Người đương thời

Hơn 30 năm tìm mộ người yêu

Sau bốn năm đi thanh niên xung phong, anh tiếp tục ra chiến trường với lời hẹn ước "sau ngày chiến thắng, đất nước thống nhất hai người cưới nhau". Thế rồi, anh hy sinh ở chiến trường, chị (Phùng Thị Huệ – thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) quên tuổi thanh xuân, quên hạnh phúc riêng mình, sắt son chung thuỷ lời thề, ở một mình và đi tìm mộ anh.

Trong căn nhà cấp bốn bé nhỏ bên chân đê Hội Thống, khi nhắc về những kỷ niệm những năm tháng đi thanh niên xung phong hào hùng và lãng mạn, chị Huệ ngồi lặng thinh, trầm ngâm một hồi lâu, những kỷ niệm xen lẫn ưu tư ùa về trong chị.



Năm 1968, chị Huệ vừa tròn 16 tuổi, viết đơn khai thêm hai tuổi rồi gò lưng đạp xe lên Huyện đoàn Nghi Xuân xin gia nhập thanh niên xung phong. Đơn của chị được chấp thuận. Chỉ mấy tuần sau, chị khoác ba lô lên đường gia nhập đoàn 557, C18, N55, sau hơn một tuần vượt núi Hồng, theo bìa rừng Trường Sơn qua phà Long Đại trú quân ở phía nam bờ sông Gianh.



“Dưới mưa bom, bão đạn, thanh niên xung phong chúng tôi lúc ấy đang tuổi thanh xuân, hồn nhiên, không hề biết sợ hãi, suốt ngày làm việc không ngơi tay, lấp hố bom giải phóng đường cho từng chuyến xe nối đuôi nhau vào tiền tuyến. Rồi những lúc rảnh rỗi, tôi đi diễn văn nghệ, bắt gặp ánh mắt anh Đặng Xuân Thọ – cùng đơn vị, đượm nhìn, hai người cùng bối rối, ngượng ngùng. Hai chúng tôi thường chỉ biết trộm nhìn nhau, và ra sức thi đua lao động. Mối tình của chúng tôi bắt đầu từ tình đồng chí như thế”- chị Huệ bồi hồi nhớ lại.



Sau bốn năm đi thanh niên xung phong, chị Huệ bị thương ở đầu nên phải trở về quê tham gia công tác đoàn, còn anh Thọ ra nhập học Trường trung học Hàng Hải – Hải Phòng. Hơn một năm sau mẹ và em trai anh Thọ bị trúng bom và mất ở quê nhà. anh Thọ xếp bút nghiên, lên đường ngập ngụ vào chiến trường B.



“Ngày ấy tôi đi sang thị xã Vinh (TP.Vinh ngày nay), tại phà Bến Thuỷ qua dòng sông Lam, tình cờ gặp anh Thọ trên đường hành quân tiến vào Nam. Anh chỉ kịp nói với tôi: “Anh đi. Ba, bốn năm nữa đất nước thống nhất anh về, em ở nhà chờ anh nhé”. Tôi nghẹn lòng nước mắt tuôn đáp lại: “Ba năm, năm năm, hai mươi năm hay cả cuộc đời, em vẫn chờ anh về”.


Ảnh minh họa

Trong căn nhà đơn sơ, chị Huệ luôn thắp hương cầu mong tìm thấy mộ của người yêu -l iệt sỹ Đặng Xuân Thọ


Từ chiến trường, anh vẫn biên thư về cho tôi, vừa nói lời yêu thương son sắt vừa kể những thành tích anh vừa lập được. Có người bạn bị thương trở về, anh còn gửi cho tôi hai chiếc gối có thêu hình con chim, lưỡi trăng và mấy mét vải. Năm đầu anh ở chiến trường, chúng tôi biên cho nhau 21 lá thư, năm tiếp theo hoàn toàn mất liên lạc”- chị Huệ vừa nhìn di ảnh anh Thọ trên bàn thờ vừa kể.



Ở hậu phương, chị Huệ tích cực tham gia công tác đoàn và lao động sản xuất trong Hợp tác xã nông nghiệp. Chị mỏi mòn mong nhớ chờ ngày chiến thắng anh sẽ trở về cùng chị xây dựng gia đình.



Ngày đất nước sắp thống nhất, gia đình chị Huệ nhận được giấy báo tử liệt sỹ Phùng Thanh Bình – em trai chị, tiếp đó lại nhận được tin từ gia đình anh Thọ là đã nhận được giấy báo tử của anh. “Lúc đó, tôi sụp đổ xuống, nằm bất động, không ăn uống mấy ngày liền, khóc cũng không ra tiếng nữa. Nhưng rồi được sự động viên của mọi người, tôi gượng dậy và đứng lên”.



Năm tháng trôi qua, bố mẹ thúc giục đi lấy chồng, nhiều chàng trai đến ngỏ lời, nhưng chị Huệ đều khước từ. Bỏ qua tuổi xuân thì của mình, chị Huệ xin bố mẹ ra ở riêng một mình bên bờ sông Lam, sống bằng hồi ức, kỷ niệm với 21 lá thư để lại và ghi chép những trang nhật ký, chung thuỷ chôn chặt tình yêu và hứa trong long sẽ tôn thờ và đi tìm mộ anh.



Năm 1989 cơn lũ lịch sử ập đến, xói lở bờ sông Lam, cuốn hết tất cả nhà và vườn đất ở. Chị Huệ thoát chết, nhưng trắng tay. Chị lại gượng dậy, đi bán cá gom góp tiền cất căn nhà bé nhỏ chỉ vừa đủ cho một mình chị ở và đặt bàn thờ di ảnh anh Thọ.



Những lúc tích cóp từ gánh cá biển đi bán trong làng đủ tiền lộ phí vào Nam, chị Huệ lại lần theo những lá thư từ chiến trường gửi về và tấm giấy báo tử: “Liệt sỹ Đặng Xuân Thọ, nguyên quán Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; chức vụ Trung đội trưởng, đơn vị thuộc NB, huy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía Nam; thi hài mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”, đội vành nón tang, đi tìm mộ anh.



Trong cuốn nhật ký của chị ghi những câu thơ ưu tư chân chất nỗi niềm:



“Người ta để tang, để tang có hạn./Còn em đây tang hận tang hờ./Duyên kia nhãn lệ bơ vơ./ Thân em chiếc bóng đợi chờ khoảng không./Anh đi vì quê hương nên sống./ Máu hiên ngang dòng máu phi thường./Tình kia anh đoái anh thương./Phương trời giữ gót quê hương tìm về./Tìm đồi thông xưa kia hẹn ước./Tìm đồi thông ngày trước hẹn hò./Tìm người chung một con đò./Sông sâu biển cạn dặn dò có nhau./ Tìm người biết vàng thau phân biệt./Kiếp hoa đời ngắn ngủi cùng cam…”



Chừng hơn 10 năm qua, sau khi bố anh Thọ già yếu, ra đi, gia cảnh lại thiếu hơi người trông nom, vào những ngày rằm, lễ, tết… chị Huệ lại mua hương, mua đồ đến thắp thương ở từ đường, tự mình chăm sóc hương khói coi như con dâu đầu trong gia đình anh Thọ.



Suốt hơn nửa cuộc đời, chị Huệ đã đặt bước chân bé nhỏ của mình khắp nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Việt-Lào… và bìa rừng Trường Sơn đi tìm mộ anh Thọ.



Nay chị Huệ đã bước vào tuổi 59, những lúc trở trời vết thương chiến tranh trên đầu lại đau nhức. Chị nói: “Chưa tìm được mộ anh Thọ, tôi còn day dứt. Tôi ước mong tích trữ đủ tiền về sửa lại căn nhà thờ sập sệ vì mưa bão bên gia đình anh, nhưng với trợ cấp 370 nghìn đồng một tháng, đến nay tôi chưa thực hiện được”.



Ngày ngày, tối tối, chị tiếp tục, cần mẫn xem ti vi, nghe đài, đến chuyên mục nhắn tìm đồng đội, chị lại lắng xem và ghi chép. Lòng chị son sắt một tình yêu chung thuỷ với người yêu đã hy sinh, chỉ mong đến một ngày tìm được mộ anh.



Nguyên An

VNM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP