Kinh tế

Hương Khê: Dần gỡ “nút thắt” Dự án xây dựng chợ Sơn

Sau hơn 2 thập niên đưa vào sử dụng, chợ Sơn (thị trấn Hương Khê) đã xuống cấp trầm trọng. Từ năm 2009, dự án xây mới chợ Sơn đã được đưa ra bàn bạc, xem xét. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các hộ kinh doanh nên từ đó đến nay, dự án vẫn dẫm chân tại chỗ. Hiện tại, “nút thắt” đang dần được gỡ khi nhiều hộ tư thương “thông suốt” với phương án xây dựng chợ mới.

Dần gỡ “nút thắt” Dự án xây dựng chợ Sơn

Bẩn thỉu, nhếch nhác là cảm nhận của nhiều người khi đến chợ Sơn.

Sau hơn 20 năm (từ 1992), chợ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng, nhếch nhác, cũ kỹ. Bức tường trên đình rêu mốc bao phủ. 614 hộ kinh doanh tại đây buôn bán trong điều kiện dột nát và ẩm thấp, đặc biệt là mùa mưa bão. Hệ thống thoát nước không hoạt động khiến toàn bộ rác thải của chợ đổ về khu vực hàng cá. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; mùa mưa, lầy lội, bẩn thỉu. Dù được coi là “siêu thị” của 21 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Khê nhưng cả người mua lẫn người bán đều không tránh khỏi tâm trạng lo lắng về nguy cơ mất an toàn khi bước chân vào chợ.

Năm 2009, lãnh đạo huyện Hương Khê trong chuyến “vi hành” vào phía Nam đã “ngỏ lời” với chủ doanh nghiệp (DN) – Công ty Xăng dầu Phúc Lợi Bình Dương (quê Hương Khê) về phương án đầu tư xây dựng chợ Sơn. Dự án xây dựng chợ được lập với tổng mức đầu tư ban đầu 60 tỷ đồng, sau đó nâng lên hơn 100 tỷ đồng. Sau nhiều lần tổ chức họp bàn, nhà đầu tư vẫn không thể triển khai vì vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra thuê đất, xây chợ rồi bán lại thì phần thiệt vẫn thuộc về người mua, bởi mức giá cao hay thấp là do họ định đoạt. Các hộ kinh doanh mong muốn việc xây chợ nhất thiết phải có sự “chống lưng” của chính quyền địa phương; hay nói cách khác là có vai trò “bảo hộ” của Nhà nước.

Trong số những người phản đối xây dựng chợ có một số xuất phát từ lợi ích cá nhân và cả lợi ích nhóm; một số hộ kinh doanh nhưng hợp đồng đã hết hạn từ lâu; số khác có liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng thiếu rõ ràng của các tổ chức đã được các cấp có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất… Sau những cố gắng bất thành, Công ty Xăng dầu Phúc Lợi đã đồng ý để tỉnh rút giấy phép đầu tư.

Phương án xây dựng chợ Sơn theo hình thức khác bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là các tiểu thương. Theo đó, UBND tỉnh đồng ý cho huyện Hương Khê lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư tự bỏ vốn và Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh sẽ cho DN vay vốn để triển khai xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Mặc dù, chưa có quyết định cụ thể, nhưng qua thăm dò, đã có 3 DN có ý định đầu tư xây dựng chợ Sơn. Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê – Lê Hữu Thái cho rằng: “5 năm trước, tiềm lực của DN ở Hương Khê còn hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai xây dựng chợ trên 100 tỷ đồng không nằm ngoài tầm của nhiều DN”.

“Sau khi chợ Sơn xây dựng xong, phương án quản lý sẽ được thực hiện theo 2 hướng: Thành lập HTX quản lý dưới sự chỉ đạo của UBND thị trấn hoặc do DN quản lý. Tất nhiên, chính quyền sẽ tham gia điều hành”, ông Thái cho biết thêm.

Đó cũng là yếu tố khiến các hộ tư thương yên tâm và nhận được sự đồng thuận cao hơn nhiều so với phương án cũ.

Theo tính toán, khi huyện Hương Khê chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, quý I/2015, huyện sẽ bắt tay GPMB để triển khai xây chợ mới. “Khó vạn lần dân liệu cũng xong” chính là yếu tố tiên quyết và là nền móng để Hương Khê bứt phá.

Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP