Hà Tĩnh Bình Yên

Hiệu quả công tác đấu tranh, TCTP mua bán người trên địa bàn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung, có diện tích tự nhiên là 6.055 Km2, với dân số trên 1,3 triệu người, có đường biên giới dài 147 Km và nhiều đường tiểu mạch, giáp với 2 tỉnh Bôlykhămxây và Khăm Muộn (nước CHDCND Lào), có đường quốc lộ 8A và Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thông thương với nước bạn Lào, sang Thái Lan.

Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển kinh tế, xã hội và thông thương với các nước trong khu vực (Lào, Thái Lan …); tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.


Những năm gần đây, cả nước nói chung, trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng, tội phạm mua bán người đang trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường hoạt động có tổ chức, có sự liên kết, móc nối khá chặt chẽ, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhằm lôi kéo, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em cưỡng ép làm gái mại dâm hoặc bán ra nước ngoài để bóc lột sức lao động hay phục vụ tại các động mại dâm. Trong 5 năm qua (2008 – 2012), lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 10 vụ 22 đối tượng mua bán người (khởi tố điều tra 5 vụ 14 đối tượng), giải cứu 44 phụ nữ, trẻ em, trong đó 26 phụ nữ bị lừa bán sang Lào, hoạt động trong các ổ mại dâm; ngoài ra, đến nay còn có nhiều phụ nữ vắng mặt tại địa phương trong thời gian dài (không rõ đi đâu) nghi bị buôn bán.


Trong đó, đáng chú ý là năm 2008, Phòng PC45 – Công an tỉnh đã phối hợp với Cục C45 – Bộ Công an điều tra, khám phá chuyên án 108 /TN, phá đường dây buôn, bán trẻ sơ sinh từ các tỉnh miền Bắc vào Hà Tĩnh; bắt giữ 2 đối tượng: Ngô Thị Vinh (1961) và Trần Văn Bình (1964) đều ở Hương Sơn, hai đối tượng trên đã mua bán 8 trẻ sơ sinh; Năm 2010, Phòng PC45 – Công an tỉnh đã phá chuyên án “BBPN10”, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đề nghị truy tố trước pháp luật 5 đối tượng: Phan Thanh Sơn (1976), ở Lộc Hà; Nguyễn Thị Phương (1961) và Thái Xuân Nhất (1979), ở Kỳ Anh; Phạm Văn Dung (1977) và Trần Văn Mến (1980), ở Cẩm Xuyên, đồng thời giải cứu cho 7 cô gái bị ép buộc bán dâm; trong đó, đáng chú ý là đối tượng Phan Thanh Sơn đã lừa, bán cả cháu ruột của mình.

Đối tượng Phan Thanh Sơn trong chuyên án BBPN10 của PC45 – CA Hà Tĩnh


Một số thủ đoạn mà bọn tội phạm mua bán người thường sử dụng để hoạt động phạm tội như là:


– Bọn tội phạm thường lợi dụng những địa bàn là vùng nông thôn, miền núi để hoạt động. Vì ở những nơi này có nhiều điều kiện thuận lợi để chúng dễ lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như: trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế và cả tin, kinh tế khó khăn, lao động thiếu việc làm nhiều.


– Đối tượng mà bọn tội phạm thường nhằm vào là những phụ nữ “quá lứa lỡ thì”, những phụ nữ đã từng làm gái bán dâm, số có hoàn cảnh khó khăn, số đua đòi ăn chơi, số mới lớn có tư tưởng thoát ly khỏi công việc lao động nông nghiệp tại địa phương mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, thu nhập cao… sau đó rủ rê, lừa phỉnh rồi bán cho các đối tượng là chủ ở các nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, cà phê, cắt tóc, gội đầu, buộc làm gái bán dâm hoặc bán cho một số là người Việt Nam ở Lào, Thái Lan phục vụ ở các ổ chứa mại dâm; ngoài ra, những trẻ em không được trông coi cẩn thận cũng là đối tượng mà bọn tội phạm thường bắt cóc bán sang Trung Quốc làm con nuôi cho những gia đình hiếm muộn con cái.


– Đối tượng phạm tội thường là các chủ chứa hoạt động mại dâm, hoặc những người trước đây đã bị lừa bán, sau khi trở về địa phương thường lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc làm ăn trước đó với đối tượng hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các trung tâm thành phố, thị xã, các khu du lịch trong nước hoặc ngoài nước (như Lào, Thái Lan) để thực hiện hành vi phạm tội.


Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng sẽ diễn biến phức tạp, bên cạnh đó xu hướng công dân Hà Tĩnh sang Lào, Thái Lan … làm ăn có chiều hướng ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người để hoạt động mại dâm, đây là thách thức lớn cho các cấp, chính quyền và là mối lo cho toàn xã hội. Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian tới, xin đưa ra một số giải pháp như sau:


Một là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời, có chính sách, biện pháp tạo công ăn, việc làm cho lao động ở những vùng nông thôn, miền núi nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các lực lượng, các đoàn thể xã hội trong phòng, chống tội phạm mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống lạnh mạnh ở cộng đồng dân cư.


Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, làm cho họ thấy rõ phương thức, thủ đoạn và hậu quả tác hại của tệ nạn buôn bán người, từ đó nâng cao ý thức của người dân, giúp người họ chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, biết cách bảo vệ mình.


Ba là, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung ở những tuyến, địa bàn trọng điểm (QL 1A, QL8A, đường HCM, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh…) để chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, kịp thời lập án đấu tranh; khi xảy ra vụ việc cần nhanh chóng xác minh, điều tra làm rõ để kịp thời ngăn chặn tội phạm tiếp diễn, truy bắt đối tượng và giải cứu nạn nhân.


Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức về pháp luật, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng CSĐTTP về TTXH nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế với các nước trong Khu vực (nước CHDCND Lào, Thái Lan…), đặc biệt là với lực lượng Công an và Biên phòng 2 tỉnh Bôlykhămxây và Khăm Muộn (Lào) trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và giải cứu nạn nhân của mua bán người./.

Khắc Tuân – PV11

CAHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP