Giáo dục

Học bổng “Ngăn dòng bỏ học cho học sinh – sinh viên vùng lũ” Hà Tĩnh: Cô học trò ngóng mẹ

Trong căn nhà lá dột nát, Lê Thị Nga (xóm Đô Vịnh, Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vừa cặm cụi nấu cơm vừa tranh thủ ôn bài. Khó có thể tưởng tượng cô học trò nghèo ấy đang chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Nga không có cha, người mẹ bị bệnh tâm thần đã sinh ra em trong vô thức giữa những ngày đi lang thang ở Sài Gòn. Khi Nga được gần 1 tuổi thì bà ngoại và dì ruột biết tin đưa hai mẹ con về quê. Nhưng chỉ được vài tháng mẹ Nga lại bỏ nhà đi lang thang. Và cứ thế Nga lớn lên không có cha và ký ức về mẹ là những ngày bà lên cơn đập phá đồ đạc, châm lửa đốt nhà, đuổi đánh ngoại chạy khắp làng.


Một số phận bầm giập


Về người mẹ lang thang


Mẹ Nga tên Lê Thị Lục (sinh năm 1966) hiện lang thang không có tin tức. Mỗi khi lên cơn bà thường lao ra đường chặn xe cộ hoặc đập phá đồ đạc nên hay bị người ta đánh. “Nếu các chú có viết bài thì giúp cháu nhắn ai có tin tức về mẹ Lục báo tin cho bà cháu với. Mẹ cháu lúc nào cũng lẩm bẩm câu con tôi sướng lắm, chúng nó được sống ở nhà cao tầng”.


Từ nhỏ Nga sống với ông bà ngoại. Vì chữa bệnh cho mẹ mà ông bà phải bán hết nhà cửa và tài sản. Đến khi ông mất, bà dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn làm lụng vất vả, ai thuê gì cũng làm để có tiền nuôi cháu ăn học.


Đưa tay quẹt vội những giọt nước mắt chảy trên gò má, Nga bảo: “Nhiều lúc em cũng muốn nghỉ học đi làm để bà đỡ khổ, nhưng cứ nghĩ đến lời bà dặn mỗi đêm trước khi đi ngủ rằng con phải cố học giỏi để sau này có cơ hội đi tìm mẹ thì em lại không đành. Thương ngoại ngày ngày vất vả rồi lại nghĩ đến mẹ đang lang thang không có tin tức là em chỉ biết vùi đầu vào học để nỗi buồn không ở lại quá lâu”.


Mấy năm nay bà ngoại sức yếu không đi lại được nữa nên ngoài giờ học Nga phải đi bán hàng cùng dì ruột và ai gọi thuê việc cũng làm để có tiền mua sách, cắt thuốc cho bà. Nhiều hôm hai bà cháu cùng ốm nhưng vẫn phải nhịn đói cả ngày chờ dì đi chợ về mới có gạo nấu cơm. Bà Lê Thị Thành, dì ruột của Nga, kể: “Hồi nhỏ nó bị viêm phế quản nhưng nhà nghèo quá không có tiền đưa đi viện, mấy lần tưởng chết mà hắn vẫn qua khỏi”.


“Dù nghèo khó, vất vả thế nhưng đi học năm nào hắn cũng đứng đầu lớp và mang về nhà mấy cái giấy khen. Năm ngoái hắn bị cảm hàn, nằm ở trạm xá truyền hết 13 chai nước biển mà vẫn không khỏi. Nửa đêm hắn lên cơn co giật, ngã lăn xuống đất gãy cả tay. Cứ tưởng hắn không qua khỏi”, bà Thành nhớ lại.


Khổ mấy cũng cố học


Đến bây giờ kỷ niệm được sống cùng mẹ của Nga chỉ vẻn vẹn chưa đầy bốn tháng. Đó là khi mẹ mang thai em trai bị xe cán gãy hai chân và được bà ngoại đón về nhà chăm sóc. Khi mẹ sinh, một mình Nga tất tả chạy khắp làng xin gạo về nấu cháo cho mẹ, xin quần áo cũ làm tã lót cho em.


Thế nhưng sau khi sinh con được hơn một tháng mẹ Nga lại lên cơn châm lửa đốt nhà trong đêm. “Nửa đêm tỉnh giấc vì em Tiến khóc thét, thức dậy thấy lửa đang cháy bùng trên mái bếp. Ba bà cháu không kịp cất đồ mà chỉ vội vàng chạy ra vườn đứng nhìn nhà cháy. Mẹ thì không chạy mà cứ ngồi cười. May mà dì sang kịp, hai dì cháu mãi mới lôi được mẹ ra ngoài khi đầu tóc, quần áo đã cháy xém, chân tay bị bỏng”, Nga nhớ lại.


Sự cùng cực vẫn tiếp tục đeo bám bà cháu Nga khi mấy cơn lũ gần đây ào tới cuốn trôi tất cả, chỉ còn trơ lại mỗi nền đất sình lầy. Người làng thương tình dựng lại căn nhà lợp lá, tường bằng cót ép để bà cháu trú tạm qua ngày. Trong căn nhà thủng lỗ chỗ, gió lùa lạnh thấu xương, hằng đêm Nga vẫn tiếp tục chong đèn ngồi học. Năm nay Nga đoạt giải ba môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và đang ôn luyện để chuẩn bị kỳ thi tỉnh sắp tới.


Nói về ước mơ của mình, Nga bày tỏ: “Khổ mấy em cũng phải học bởi ngoại bảo chỉ có học thì sau này mới thoát được nghèo và có thể chăm lo cho em trai. Em đang cố học tiếng Anh để sau này thi vào ngành hướng dẫn viên du lịch, vì nghề này được đi nhiều nên cơ hội tìm được mẹ cũng nhiều hơn”.


342 suất học bổng


Ngày 26-11, báo Tuổi Trẻ cùng Tỉnh đoàn Hà Tĩnh sẽ tổ chức chương trình trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học cho học sinh – sinh viên vùng lũ”. 342 suất học bổng sẽ được trao cho những em học sinh khá giỏi, gia đình bị thiệt hại nặng nề trong bão lũ, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục đến trường.


Mỗi suất học bổng được cấp cho bảy tháng còn lại trong năm học này, cấp THPT 300.000 đồng/tháng, cấp THCS 200.000 đồng/tháng và ĐH, CĐ mỗi suất 3 triệu đồng. Ngoài ra, ban tổ chức cũng hỗ trợ gia đình 20 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, nhà bị lũ cuốn trôi, mỗi gia đình 3 triệu đồng.


Tổng kinh phí chương trình khoảng 700 triệu đồng, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp và Quỹ Thiện tâm tài trợ.


THÂN HOÀNG – VĂN ĐỊNH

Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP