Vũ Quang

Hồ Khe Chẹt – hết bảo hành… là sửa

Không lâu sau khi hoàn thành (tháng 8/2008), hồ chứa nước Khe Chẹt (Vũ Quang- Hà Tĩnh) xuất hiện những vết thấm lớn trên thân đập biến mái hạ lưu đập chính thành một bãi sình lầy. Trước nguy cơ vỡ đập, tháng 9/2009 (cũng là lúc công trình hết thời hạn bảo hành), chủ đầu tư là BQL Dự án MPRP Hà Tĩnh đã phải chi tiền khắc phục khẩn cấp nhưng vẫn không ổn.

Sống trong nỗi lo hồ vỡ!

Anh Nguyễn Tiến Quốc nhà ở gần ngay hồ cho biết: Khi thấy nước từ đập rỉ ra mạnh, tôi đã lục tìm số điện thoại của cán bộ tư vấn giám sát cảnh báo. Trước mùa mưa bão năm nay, khi mái đập thành bãi bùng nhùng mới thấy các đoàn về khảo sát, đo đạc để sửa chữa”. Lo ngại đập vỡ nên hai mùa mưa lũ vừa rồi, anh Quốc phải đưa vợ con về trú bên nhà ngoại, còn anh đánh liều ở lại trông coi tài sản. “Nhưng hễ thấy mưa lớn kéo dài là tôi không sao ngủ được”, anh Quốc lo lắng.


Ông Dương Doãn – GĐ Cty CP Tư vấn giám sát và xây lắp công trình thủy lợi Hà Tĩnh (đơn vị giám sát) thừa nhận có chuyện đó. Nhưng theo ông Doãn, đập đất bị thấm là điều hết sức bình thường vì theo tính toán của tư vấn thiết kế, công trình này có hệ số thấm là k=10-5. Trái với lời ông Doãn, kết quả kiểm tra mới nhất lại cho thấy hệ số thấm đã lớn hơn, tức k=10-4. Chưa hết kiểm tra hiện trường cho thấy, xuất hiện dòng thấm ra ở hạ lưu, phần lớn ở cao trình +21,5m, tần suất theo chiều dài thân đập, nơi cao nhất ở cao trình +23,5m. Mức độ thấm khá mạnh, đã có hiện tượng gây sụt nhẹ bên mái đập và tạo ra các vùng lầy lội.


Thi công 6 tháng thành 2,5 năm


Công trình hồ chứa nước Khe Chẹt có tổng mức đầu tư 4,67 tỷ đồng từ nguồn vốn OPEC, do BQL Dự án xóa đói giảm nghèo đa mục tiêu huyện Vũ Quang và vùng phụ cận tỉnh Hà Tĩnh (viết tắt là MPRP) làm chủ đầu tư, Cty CP Tư vấn xây dựng công trình thủy lợi Hà Tĩnh khảo sát thiết kế, XN Xây dựng Mai Linh (Hà Tĩnh) thi công và Cty CP Tư vấn giám sát và xây lắp công trình thủy lợi Hà Tĩnh giám sát thi công. Với dung tích thiết kế 420 ngàn m3, hồ Khe Chẹt có nhiệm vụ tưới cho 50 ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 2.000 hộ dân xã Hương Minh.


Được khởi công từ tháng 2/2006 với thời gian thi công 6 tháng nhưng mãi đến tháng 8/2008 công trình mới hoàn thành (chậm gần 2 năm). Lý do GPMB chậm nên công trình bị gián đoạn thi công nhiều lần, trong đó có hai giai đoạn thời gian ngừng nghỉ kéo dài tới 6 tháng. Phải chăng, sự gãy khúc của quá trình thi công đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình và đập đất là hạng mục bị tác động lớn nhất? Tuy nhiên, BQL Dự án MPRP Hà Tĩnh khẳng định, còn có nguyên nhân đất đắp không đều và chất lượng đất không tốt.


Đất đắp đập có vấn đề


+ Đến thời điểm này, việc xử lý sự cố đang được chủ đầu tư giải quyết bằng một dự án bổ sung trị giá gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, để đảm bảo an toàn cho công trình phải tiến hành khoan phụt vữa bê tông chống thấm thân đập với kinh phí khá lớn.


+ Hà Tĩnh đã xảy ra vụ vỡ đập Réech 20 vỡ giữa mùa hè, hồ Đá Bạc nước rò rỉ qua thân đập thành dòng như dòng suối nhỏ, nay hồ Khe Chẹt vừa hết bảo hành đã đứng trước nguy cơ vỡ. Thực tế này gióng lên hồi chuông về chất lượng các hồ đập ở tỉnh này.

Ông Nguyễn Văn Lân – GĐ XN Xây dựng Mai Linh cho rằng: “Đất đắp không đều là do thời gian nghỉ thi công để nằm chờ mặt bằng quá lâu, chúng tôi phải đắp nhiều lần nên sự kết dính không như mong muốn. Hơn nữa, đến khi có mặt bằng thì lại phải gấp rút thi công để hoàn thành trong niên hạn tài khóa của nhà tài trợ nhằm tránh bị cắt vốn. Còn chất lượng đất không tốt thì cũng khó nói…”.


Ông Lê Đình Thành – người chịu trách nhiệm chính về giám sát công trình này khẳng định: “Ngoại trừ một bãi vật liệu thuộc phần đất của khu di tích Phan Đình Phùng (bãi E) không được phép lấy, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công lấy vật liệu ở 4 bãi còn lại (A, B, C, D) và có lấy ra ngoài phạm vi quy hoạch nhưng không đáng kể”.


Vậy nhưng, ông Trần Việt Hà – Giám đốc BQL Dự án MPRP Hà Tĩnh lại cho rằng: “Do không giải phóng được mặt bằng ở các bãi vật liệu A, D, E nên đơn vị thi công chủ yếu lấy ở bãi B (và có vượt ra ngoài phạm vi một ít), mỏ vật liệu này có hệ số thấm tương đối lớn, mặt khác do đặc điểm địa chất vùng này có lẫn dăm sạn nên hệ số thấm thực tế đã lớn hơn so với thí nghiệm trong phòng Lab”.


Trong khi, theo tìm hiểu của chúng tôi, 3 bãi vật liệu mà chủ đầu tư cho rằng “không lấy được” đó đều là những bãi chính, được tư vấn thiết kế chỉ định và với khối lượng 45.600 m3 thì thừa để đắp đập trong khi bãi vật liệu B là bãi phụ, khối lượng chỉ đạt 3.500 m3.


Đến đây, có thể khẳng định, do không lấy đúng bãi vật liệu nên chất lượng đất đắp đập không đạt yêu cầu thiết kế đưa ra. Và hiện tượng thấm chảy thành dòng trên thân đập như ngày hôm nay là hệ quả tất yếu.

NN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP