Địa Chí Hà Tĩnh

Hồng Lam: Hoang vắng làng ốc đảo

Thôn Hồng Lam thuộc xã Xuân giang-  huyện Nghi Xuân, nằm giữa dòng sông Lam như một ốc đảo đã hơn 300 năm nay. Dù chỉ cách thành phố Vinh vài ba trăm mét, nhưng để đến được làng, chúng ta phải đi ngược về thị trấn Nghi Xuân khoảng 10 KM và cách duy nhất là đi từ bến đò Xuân Giang trên con thuyền nhỏ này.

Ngày xưa ở làng dân cư đông đúc, là nơi buôn bán tấp nập, tàu thuyền vào ra thường xuyên. Sau nhiều trận lũ lụt, đất đai bị xâm thực sạt lở, nhà cửa bị cuốn trôi thì làng ốc đảo trở nên hoang vắng theo thời gian.

Ngày xưa đông đúc…

Làng đảo Hồng Lam mùa lũ

Xuống đò, lội qua mấy con đường ngập nước đầy bùn đất và rác rưởi, chúng tôi đến nhà ông Ngô Thăng 93 tuổi và bà Nguyễn Thị Em 90 tuổi là cặp vợ chồng cao tuổi nhất làng. Bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu thời gian ông bà sống ở làng Hồng Lam này. Dù không còn minh mẫn nhưng các cụ vẫn không quên ký ức ngày xưa. Ông Ngô Thăng, thôn Hồng Lam tâm sự:Tui sống ở đây từ khi sinh ra, ông bà xưa nói đầu tiên làng do 4 người đến đây ở, làm nhà, sinh con cháu  sau thành 4 dòng họ và ngày càng đông, nhưng giờ cứ theo nhau đi làm  ăn vì ở làng gìơ không có nghề nghiệp chi. Tui cũng buồn quá, bà nhà tôi cứ đòi đi trung tâm dưỡng lão nhưng tui không đi được.”

Trước những năm 1990, dân số của làng trên 2.300 người, gần 330 hộ, chủ yếu gắn bó với công việc chài lưới, dệt chiếu cói, buôn bán trên sông nước và từng nổi tiếng có đặc sản Rươi- 1 món ăn ngon bổ dưỡng gắn với địa danh Bến Giang Đình từng đi vào câu ca: Ai về bến nước Giang Đình / Nhớ mùa vỏ quýt cho mình muối Rươi.

                               

                                 Phương tiện duy nhất để đến làng đảo Hồng Lam là đò Ngang

Hồng Lam còn được lưu vào sử sách là vùng đất anh hùng, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với địa hình hiểm trở, làng là nơi để tập kết lực lượng, cất giấu đạn dược, lương thực. Trong Chién tranh làng có 40 liệt sỹ, 26 thương binh, nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng. Con số này đủ để khẳng định người dân Hồng Lam yêu nước đến mức nào.

                                 

                                             Cảnh họp chợ tại thôn Hồng Lam

Hôm nay đến Hồng Lam, đi trên những con đường làng vắng bóng người, hầu như nhà nào cũng cửa đóng then cài, vườn tược bỏ hoang, thưa thớt mới thấy vài ngôi nhà có chủ…Theo sổ đăng ký hộ khẩu, hiện thôn Hồng Lam có 199 hộ, 586 nhân khẩu. Con số thực cư trú tại thôn có thể còn ít hơn, bởi nhiều người đang có hộ khẩu nhưng quanh năm đi làm ăn xa. Với 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân chỉ trồng được 2 loại cây chính là Cói và Lạc, nhưng sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên khắc nghiệt.

                                 

                                     Nghề dệt chiếu truyền thống của làng đang dần bị mai một

Ngày trước, cây cói sản xuất ra làm nguồn nguyên liệu tại chỗ để bà con dệt chiếu cung cấp cho nhiều nơi. Nhưng nay chiếu cói Hồng Lam không so được với chiếu Trúc, chiếu nan nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan nên nghề dệt chiếu một thời vang tiếng đang bị mai một dần, có chăng chỉ dệt để sử dụng trong gia đình thôi. Sau vụ thu hoạch bà con lại đưa cói theo đò sang sông bán đi nơi khác với giá bấp bênh, nên dù được mùa người dân cũng khó nghĩ đến chuyện làm giàu.

Giữa bốn bên sông nước mênh mông, cuộc sống của người dân ốc đảo lam lũ, vất vả, khó khăn đủ bề khiến con người phải vượt sông mưu sinh xa xứ. Giờ đây trong làng hầu hết còn người già, hoặc trung niên, lớp trẻ thì rất ít, chỉ là những em học sinh. Ông Nguyễn Văn Phong- thôn trưởng thôn Hồng Lam cho biết: Thú thật từ năm 2010 trở về trước hơn 10 năm làng không có 1 đám cưới nào, buồn tẻ đến nỗi bà con thèm nghe một tiếng nhạc đám cưới cũng không có. Trong 3 năm gần đây một số gia đình tương đối khá có tổ chức cưới nhẹ cốt để cô dâu chú rể trình làng. Xong rồi vợ chồng họ lại dắt díu nhau vào nơi lập nghiệp mới tổ chức lễ cưới chính”

 Thêm tuổi làng thêm vắng lặng

Cả làng ốc đảo có duy nhất 1 chợ cóc chứ không có thêm 1 loại hàng quán, dịch vụ gì. 4 người phụ nữ này ở bên đất liền, sáng sớm ngày nào cũng theo đò đưa hàng hoá, thực phẩm sang làng phục vụ nhu cầu của người dân Hồng Lam.

 Từ bến đò đi vào làng khoảng 600 mét là một ngôi trường đẹp và cũng là ngôi nhà 2 tầng duy nhất trong làng, công trình do Bộ Công An đầu tư xây dựng năm 2002, vừa phục vụ dạy học, vừa là nơi lánh nạn của bà con trong mùa bão lũ. Ngày trước thôn có gần 300 học sinh THCS, Tiểu học và Mầm non. Năm học này trường Mầm non có 11 cháu 3 tuổi và 4 tuổi, Trường Tiều học có 15 học sinh, Lớp 5 nhiều nhất có 4 học sinh, Lớp 3 có 2 học sinh, lớp 1 có 1 học sinh. Cách trường không xa là trạm xá của làng, vì chưa có bác sỹ nên thôn hợp đồng 1 y sỹ về hưu đã 70 tuổi, nhân dân đóng góp mỗi người 10.000 đồng/ tháng để trả lương cho y sỹ, đó là một thực tế diễn ra đã nhiều năm nay ở thôn Hồng Lam.

Ai một lần đến với ốc đảo này chắc sẽ không khỏi băn khoăn, tuy gần thành phố Vinh, sát 2 thị trấn của huyện Nghi Xuân nhưng cuộc sống người dân nơi đây còn khó khăn gấp nhiều lần so với các đơn vị vùng sâu, vùng xa đang được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Những ngày nắng ráo, đường làng vốn đã vẳng vẻ, huống gì những ngày ngập lụt càng không một  bóng người. Chỉ có bến đò là nơi mọi nguời tập trung nhiều nhất, những người đi lại trên những chuyến đò này họ đang cố bám trụ với ngôi làng xưa, nơi chôn rau cắt rốn và chính họ đang mơ về 1 cây cầu nối liền ốc đảo với làng quê Nghi Xuân đang từng ngày đổi mới.

Với địa thế cách trở, giao thông đi lại khó khăn, thiên nhiên tàn phá, cuộc sống khó khăn, nên không khó để lý giải thực trạng vì sao người ta lại ồ ạt rời khỏi ngôi làng đã có lịch sử trên 300 năm này.

Thanh Huyền- Hồng Quang (Theo Nghixuan)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP