Nhân ái

Hoàn cảnh đáng thương của bé gái 4 tuổi bị bại liệt biết đọc chữ

Dù chỉ mới 4 tuổi nhưng bé Trần Lê Khánh Huyền (SN 2015, trú tại thôn Trung Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã biết đọc vanh vách những dòng chữ trên sách, báo, điện thoại.

Bé Linh và bố. Ảnh: Sơn Nguyễn

Chưa đi học đã biết đọc chữ

Những ngày qua, người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) truyền tai nhau câu chuyện bé Khánh Huyền dù chưa một lần được đến trường nhưng lại biết đọc chữ trên sách, báo… Điều đáng nói Huyền là một cháu bé bị bại liệt.

Bé Huyền là con gái đầu của anh Trần Văn Linh (SN 1987) và chị Lê Thị Lệ Thương (SN 1993, cùng trú tại ở thôn Trường Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân). Anh Linh kể, gia đình rất bất ngờ và ngạc nhiên về khả năng kỳ lạ của bé. Lúc mới sinh cháu Huyền hoàn toàn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Khi lên hơn 1 tuổi cháu có dấu hiệu khác thường, cơ thể chậm phát triển, đôi chân ngày càng teo dần. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nhưng vì thương con nên vợ chồng anh Linh vay mượn tiền đưa con đi các bệnh viện ở Hà Nội để thăm khám. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, cháu bé được chẩn đoán bị yếu tủy, yếu cơ, cơ thể chậm phát triển.

Nhìn con gái tội nghiệp của mình, anh Linh tâm sự: “Nhìn con mình lớn lên mà cơ thể không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, tôi đau lòng lắm. Đầu năm học vừa rồi, gia đình chúng tôi định cho cháu đi học lớp mẫu giáo 3 tuổi, nhưng khi đưa đến lớp thấy cháu nhỏ quá, lại bị tật nguyền nữa nên gia đình quyết định đưa cháu về”.

Câu chuyện gia đình anh Linh phát hiện khả năng đặc biệt của con gái thật tình cờ. “Giữa năm 2018, trong một lần ngồi xem ti vi, gia đình tôi thấy cháu cứ đọc tên các nguyên thủ quốc gia, cứ nghĩ cháu đọc theo cô biên tập viên. Thế nhưng, sau đó vợ chồng tôi đưa cho cháu mấy cuốn sách thì cháu đọc vanh vách. Ngạc nhiên hơn, những dòng chữ chạy trên ti vi cháu đều đọc được hết dù chưa một lần được ai dạy hay đến trường học. Từ khi nghe tin con gái tôi có khả năng này, rất nhiều người dân trong vùng muốn đến xem thực hư, họ dùng nhiều cách để thử cháu nhưng rồi ai cũng thán phục ra về”, anh Linh nói.

Để kiểm chứng, PV đưa một tờ báo ra để cháu Huyền đọc, vừa cẩm tờ báo lên thì cháu đã đọc rõ từng chữ một giống như người lớn khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Nói về khả năng “đặc biệt” của cháu, bà Trần Thị Long (SN 1950, bà nội bé Huyền) chia sẻ: “Bình thường, tôi ở nhà trông cháu để cho bố mẹ nó đi làm, nhiều lúc tôi bật tivi lên xem thì thấy cháu nhìn chữ trên tivi rồi đọc. Ban đầu, tôi cứ nghĩ cháu đọc vẹt nên không để ý. Nhưng sau một thời gian, tình cờ bố mẹ cháu để điện thoại thì cháu cầm đọc tin nhắn trong điện thoại chính xác, rành rọt từng chữ một. Từ đó, chúng tôi mới tin rằng cháu có khả năng đọc được chữ”.

Hoàn cảnh éo le

Cháu bé lớn lên với thân hình teo tóp, gia đình anh Linh không có khả năng để chạy chữa cho cháu. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, vợ chồng anh Linh hàng ngày trông chờ vào dăm ba sào ruộng. Những lúc công việc đồng áng rảnh rỗi, anh lại mang lưới ra đồng thả kiếm con tôm, con cá, cải thiện bữa ăn và chắt bóp tiền bạc.

Vì hoàn cảnh gia đình túng quẫn, cách đây vài tháng, chị Thương quyết định để cô con gái tật nguyền ở nhà rồi sang Trung Quốc làm thuê. Hiện nay, anh Linh ở nhà vừa lo công việc đồng ruộng, vừa phải chăm đứa con gái tật nguyền. Hàng ngày, cứ sáng sớm anh Linh đã phải gửi con cho bà nội để đi làm. Trưa, chiều anh lại phải tranh thủ về sớm lo cơm nước cho con.

Cứ mỗi năm, gia đình anh Linh phải đưa con ra bệnh viện ở Hà Nội để kiểm tra, thăm khám tổng thể 3 lần. Mỗi lần như thế gia đình lại mất một khoản tiền lớn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì thương con nên vợ chồng anh đành chấp nhận vay mượn khắp nơi để lo cho đứa con tội nghiệp.

Đôi chân của cháu chưa thể tự đứng vững được, nếu ngồi hoặc nằm lâu sẽ gây nên đau mỏi các khớp cơ. Để có thể chữa được căn bệnh này, phải mất rất nhiều thời gian và rất tốn kém. “Cách đây khoảng 1 tháng, gia đình tôi đưa cháu Huyền ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám, bác sỹ cho biết trường hợp của cháu Huyền vẫn có khả năng để chạy chữa nhưng chi phí rất cao. Thương con nhưng tôi đành phải đưa cháu về chăm sóc tại nhà vì gia đình không có điều kiện kinh tế để chạy chữa cho con”, anh Linh tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi về ước nguyện của gia đình, anh Linh cho biết: “Gia đình tôi chỉ mong sao có đủ kinh phí để đưa con gái đi chữa trị càng sớm càng tốt. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để đôi chân của cháu được bình thường để cháu có thể vui chơi như bao đứa trẻ khác. Cháu rất muốn đến trường nhưng vì đôi chân của con không có khả năng đứng vững nên gia đình đành chấp nhận để cháu phải nghỉ học”.

Nói về khả năng của cháu Huyền, một chuyên gia tâm lý cho rằng, không phải cứ trẻ có khả năng đọc viết từ nhỏ thì lớn lên sẽ thành thần đồng. Việc trẻ có những khả năng đặc biệt trên thường do các yếu tố như: Trẻ có khả năng tự tìm tòi, khám phá rất lớn nên nhiều khi cha mẹ không dạy mấy mà trẻ vẫn đọc tốt. Bên cạnh đó là khả năng trực giác toàn bộ, não trẻ "chụp" lấy hình ảnh rất nhanh và nhớ những hình ảnh đó trong đầu. Chữ trên ti vi, sách báo cũng được trẻ ghi nhận dưới dạng hình ảnh mà không có sự phân tích. Do đó, khi thấy lại những chữ đó, trẻ sẽ đọc dù không có khả năng đánh vần. Ngoài ra, có thể là trẻ sinh ra trong một môi trường chữ. Theo đó, nếu gia đình hay mở Karaoke, trẻ sẽ sớm nhận biết những chữ như thế trên màn hình thì đọc như thế nào…

Dù khẳng định trẻ sớm viết đọc, biết viết chưa chắc đã là thần đồng nhưng chuyên gia tâm lý cho rằng, em Huyền rất thông minh, về trí nhớ, sự nhanh trí và khả năng tự tìm tòi đều vượt trội so với bạn cùng lứa. Vấn đề là làm sao để nuôi dưỡng được những khả năng đó trong tương lai.

Tác giả: Sơn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP