Tuỳ bút Quê hương

Hoa đào mùa cũ

Tôi là Nguyễn Đức Thạch, sinh năm 1969 tại đội 7 Trung Lễ/ Đức Thọ / Hà Tĩnh. Gia đình chúng tôi đã vào Ninh Thuận năm 1980. Cái tên Cao Hoài Hà của tôi là để nhớ về quê hương Hà Tĩnh.

Quê nội tôi ở Thạch Kim, quê ngoại là Trung Lễ. Tôi đã sống mười năm đầu tiên của đời mình ở đó. Thuở nhỏ bạn bè gọi tôi là Thạch Bồ. Ngôi nhà cũ của tôi hiện ở sau lưng nhà ông Lê Văn Đàm – Giảng Viên ĐH Sư Phạm Vinh đã nghỉ hưu. Xin mời anh em đồng hương xác minh lại điều này. Bài viết sau đây là của Nguyễn Hống Lam ( Nguyễn Đức Vinh) phóng viên báo An Ninh Thế Giới. Bài viết được chuyển đến các bạn lấy từ Viensu_82’s block. Nguyễn Viễn Sự là em út của tôi. Xin gửi một chút tình đến với quê hương.

Quê ngọai tôi ở làng Trung Lệ, huyện Đức Thọ ( Hà Tĩnh), ngôi làng tựa lưng con sông La và ngỏanh mặt ra quốc lộ 8 sang Lào. Đó là một ngôi làng nghèo nhưng có truyền thống hiếu học vang tiếng khắp tỉnh. Với tôi, ký ức ngôi làng ấy chỉ qua những lời kể, bởi tôi là đứa duy nhất trong năm anh em không chôn nhau cắt rốn ở đây. Nhưng điều ấy không làm mờ phai ký ức về làng, dù chỉ là sự hình dung và đôi lần ghé thăm. 27 năm xa Trung Lệ, ký ức về làng cũ vẫn chưa bao giờ mờ phai trong mấy anh em tôi. Bài viết này thay một lời hòai nhớ về quê ngọai mình, do người anh thứ hai của tôi chấp bút. Viễn Sự Thuở nhỏ, tôi sống ở quê ngoại, làng Trung Lệ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Chân vòng kiềng, tôi bước vào đời khụng khiệng và xiêu đổ. Đám học trò trường làng về ngang đầu ngõ thường gọi toáng lên: “Bồ ơi, ra cho cái này này!”. Cái dáng chạy lũn tũn, liêu xiêu của chúng khiến chúng cười lăn cười bò khoái chí. Ngọng líu ngọng lô, tôi say sưa đọc thơ cho chúng nghe. Thơ Hồng Kiên, thơ Trần Đăng Khoa và thơ Mao Trạch Đông. “Ngã lập ư cương đỉnh. Cập thiên tam xích tam”. Những câu thơ đầy kiêu ngạo, dù không hề hiểu nghĩa. Tôi đọc bất cứ thơ ai mà tôi thuộc, lỡ không thuộc thì đọc bịa cũng chẳng sao. Chất lượng nghệ thuật, thằng bé con mặc quần xẻ đũng là tôi không mấy quan tâm, chỉ mắt là cứ sáng lên với những đồng năm xu mà lũ học trò vừa tóm chim bẹo má vừa dúi cho. Tiền xu có cái lỗ tròn chính giữa, tôi cất dành đánh đáo hoặc vặt lông đuôi gà trống nhét vào làm “kiện” đá cầu.

Tờ tiền giấy màu tím, tôi đem đi mua quà – năm xu mua được hai quả ổi, hai chiếc kẹo gừng cay xé lưỡi, hoặc một vốc sim – đem khao chúng bạn. Với tuổi thơ tôi, thế là đã đại tiệc! Tôi lên 5 tuổi, cậu Thành sang nhà bảo mẹ: “Ả (chị) cho tằng Bồ theo tôi ra đồng mà mót lúa”. Vậy là tôi bỏ lớp mẫu giáo và đi, mang theo cái bị cói đựng 3 cục đất bùn to cậu Thành vừa mới nắn cho. Khi những đống lúa hợp tác được gánh về kho, tôi liền lôi những cục bùn, “công cụ hành nghề” ra chấm liên tục lên đất để nhặt những hạt thóc rơi vãi. Chiều tắt nắng, bà ngoại lại đem những cục bùn ấy ra ao vò, đãi sàng cho sạch rác rều và sỏi đá, lấy được chừng 3 bơ lúa sạch đem phơi, bảo “cất dành xay nấu cơm cho thằng cu Bồ của bà ăn chóng lớn!”. Sau chấm đất đến quét đường và cuối cùng là mót lúa gié (nguyên bông) còn sót bên cuống rạ.

Lũ con nít chúng tôi khóc ré lên và chạy trối chết mỗi lúc thấy bóng ông Đoàn bảo vệ đồng cầm cây roi cày dài những hai thước từ xa chạy đến. Ông sẽ thu lúa, thu bị, tối bà hoặc mẹ đến xin thế nào cũng bị ông mắng cho một trận. Ngày nào cũng bắt, ngày nào cũng xin nên cứ nhác thấy bóng ông là chúng tôi lại hè nhau mà chạy. Tôi bé nhất nên ông chẳng nhìn ra, cứ chạy vượt qua luôn để đuổi bắt những đứa khác. Sợ hãi, tôi bổ ngoặt xuống ruộng sâu, bùn ngập tận bẹn mãi không rút chân lên được, cứ thế mà tu tu đứng khóc. Xa xa, dăm con cò trắng móng tõe bùn non đứng kiễng một chân nghển cổ ngó đám con nít đang hè nhau chạy sấp ngửa, ra chiều phân vân lắm. Đuổi không kịp những đứa kia, mà kỳ thực là cũng không muốn đuổi kịp, ông Đoàn quay trở lại túm bổng tôi lên đưa ra hói (sông đào), kỳ cọ cho tôi muốn bỏng da non. Bế thằng bé con trở lại ruộng, ông chìa cái bị, bảo các bà thợ gặt: “Cắt cho nó một bị đầy vào. Cơ khổ ăn chưa no đã lo vác nặng… Chim nó còn chấm bùn, mót chi mà mót”. Xong, ông cõng cả tôi lẫn bị lúa to nhất trần đời về trả cho bà ngoại, dặn bà trông đừng cho tôi ra đồng, nắng nôi mà ốm thì phải tội. Ông vừa quay lưng, trút vội bị lúa ra chiếc nong ở giữa sân, tôi, thằng bé “chim chấm bùn” lại tót ra đồng, mặc phía sau bà ngoại lưng còng vẫn Bồ ơi, Bồ hỡi! Trước sân nhà có một gốc đào cụ, e chừng tuổi cây nhiều gấp năm gấp mười tuổi tôi. Thỉnh thoảng, những bà thợ gặt đi ngang vẫn tạt vào xin tuốt nắm lá về tắm chữa sài đẹn, ghẻ chóc cho mấy đứa cháo ở nhà. Áp tết, gốc đào cụ trổ hoa, bạt ngàn những cánh hoa màu hồng phớt. Người làng lại đến, mỗi người xin dăm ba cành về cắm độc bình chưng tết. Vị nghệ thuật chen lẫn vị nhân sinh, gốc đào nhà tôi cứ nhẫn nại để cho làng vặt, cắt, để lại trên thân những đốm sần sùi. Cuối mùa xuân, lớp lông tơ trên những quả đào vừa ửng tía lên, đám trẻ con quần cộc đã suốt ngày bu đầy quanh gốc, khèo, ném bằng đủ cách. Quả đầu mùa vừa chát vừa chua loét. Nhưng có hề chi, được tôi dắt về giao đãi, đám con nít cùng tuổi đã lấy làm sung sướng lắm, đến nỗi khi đào chín thì trên cây đã chẳng còn lại quả nào! Trong mắt chúng, tôi đích thực là một trang công tử giàu có và hảo sảng. Thật ra, lũ con nít làng tôi có đứa nào không lớn lên trong những cơn mê hào sảng. Khuất sau cổng làng xiêu xó, lẫn trong “tóc rã rơm khô” là cơ man những câu chuyện oai lừng về sự học. Chuyện kể rằng, thời hồng hoang, từ miệt rừng núi Hương Sơn có một con tê giác bỏ rừng về đồng bằng phá phách gây đại họa. Các xứ đuổi mãi không ăn thua, đến làng tôi thì con tê giác bị đánh gục. Từ đó, tên làng được gọi là Ngu Lâm. Thời phong kiến, làng tôi nổi danh là đất học, có hơn trăm ông nghè ông cử, tên làng được cả xứ Nghệ tôn vinh bằng hai chữ Kẻ Ngù, nói lái từ Cụ Nghè. Trong “nhị thập bát tú” (28 danh nhân) của tỉnh Hà Tĩnh, làng tôi có 4 cụ góp tên gồm các cụ Lê Ninh, Lê Văn Huân, Lê Thiệu Huy và Lê Văn Thiêm. Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi bôn tẩu ra Quảng Bình rồi ra Hà Tĩnh. Hưởng chiếu Cần Vương, cậu ấm Lê Ninh, một học trò cửa Khổng sân Trình ở làng tôi đã dấy binh, hội quân cùng cụ Phan Đình Phùng ở làng Tùng Ảnh, cùng huyện, mưu phò vua cứu nguy xã tắc. Khởi nghĩa bị đàn áp, Pháp đốt trụi cả làng, chặt sạch cây cối, tre pheo, sau đó dựng lên ở bốn góc làng bốn chiếc chòi canh để giám sát mọi động tĩnh trong làng. Chúng bắt đổi tên làng Ngu Lâm thành làng Lạc Thiện. Nhưng đó chỉ là tên trên giấy tờ sổ sách, người làng nuốt hận vào tim tự gọi tên làng là làng Trung Lệ – giọt lệ trung – đôi khi đọc trại đi mà thành Trung Lễ, như muốn khắc sâu một quá khứ bi hùng. Sang thế kỷ XX, cụ Lê Văn Huân là người tiếp bước tiền nhân. Học hỏi, từng đậu giải nguyên khoa thi Hội nhưng cụ Giải Huân đã từ chối chốn quan trường để trở thành một nhà Cách mạng.

Năm 1927, cụ đã thành lập và đảm nhận vai trò Chủ tịch Tân Việt Cách mạng đảng, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này để tập hợp lực lượng đấu tranh cứu nước. Hai năm sau, bị thực dân Pháp bắt, cụ đã dùng quản bút mổ bụng cắt ruột tự tử trong nhà lao Vinh (Nghệ An). Cụ Lê Văn Nhiễu, một người anh con bác của cụ Giải Huân cũng thi đậu cử nhân. Sau một thời gian ngắn làm Huấn đạo Phủ Tuyên Hóa, Quảng Bình, cụ Nhiễu cũng treo ấn từ quan, về làng mở trường dạy học và bốc thuốc giúp dân. Cụ lập gia đình với bà Phan Thị Đại, chị của cụ Phan Đình Phùng, sinh được 10 người con trai, người nào cũng nổi tiếng thông minh xuất chúng. Năm 1918, ông Lê Văn Kỷ, con trai đầu của cụ cử Nhiễu đỗ đại khoa, trở thành một trong những ông Nghè của khoa thi Đình cuối cùng trong thời gian phong kiến.

Đúng 30 năm sau, năm 1948, người em út trong gia đình này là Lê Văn Thiêm đã trở thành người Việt Nam đầu tiên lấy được bằng tiến sĩ toán học tại Paris, trở thành một trong những người đặt nền móng cho ngành giáo dục và ngành Toán học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Anh cả kết thúc và em út mở đầu, đều là những ông người làng cạnh nhà tôi cả! Học giỏi khét tiếng nhưng Tiến sĩ Lê Văn Thiêm vẫn phải báo phục một người anh em cùng họ, thua ông 3 tuổi tên là Lê Thiệu Huy. Ông là con trai của nhà Hán học nổi tiếng, Giáo sư Lê Thước, người thầy lớn của rất nhiều thế hệ học giả lỗi lạc của Việt Nam như Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt… Nguyên vào thế kỷ XVI, có một bậc đại khoa họ Lê được bổ về Hà Tĩnh giữ chức Án sát. Ông đã chọn Ngu Lâm làm đất dung thân, khai sáng nên Lê tộc sau này danh nổi như cồn. Ông mất vì bạo bệnh và được an táng tại Thanh Hóa trong một chuyến về thăm quê cũ. Khi ấy, người vợ thứ hai đang mang thai. Đứa con không biết mặt cha vì thế đã phải mang họ Trần của mẹ, từ đó hình thành nên chi tộc Trần Lê ở Ngu Lâm. Cụ Lê Thước là hậu duệ của nhánh họ này. Sau nhiều lần hỏng thi, cụ đã quyết định cải về họ gốc, từ Trần Lê Thước thành Lê Thước. Quả nhiên sau đó, cụ thi đỗ cử nhân. Vừa dạy chữ Hán vừa học thêm nghề thuốc, cụ Lê Thước đã lấy thêm được một bằng y sĩ tây y. Hổ phụ sinh hổ tử, Lê Thiệu Huy, con trai cụ đã hoàn tất chương trình trung học chỉ trong vòng có 6 năm, được Toàn quyền Đông Dương cấp học bổng sang Paris du học vào năm 1937. Ba năm sau, mới 19 tuổi, Lê Thiệu Huy đã lẫy lừng trở thành người duy nhất trong lịch sử đại học nước Pháp tốt nghiệp loại ưu hạng ba bằng cử nhân cùng một lúc, đồng thời tinh thông 6 ngoại ngữ. Giáo sư Burcher, nhà toán học lừng danh thế giới người Pháp gốc Do Thái đã phải thốt lên: “Tôi chưa bao giờ thấy, cũng không hy vọng gặp được lần thứ hai một người học trò xuất chúng như Lê Thiệu Huy”. Ở Pháp rồi sang Đức, anh em Lê Văn Thiêm – Lê Thiệu Huy đã cùng nhau ôm mộng chinh phục những vòm trời khoa học. Năm 1946, Pháp tái chiếm Việt Nam, Lê Thiệu Huy xếp bút nghiên về nước tham gia kháng chiến, trở thành tham mưu trưởng Liên quân kháng chiến Việt – Lào. Mùa thu năm 1947, mặt trận Savanakhẹt bị vỡ, Lê Thiệu Huy đã tổ chức bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông vượt sông Mê Kông thoát sang Thái Lan. Bị Pháp truy đuổi, ông đã lấy thân chắn đạn bảo vệ Hoàng thân, thanh thản nhận sự hy sinh về mình khi mới 26 tuổi. Tự hào và đau xót, ngay trên trang đầu tiên của bản luận án tiến sĩ viết bằng tiếng Đức của mình, nhà toán học Lê Văn Thiêm đã kính cẩn đề: “Để tưởng nhớ bạn Lê Thiệu Huy đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam trên sông Mê Kông!”. Thêm một chuyện khác. Trong làng có ông Lê Văn Luyện, thường gọi là cụ Hường Luyện, từng làm quan của triều đình Huế. Về hưu vẫn chưa hết ưu tư về nỗi vất cả của dân cày, cụ Hường đã lao tâm khổ tứ đấu tranh với viên Công sứ tỉnh Hà Tĩnh để được đào một con hói chảy ngay trước làng lấy nước tưới tiêu cho cả mộng vùng chiêm khê mùa thối. Sinh thời, thương tình học trò làng Bùi Xá, phía ngoài đê, nghèo nhưng sáng dạ, cụ Hường đã đem anh này về nuôi cho ăn học, sau lại gả con gái cho. Tay đun bếp lá tre, tay cầm quyển sách, anh học trò rất giỏi. Đỗ đạt, anh vào Huế làm quan đến chức Ngự Tiền Đổng Lý văn phòng Hoàng Đế Bảo Đại, từng thảo chiếu cho ông vua này thoái vị rồi theo Cách mạng. Anh học trò nghèo làng tôi đã ghi tên mình vào lịch sử của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ bằng cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, ký chính tên là Phạm Khắc Hòe. Nhắc tên ông để tự hào về sự học, các cụ bô lão trong làng thường tấm tắc: “Người tài có khác, chế độ nào cũng được tin dùng”.

Cánh trai tráng trong làng cũng trầm trồ, nhưng lại theo chiều khác. Khảo lại chuyện ông Hòe vô Huế làm quan, được cụ Ưng Bình Khúc Giạ Thị mến tài, đem con gái gả cho, đám trai làng không thèm giấu giếm niềm ghen tị. Họ bảo: “Cái ông Hòe làng ni rứa mà sướng, đi mô cũng được người sang gả cho vợ đẹp!”. … Đầu trần, chân đất, đi dọc những lối đường quê ướp đầy hoa dẻ thơm lừng, hoa chạc chìu ngai ngái mang theo bùn đất nhọc nhằn vùng chiêm trũng và lòng tự tôn về một vòm trời tri thức cao vòi vọi vẫn mọc ngay chính giữa làng, lũ trẻ chúng tôi cứ hồn nhiên mà khôn lớn. Tôi xa quê, lâu lắm mới có dịp ghé về. Bà ngoại tôi đã hóa thành người thiên cổ. Bây giờ, làng chỉ còn toàn người già và con nít. Đám trai gái trong làng lớn lên vẫn mê mải lao theo những hơn thua quay quắt mà không mấy đứa chịu quay về.

Bao nhiêu người thành đạt, không ít tên tuổi lẫy lừng tung hoành kinh bang tế thế khắp bốn biển nhưng vẫn không giúp thay đổi được cảnh chiêm khê mùa thối ở quê nhà. Cạnh bên làng, những thị tứ vẫn mọc lên liên tục. Cả cái thị trấn huyện khi xưa bé tin hin và đầy rêu ẩm mốc cũng đang nhấp nhổm với thời mở cửa. Nhưng, đổi mới ở tận đâu đâu chứ làng tôi thì tuyệt không. Cơ hồ vùng chiêm trũng quê tôi chỉ co rúm mình chờ một ngày bị thành thị xóa tên. Vườn cũ chưa mất, nhưng cội đào xưa thì không còn nữa. Tôi ngồi ở quê mà chợt nhớ quê, nhờ tuổi thơ xưa vĩnh viễn không còn quay trở lại. Ngó miên man chỗ gốc đào xưa, giờ cải đã vươn ngồng, chợt bùi ngùi thấy lòng mình mất mát đi nhiều lắm. Áp tết năm ngoái tôi tình cờ gặp anh Thuần con chú Thắng, người đã mua nhà của bố mẹ tôi hơn 25 năm trước. Thuần giờ là một cán bộ ngành tài chính, nhà ở thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông. Chén rượu hội ngộ có thêm sự góp mặt của Thọ “bịt”, gã bạn thân từ thời mặc quần xẻ đũng đi mót lúa, khiến ba gã đồng hương say khướt nằm tranh nhau huyên thuyên chuyện làng trắng trọn một đêm. 

Sáng sớm, khi dậy múc nước rửa mặt, tôi chợt sững người. Bên bờ giếng, một cội đào phai đang đâm lộc non tơ, những cánh hoa phớt hồng tuyệt đẹp đang rưng rưng nở trong gió đông se sắt. Vỗ vai tôi, Thuần bảo: “Đào nhà mi đó. Tao chiết cành đưa vào đây từ năm kỉa năm kìa. Đã đơm hoa được hai mùa”. Thì ra, làng ở trong lòng, muốn tìm quê không chỉ cứ về quê. Cả hoa lẫn người làng tôi đều không mất, chỉ như chim tung cánh muôn phương và lặng lẽ kết trái đơm hoa ở một chân trời xa xôi nào đó.

Cao Hoài Hà (Theo blog.360.yahoo.com)

  Từ khóa: Hoa đào mùa cũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP