Tin Hà Tĩnh

Hương Khê - Hà Tĩnh: Bức xúc vì chủ tịch huyện đòi phá cao su để chăn nuôi bò

Hàng trăm héc ta cao su của Công ty MTV Cao su Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) đang thời đỉnh cao khai thác mủ thì tự nhiên ông Chủ tịch UBND huyện Hương Khê ký văn bản đề xuất phá cao su, thu hồi đất để cho một doanh nghiệp khác thực hiện dự án chăn nuôi bò.

Công văn có “nội dung lạ”

Hơn 1 tháng nay, hầu hết cán bộ, công nhân Nông trường cao su Hàm Nghi thuộc Công ty MTV Cao su Hà Tĩnh hết sức hoang mang khi lãnh đạo huyện Hương Khê nhiều lần dẫn đoàn doanh nghiệp đến tận các lô cao su đang vào mùa thu hoạch chỉ trỏ hết lô này sang lô khác.

Qua tìm hiểu, PV Nhadautu.vn được biết, ngày 11/6/2019, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê ký công văn gửi UBND tỉnh và Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh có nội dung: Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Hương Khê.

Rừng cây cao su 20 năm tuổi đang rộ mùa thu hoạch

Cụ thể, nội dung công văn nêu rõ: “Qua kiểm tra, khảo sát vùng đất đủ điều kiện để xây dựng trang trại phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại tiểu khu 240, 241B thuộc địa bàn các xã Hương Vĩnh, Hương Xuân 342ha, trong đó đất do Tổng Công ty cao su Hà Tĩnh quản lý khoảng 300ha, còn lại 42 ha là đất ở, đất lâm nghiệp và trồng cây hàng năm của một số dân thuộc xã Hương Vĩnh”.

Dư luận thắc mắc, không hiểu lý do gì mà ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê lại muốn lấy 342 ha rừng kinh tế đầu nguồn sông Tiêm để giao cho một doanh nghiệp khác, trong lúc tỉnh và ngành nông nghiệp chưa hay biết gì về chủ trương này, đặc biệt chủ rừng là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (?).

Phá cao su nuôi bò - lợi bất cập hại

Cây cao su bén duyên trên đất Hà Tĩnh từ những năm đầu thập kỷ 90, đã chứng tỏ được hiệu quả về kinh tế - xã hội cũng như môi trường. Việc trồng cây cao su là một thành công lớn trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế rừng của địa phương. Sau thời gian triển khai, cây cao su hoàn toàn thích nghi được với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt hiệu quả kinh tế thu được cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Công văn của chủ tịch UBND huyện Hương Khê gửi UBND tỉnh và Sở KH & ĐT

Ông Đặng Bá Thức - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, nguyên Chi cục trưởng Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, thời kỳ Hà Tĩnh còn khó khăn, nhờ có dự án cao su về đầu tư trên vùng núi Hà Tĩnh nên đa số diện tích đất trống, đồi trọc bỏ hoang, đất lâm nghiệp nghèo, rừng trồng kém hiệu quả được phủ xanh bằng cao su. Đến nay Bộ NN&PTNT công nhận, cao su là cây đa mục tiêu, ngoài kinh tế thu hoạch mủ, cao su còn có giá trị môi trường sinh thái rất lớn. Bởi với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhiệt độ tại Hương Khê có lúc lên tới 45-48 độ C, nếu chặt bỏ cả vườn cao su hàng trăm ha khép tán đầu nguồn để trồng cỏ nuôi bò, coi như “bán lá phổi xanh” là rất khó được chấp nhận.

Hơn nữa, tiểu khu 240, 241B nằm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, nếu chặt phá, cạo trọc toàn bộ cả rừng cao su bạt ngàn để trồng cỏ, nuôi 12.000 con bò (như nội dung công văn Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đề xuất), sẽ gây hậu quả ô nhiễm môi trường khủng khiếp cho cả khu vực và 2 con sông Tiêm, sông Ngàn Sâu.

Các bên liên quan nói gì?

Ông Nguyễn Trần Thành - Giám đốc Nông trường cao su Hàm Nghi cho biết, đơn vị được Công ty giao quản lý bảo vệ 640ha cao su, trong đó số diện tích khai thác chủ yếu tại 2 tiểu khu 240, 241B thuộc địa bàn 2 xã Hương Vĩnh, Hương Xuân. Đây là 2 nông trường đóng góp sản lượng mủ đạt gần 1/3 sản lượng mủ của cả Công ty, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 126 công nhân và tạo việc làm cho gần 30 hộ nông dân nhận khoán vườn cây.

“Khi thấy ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch huyện đưa người vô đòi chặt phá cả rừng cây cao su của chúng tôi để trồng cỏ nuôi bò, tất cả công nhân chúng tôi đều hoang mang, lo lắng”, vị Giám đốc Nông trường cao su Hàm Nghi nói.

Công nhân Nông trường cao su Hàm Nghi đang thu hoạch mủ cao su

Nhiều người tại Công ty MTV cao su Hà Tĩnh cho rằng, không hiểu lãnh đạo huyện Hương Khê nghĩ sao khi Công ty được giao đất 50 năm, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước, sử dụng đất hiệu quả, đến 31/12/2050, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam mới hết hạn thuê đất. “Họ cứ ngang nhiên đưa người vào đi hết nông trường này đến nông trường khác chỉ trỏ khảo sát gì đó mà Công ty chúng tôi không hề biết, lực lượng bảo về chúng tôi định đuổi ra khỏi vườn cây, nhưng vì trong đoàn đi có ông Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê nên thôi”, một bảo vệ của Công ty MTV cao su Hà Tĩnh nói.

Trao đổi với PV Nhadautu.vn, một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, chỉ mới nghe thông tin, còn chưa thấy chủ trương nào của tỉnh cho chuyển đổi từ dự án cao su sang dự án nuôi bò nên chưa có ý kiến gì.

Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định, tỉnh chưa hề có chủ trương. Bởi nếu Hương Khê có ý định thu hút đầu tư từ dự án nuôi bò thì nên tạo quỹ đất từ khoảng 3-5 ha bảo đảm môi trường, đồng thời vận động nông dân trồng cỏ nuôi bò. “Còn nói về chặt bỏ cả rừng cao su đầu nguồn nơi xung yếu để trồng cỏ nuôi bò là không, bởi bài học đắt giá từ Dự án nuôi bò Bình Hà đã gây ra nhiều hệ lụy, gây thiệt hại đối với tỉnh, với nông dân khi dự án đổ vỡ để lại hậu quả xã hội”, vị lãnh đạo nói.

Được biết, quan điểm của nhà đầu tư (Công ty Cổ phần sữa Việt Nam) chỉ triển khai dự án khi nếu là đất, tài sản trên đất của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thì phải được lãnh đạo Tập đoàn đồng ý và lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận. Cùng đó là dự án không gây phương hại đến an sinh xã hội của tỉnh nói chung và huyện Hương Khê nói riêng.

Bài học đắt giá từ dự án bò Bình Hà

Người dân Hà Tĩnh chắc đang còn “ngấm đòn” bài học chặt phá hàng trăm ha cao su để nuôi bò tại Dự án chăn nuôi bò Bình Hà xảy ra tại 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Theo đó, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt, quy mô 33.000 con/lứa, do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư. Đây được coi là dự án chăn nuôi có quy mô, đầu tư "khủng" nhất của Hà Tĩnh với nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, dự án này đã đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Hàng trăm ha trước đây phủ kín rừng cao su, rừng trồng, rừng tự nhiên nay đã bị cạo trọc để trồng cỏ, chuồng trại chỉ nhốt vài chục con bò ốm yếu. Đặc biệt nghiêm trọng, toàn bộ nguồn nước đầu nguồn phục vụ sinh hoạt cho hơn 5.000 hộ dân thị trấn Cẩm Xuyên và vùng phụ cận bị ô nhiễm.

Vì đầu tư vội vã đã để lại hậu quả nặng nề, khủng khiếp đối với Hà Tĩnh. Nhiều lãnh đạo Công ty Bình Hà đã lần lượt dắt tay nhau vào tù, kéo theo là hàng trăm công nhân cao su mất việc làm, tài sản máy móc thiết bị được đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng phơi nắng, phơi mưa, hàng ngàn ha đất lâm nghiệp bị bỏ hoang hóa, nạn cướp đất, hôi của ngày một gia tăng.

Tác giả: Nhóm PV miền Trung

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP