ đất trồng rừng.

Rừng keo sắp thu hoạch của anh Cao Huy Chương

Năm 1990, Cao Huy Chương lúc ấy mới 19 tuổi ở xóm 5 xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn cưới vợ và ra ở riêng. Anh cùng người vợ trẻ Phan Thị Hoa đến khu vực Rú Lầm, nơi trước đó là rừng nguyên sinh nhưng đã qua nhiều năm bị khai thác cạn kiệt, chọn cho mình một khoảnh đất hoang.

Bắt đầu từ việc phát hoang chọn nơi đất có độ dốc thấp trồng lạc và hoa màu khác. Để ngăn thú rừng phá hoại, vợ chồng Chương đào một con hào dài hơn trăm mét, bốn phía đóng cọc dùng dây thép gai rào ngăn cách để trồng rừng.

Từ chút vốn ít ỏi chỉ đủ mua vài ngàn cây keo giống, nhưng nhờ chăm sóc tốt, mấy năm sau rừng của anh đã lên xanh. Thu hoach đợt keo đầu tiên, vợ chồng Chương dành toàn bộ tiền đầu tư trồng tiếp keo mới. Và cứ thế quay vòng cho đến nay, trên diện tích hơn 3 ha cây xanh do anh chị trồng gần như phủ kín.

Chị Phan Thị Hoa (vợ anh Cao Huy Chương) trong vườn rừng khai hoang

Nhìn lứa keo gần 10 năm tuổi bên cạnh lứa 3 - 5 năm tuổi, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí và công sức của đôi vợ chồng trẻ năm nào. Nay mặc dù đã lên chức ông bà mà vẫn bám rừng, trồng cây như thời còn trẻ.

Thực hiện quyết định 3952 /QĐ-UB ngày 6/12/2013 của UBND Tỉnh Hà Tĩnh, năm 2014, UBND Huyện Hương Sơn có chủ trương thống kê đất chưa sử dụng để thực hiện giao đất cho tổ chức, cá nhân và cấp giấy CNQSDĐ rừng cho nhân dân, gia đình anh Chương đã làm đơn xin cấp giấy CNQSDĐ với nguyện vọng là được cấp giấy chứng nhận cho khoảnh đất, rừng mà gia đình đã bỏ công sức, tiền bạc để khai hoang, cải tạo từ năm 1990 đến nay.

Mặc dầu đã sử dụng đất từ 1990 đến nay nhưng Xã Sơn Hồng đã cho rằng đất của gia đình ông Cao Huy Chương và một số hộ dân khác ở Xã Sơn Hồng là đất chưa sử dụng nên đã tổ chức bốc thăm chia cho hộ dân khác. Thực chất, đây là đất đã được người dân quản lý, sử dụng nhưng chưa được cấp phép.

Ngày 6/3/2018, UBND Xã Sơn Hồng đã đến đóng cọc cưỡng chế lấy đất của gia đình ông Cao Huy Chương để giao cho gia đình ông Phạm Văn Thịnh.

Vườn rừng của anh Cao Huy Chương được trồng và khai thác theo hình thức cuốn chiếu

Ở Sơn Hồng, nhiều gia đình khác cũng bị thu hồi và giao đất như vậy. Thử hỏi chính quyền Xã Sơn Hồng và huyện Hương Sơn đã xác định đúng đâu là đất chưa sử dụng, đâu là đất đã sử dụng nhưng chưa được cấp "sổ đỏ"? Và xử sự như vậy liệu có công bằng khi chỉ cần một lá thăm, gia đình này đã chưa từng bỏ một giọt mồ hôi, bỗng nhiên có hẳn một khu đất mà gia đình khác đã hàng mấy chục năm khai hoang, bỏ tiền bạc, công sức trồng nên những cánh rừng xanh tốt?

Thấy việc làm hết sức bất công và thiệt hại đến quyền lợi, ông Chương đã phản đối và gửi đơn khiếu nại đến chính quyền Xã Sơn Hồng. Ngày 23/6/2017, UBND Xã Sơn Hồng có quyết định số 01/QĐ- XPVPHC xử phạt ông Cao Huy Chương 5 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính “Tự ý lấn chiếm, trồng keo trên đất rừng sản xuất…".

"Từ trước đến nay, Nhà nước luôn khuyến khích người dân khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm tăng độ phì nhiêu của đất và trồng cây phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc". Nếu nói là lấn chiếm đất thì ông Cao Huy Chương đã lấn chiếm đất từ năm 1990. Hồi ấy, hầu như đất đai ít người quan tâm mà ở vùng rừng như Sơn Hồng, Sơn Lâm của Huyện Hương Sơn thì người người chỉ chú trọng việc vào rừng chặt gỗ đem bán lấy tiền.

Theo quy định, hàng năm, chính quyền cấp xã phải thống kê diện tích đất do mình quản lý để có quy hoạch, kế hoạch phát triển đất. Không lẽ ngần ấy năm, chính quyền xã Sơn Hồng không biết ông Chương lấn chiếm đất? Đất rừng của Cao Huy Chương do khai hoang phục hóa, đã được sử dụng liên tục 28 năm qua, ổn định và không có tranh chấp. Nguồn vốn do cá nhân vợ chồng ông Chương bỏ ra để trồng rừng.

Cạnh rừng ông Chương còn có các hộ trồng rừng liền kề như hộ ông Phạm Hồng Quang, Nguyễn Sỹ Vinh, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Văn Thắng. Theo Quyết định 3952 QĐ-UB của UBND Tỉnh Hà Tĩnh về cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nói rõ quan điểm chỉ đạo là “…bảo đảm ổn định, hạn chế tối đa việc xáo trộn, tránh xung đột tranh chấp, dẫn tới khiếu nại tố cáo”. Quyết định này còn ghi rõ “đối với diện tích đất, rừng chưa được giao nhưng các hộ gia đình đang quản lý, sử dụng và diện tích đất hộ đã nhận khoán nay có nhu cầu tiếp tục xin được giao, sau khi xem xét kỹ các tiêu chí phù hợp thì thực hiện giao theo ranh giới, diện tích thực tế các hộ đang quản lý, sử dụng nhưng phải được sự thống nhất về ranh giới của các hộ liền kề và không được quá 30ha”.

Rừng keo vừa ươm lại của anh Cao Huy Chương

Tại Nghị định 43/2014 NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ cũng quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ tại khoản 1,2,3 và 4 điều 33 của Nghị định này mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì “phải được Văn phòng quản lý đất đai xác nhận có đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai”. Như vậy, đã quá rõ ràng, diện tích đất, rừng hiện tại mà ông Chương đang sử dụng thì việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Chương là hợp lý.

Từ năm 2014, đặc biệt là trong năm 2018, UBND xã Sơn Hồng và Hạt kiểm lâm Huyện Hương Sơn đã không dưới 20 lần gọi ông Chương lên làm việc. Từ một nông dân đáng được ghi công trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống nơi vùng sâu vùng xa, giờ đây cuộc sống của gia đình ông bị đảo lộn!

Thiết nghĩ, chính quyền xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn cần trả lại sự công bằng cho ông Cao Huy Chương để đem lại niềm tin cho dân.

Tác giả: KIM QUANG- THÀNH SEN

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP