Người đương thời

Hoàng Yến Anh, “nàng thơ” của mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng gió

“Tôi viết văn và làm thơ chỉ là để ghi lại những cảm xúc buồn vui của mình trong cuộc sống mà thôi và xem đó như là một cách để tạ ơn cuộc đời, tạ ơn những con người đang sống ở bên tôi”.

Nói như Trang Hạ, “Tôi mang đời vào văn chương nhưng cố gắng không để mang văn chương vào đời”, tôi thích cái triết lý ấy vì nó cũng là những điều mà tôi nghĩ và muốn làm .



Chỉ là “kẻ ngoại đạo với văn chương”



Đó là những chia sẻ rất thật của Hoàng Yến Anh, một người luôn tự nhận mình là kẻ ngoại đạo với văn thơ nhưng khi đọc và cảm nhận từng câu văn, vần thơ của cô gái mỏng manh này, sự tinh tế đầy cảm xúc đã khiến cho nhiều người đọc cảm thấy cô là một nàng thơ đích thực.



Những tập thơ của Hoàng Yến Anh phải kể đến Hương Tình Yêu ( Thơ, 2008), Giấu (Thơ, 2010), Hôn mưa ( Truyện ngắn, 2011) và “Dưới nắng trời Châu Âu“ (6/2012). Trước khi những tập văn thơ được xuất bản, Hoàng Yến Anh còn là một blogger nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ yêu mến.Hoàng Yến Anh thuộc thế hệ 8X, được sinh ra và nuôi nấng bởi những cơn gió Lào khô bỏng rát trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Nhưng không vì thế mà nó khiến tâm hồn cô khô khan. Đến với văn thơ một cách tình cờ, cô chia sẻ rằng: “Tôi viết văn và làm thơ chỉ là để ghi lại cảm xúc của mình những lúc vui, lúc buồn, lúc đau khổ và cả khi hạnh phúc. Thơ tôi mang đầy chất tự sự của một người con gái, tôi viết ra từ những điều rất thật của lòng mình.



Với tôi viết là một cuộc chơi chữ và cũng là một cách để tạ ơn cuộc sống, tạ ơn những người đã luôn ở bên tôi và dõi theo những bước đi của tôi .Thơ là tiếng nói chung, là nhịp cầu kết nối những yêu thương, là nơi để cho tất cả chúng ta được sống, được giãi bày, cảm thông và biết đâu chúng ta cùng có thể tìm ra những nhịp điệu chung của tâm hồn. Qua những câu chuyện, bài thơ của mình, tôi muốn được chia sẻ cùng các bạn những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, những phút giây được thả lòng mình trong những khoảng lặng bình yên của tâm hồn ….”.




Cái duyên với báo chí



Tháng 9/2001, Yến Anh qua Đức học tập chuyên ngành kinh tế. Cô gọi đó là sự sắp đặt của gia đình còn với văn chương, theo cô đó là một cái duyên của cuộc sống. Đối với cô, văn chương hay báo chí chỉ là một chút năng khiếu và đam mê chứ không phải là một công việc để cô theo đuổi suốt cả cuộc đời. Đôi lần, mẹ Yến Anh có nói với cô rằng bà không thích cô viết, nhất là làm thơ, vì con gái làm thơ thường rất đa đoan. Không biết cái quan niệm đó có từ đời nào và những người ngoài cuộc nhìn nó ra sao, nhưng đặt vào hoàn cảnh của mình, thơ đã từng cứu cánh cuộc đời của Yến Anh và cô cũng không nhớ đã bao lần cô “vịn” vào thơ để đứng dậy cho dù thơ, như nhiều người nói, chỉ là một thứ niềm tin hư ảo.



Hoàng Yến Anh, nàng thơ của mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió


Yến Anh là một người hay mơ mộng nhưng cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng văn chương chỉ có thể nuôi dưỡng tâm hồn tôi chứ không thể nuôi dưỡng cuộc đời tôi, thế nên cô quyết định theo học Kinh tế để cân bằng cuộc sống. “Tôi muốn người ta biết đến mình là một nhà kinh tế biết viết văn hơn là điều ngược lại”, Yến Anh quả quyết.



Bắt đầu viết báo từ năm 2009 và cũng có nhiều bài đăng trên Tuổi trẻ, Phụ Nữ Việt Nam, Áo Trắng hay Nhịp Cầu Đầu Tư. Sau này cùng với một người bạn, cô thành lập một trang báo mạng mang tên Tạp chí Hương Việt với ước mong rằng Hương Việt sẽ là chiếc cầu nối ngắn nhất để cho những người con xa xứ xích lại gần nhau hơn.



“Thời gian đầu chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, bởi không ai trong chúng tôi được đào tạo về báo chí. Thêm vào đó là lịch học và lịch làm thêm dày đặc, chồng chất lên nhau, nhưng với ước mơ, níu quê hương trở lại thêm gần“ Hoàng Yến Anh nhớ lại. Vượt qua tất cả, tạp chí Hương Việt tôi đã đạt được những thành công đáng kể.



Phương Tú

Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP