Hương Sơn

Hương Sơn: Đu dây, kéo thuyền vượt sông Ngàn Phố

Hơn 50 năm qua, mỗi ngày người dân thôn Trung Lưu và Phố Tây, xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) lại phải đứng trên con thuyền cũ kỹ để người lái đò đu dây kéo thuyền chở qua sông.

Xã Sơn Tây có 14 thôn, trong đó thôn Trung Lưu và Phố Tây nằm ở rìa phía nam của xã, nơi có con sông Ngàn Phố chảy qua chia cắt với 12 thôn còn lại. Để đi sang UBND xã, chợ, trường học, thì người dân chỉ có một con đường độc đạo là đi thuyền qua sông Ngàn Phố.

Ông Trần Công Viên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tây cho biết, hai thôn Trung Lưu và Phố Tây có khoảng 200 hộ dân, đa số đều làm ruộng và làm đi rừng. Việc người dân dùng thuyền kéo tay vượt sông đã diễn ra từ năm 1960 cho tới nay. Trong thôn Trung Lưu có một điểm trường Tiểu học Sơn Tây với 4 giáo viên túc trực. Có hơn 50 em học sinh cấp hai và cấp ba ở hai thôn này hàng ngày phải vượt sông đến lớp.

Anh Trần Văn Có (36 tuổi, làm nghề kéo đò) cho biết, từ bờ bên này sang bên kia kéo rộng hơn 50 m, để qua sông dễ dàng hơn anh đã cắm cọc hai bên sông, giăng dây thừng để kéo thuyền. Hàng ngày anh chở hàng trăm lượt khách qua sông, phần đông là học sinh, người dân sang các thôn ở phía bắc để học tập, buôn bán.

“Sông này thời điểm mùa hè chỉ sâu hơn một mét, tuy nhiên vào mùa mưa lũ, nước dâng lên 7-8 m. Hầu như tuần nào cũng có người ngã xuống sông, do mực nước không quá sâu nên họ không nguy hiểm tính mạng. Có nhiều học sinh bị ngã cả người và xe dẫn tới xây xước, có em gãy tay”, anh Có nói.

Con thuyền mà anh Có dùng để chở khách được chính quyền xã cấp. Tuy nhiên, nó không có lan can, cũ kỹ, nhiều mảnh ván đã bung ra, bánh xe đạp, xe máy thường bị lọt xuống những khe hở của thuyền.

Chiếc dây thừng dùng để kéo đò phơi sương nắng nên nhanh bị đứt và hư hỏng. Cứ khoảng hơn một tháng là chủ đò phải thay một lần. Việc kéo dây chỉ cho phép lái đò thực hiện, hành khách không được vịn vào dây, nếu vịn không quen sẽ dễ bị ngã.

“Tôi làm nghề này cũng rất áp lực, mỗi khi có hành khách gặp nạn thì mình phải ứng phó tức thì. Nhiều khi thuyền bị mắc giữa dòng, tôi đã phải lội xuống đẩy thuyền. Đưa được một lượt khách qua sông là lòng tôi thấy nhẹ nhõm”, anh Có cho hay.

Đến trưa, chị Nguyễn Thị Huyền (26 tuổi, vợ lái đò) lại tranh thủ ra thay phiên đu dây kéo thuyền chở khách qua sông để chồng về nghỉ ngơi. Chị cho hay gia đình được người dân trả công mỗi năm 20 kg gạo cho công việc này.

Khi thuyền chở nhiều người, nước bị ngấm vào nên khó cập bờ, anh Có phải lội xuống chỉnh hướng để lai dắt thuyền vào bờ.

Trên đò cũng có một chiếc phao bằng nhựa dùng để ứng phó lúc gặp nguy nhiểm. Nhưng do thuyền không có lan can nên phao chỉ được đặt trên chiếc lều mà lái đò tự dựng lên để nghỉ ngơi.

Ông Trần Quốc Pháp, Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Hương Sơn cho biết, trước thực trạng người dân mạo hiểm vượt sông Ngàn Phố, chính quyền huyện cũng thấu hiểu và làm tờ trình lên tỉnh.

“Vào cuối tháng 4 vừa rồi tỉnh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng một cây cầu tràn qua đây, dự kiến cầu dài khoảng 100 m, bề rộng 8 m. Tuy nhiên, hiện tại chưa có kinh phí nên chưa ấn định thời gian khởi công”, ông Pháp thông tin.

Theo Đức Hùng Vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP