Giáo dục

Học sinh ở nông thôn ăn ít rau hơn học sinh thành phố

Học sinh tiểu học ở thành thị bình quân ăn 102 g các loại rau mỗi ngày, cao hơn gần gấp đôi học sinh nông thôn.

Học sinh Việt Nam đang đối mặt với cả hai vấn đề là suy dinh dưỡng - thấp còi và thừa cân - béo phì, nguyên nhân cơ bản từ khẩu phần ăn ở nhà và trường học chưa được cân đối. Phó giáo sư Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết như vậy tại hội thảo "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em", chiều 1/8.

Theo phó giáo sư Ninh, nhiều cha mẹ chỉ cần nhìn thấy bữa trưa ở trường của con có đủ thịt, cá, rau và đồ tráng miệng là hài lòng, mà chưa để ý trẻ ăn có đủ dinh dưỡng hay không. Ở nhà, phụ huynh lại để trẻ ăn theo sở thích, như ăn quá nhiều thịt, tinh bột, ăn ít và thậm chí không ăn rau xanh. Chế độ ăn này khiến trẻ thừa cân song thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, i-ốt và nhiều loại vi chất khác.

54,5% trẻ em thành phố thiếu kẽm và 8,2% thiếu vitamin A, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 60% và 13%. "Điều này dẫn đến nguy cơ tăng trưởng chiều cao chậm, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường", ông Ninh nói.

Bữa ăn học đường cần tăng cường rau quả, chất xơ, giảm muối và đường. Ảnh: Hoài Nhơn.

Phó giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết học sinh tiểu học ở thành thị ăn bình quân 102 g rau các loại một ngày, cao hơn học sinh nông thôn (63 g/ngày). Các loại hải sản (trừ cá), học sinh thành thị cũng ăn nhiều gần gấp đôi trẻ nông thôn (15,4 g so với 8,55 g). Lượng tiêu thụ thịt, trứng sữa ở học sinh thành thị cũng nhiều hơn hẳn. Ngược lại, đường/bánh kẹo, đồ uống công nghiệp... thì học sinh nông thôn lại ăn nhiều hơn.

Phó giáo sư Mai cho rằng khẩu phần ăn của học sinh tiểu học hiện nay đáp ứng cao hơn nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và protein. Trong khi, khẩu phần ăn của học sinh THCS lại chưa đạt so với nhu cầu khuyến nghị về năng lượng, khẩu phần canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B và vitamin C. Học sinh hiện song song tồn tại tình trạng thiếu dinh dưỡng và thừa cân béo phì.

"Bữa ăn học đường cần tăng cường rau quả, chất xơ, các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống tốt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao", bà Mai khuyến nghị.

Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, khuyên năng lượng của bữa trưa ở trường nên chiếm 30-40% tổng nhu cầu năng lượng cả ngày. Bữa ăn cần đa dạng, ít nhất có 5 trong 8 nhóm thực phẩm, trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Bữa ăn nên phối hợp cả hai nguồn đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...) và đạm thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc...).

"Cần sử dụng dưới 4 g muối một ngày với học sinh tiểu học và 5 g với THCS. Luôn sử dụng muối iod trong chế biến món ăn. Lượng đường chỉ khoảng 10% giá trị năng lượng nạp mỗi ngày. Lượng đường đã tinh chế sử dụng trong bữa trưa không nên vượt quá 5 g", ông Sơn nói.

Tác giả: Lê Nga

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP