Cần Giúp Đỡ

Hương Sơn: Cần làm rõ nỗi oan ức của một cựu TNXP sau 14 năm bị cắt chế độ!

Bà Nguyễn Thị Nhàn (sinh năm 1955, hộ khẩu thường trú tại xóm 3, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Tham gia TNXP ngày 5-6-1972, thuộc đơn vị: C531; N53, P18, phục vụ các tuyến đường 21, 22 thuộc địa bàn Hà Tĩnh; năm 1975 bà xuất ngũ về địa phương.

Đến ngày 9-7-1996, bà được Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, hạng 4/4. Sau 14 năm hưởng chế độ thương binh, bỗng dưng ngày 19-5-2010. Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh lại ra Quyết định số 14/QĐSLĐTBXH về việc đình chỉ chi trả trợ cấp thương binh đối với bà Nhàn!?

hatinh24h

Theo tìm hiểu, thực hiện Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh… năm 1995, được sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách công tác chính sách xã hội xã Sơn Diệm, bà Nhàn làm 2 bộ hồ sơ kê khai đầy đủ, chi tiết theo mẫu qui định, có giấy tờ gốc và 2 người làm chứng; có xác nhận của UBND xã (lúc bấy giờ không qui định người làm chứng phải có lý lịch), có xác nhận đồng đội cũ thời TNXP nộp cho cán bộ xã và đã được các thành viên trong Ban chỉ đạo từ xã đến tỉnh đưa ra xét duyệt là đủ tiêu chuẩn, đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định công nhận bà Nguyễn Thị Nhàn được hưởng chế độ như thương binh.
Theo đó, hồ sơ của bà Nhàn gồm có: Bản giám định y khoa số 770, ngày 5-6-1996 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Hà Tĩnh ghi rõ tỷ lệ thương tật của bà Nhàn là: 22%, xếp hạng thương binh 4/4 và được hưởng chế độ thương binh kể từ ngày 1-1-1995. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì đến tháng 5-2010, bất ngờ bà Nhàn nhận được thông báo (bằng miệng) của cán bộ xã “bà đã bị cắt chế độ…”.
Khi được thông báo bị cắt chế độ thương binh, bà Nhàn nhận thấy đây là một việc làm hoàn toàn không bình thường. Buồn bực và bức xúc trước sự việc xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi, danh dự và uy tín đối với bản thân và gia đình bà, tháng 9-2010, nhờ một người giúp đỡ, bà Nhàn có đươc tờ Quyết định trên tay. Khi đọc đến hàng chữ (hồ sơ làm thủ tục hưởng chế độ không có giấy tờ tham gia thanh niên xung phong, người làm chứng chỉ có bản khai không có lý lịch của 2 người làm chứng và UBND xã chỉ xác nhận chữ ký của người làm chứng,không xác nhận về nội dung làm chứng), bà Nhàn phát hiện nội dung !uyết định nêu trên là thiếu chặt chẽ, không có căn cứ và hết sức phi lý…
Theo bà Nhàn những điểm phi lý là: Nếu xét về qui trình làm việc thì trước khi làm thủ tục hồ sơ để hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 28/CP của Chính phủ qui định, bản thân tôi đã khê khai rất đầy đủ thời gian, năm công tác và nộp các loại giấy tờ “gốc” tham gia TNXP cho ông Phạm Quang Đa-Phó chủ tịch UBND xã Sơn Diệm lúc bấy giờ, để tổng hợp-báo cáo lên Phòng LĐTBXH huyện và Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nếu thời điểm xây dựng hồ sơ (năm 1995) tôi mà còn thiếu một trong các loại hồ sơ như nội dung Quyết định đã thông báo, thì cớ làm sao Ban chỉ đạo từ xã Sơn Diệm đến Phòng LĐTBXH huyện Hương Sơn vẫn đưa hồ sơ của tôi vào danh sách xét duyệt?
“Còn nếu xét về góc độ pháp lý thì khi hồ sơ cá nhân không đủ các điều kiện hợp pháp theo qui định của pháp luật, thì không biết Hội đồng xét duyệt người có công dựa vào đâu để đưa ra kết luận là hồ sơ của tôi đủ điều kiện được hưởng chế độ theo Nghị định 28?” – bà Nhàn đặt câu hỏi.
Tìm hiểu của PV, khi có kết quả giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa, thì Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh mới có đủ căn cứ pháp lý để ra Quyết định công nhận thương binh hạng 4/4 đối với bà Nhàn. Như vậy, việc ra Quyết định thông báo đình chỉ chi trả chế độ của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh đối với bà Nguyễn Thị Nhàn như vậy đã hợp lý hay chưa, trách nhiệm quản lý hồ sơ dẫn đến sai sót, thất lạc giấy tờ của công dân thuộc về ai, hiện nay cơ quan nào đứng ra giải quyết vấn đề trên vẫn chưa được làm rõ?
Theo bà Nhàn cho biết, suốt một thời gian dài bà đang hưởng chế độ thương binh, nhưng từ một Kết luận của thanh tra Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh mới phát hiện ra bộ hồ sơ của bà Nhàn “có vấn đề”. Nhưng khi người dân kêu oan, viết đơn đề nghị năm lần, bảy lượt gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, Bộ LĐTBXH xin được phúc tra lại hồ sơ, để bà Nhàn xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến Quyết định đã thông báo, nhưng Sở LĐTBXH Hà Tĩnh chỉ trả lời: “Đã bị cắt rồi, không giải quyết được nữa”!
Thiết nghĩ, với trả lời của vị cán bộ của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh như vậy là không có trách nhiệm với người dân. Báo CCB Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh sớm quan tâm giải quyết vụ việc trên theo qui định của pháp luật để người dân tâm phục, khẩu phục!
Minh Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP