Kinh tế

Hết điêu đứng vì dịch, doanh nghiệp vận tải lại gặp khó khi giá xăng dầu tăng

Giá xăng dầu tăng lên ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua được xem là đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp vận tải sau thời gian dài phải hoạt động cầm chừng vì dịch COVID-19.

Giá xăng dầu tăng mạnh vào thời điểm này đã dồn áp lực lớn lên các ngành sản xuất, tiêu dùng trong đó nặng nề nhất là vận tải, đặc biệt là vận tải khách còn đang chật vật với bình thường mới.

Theo đó, từ 16h ngày 26/10, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 23.110 đồng/lít; RON 95 là 24.330 đồng/lít.

Mức tăng này là cao nhất từ đầu năm tới nay, đưa giá xăng trong nước cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Tại kỳ này, Liên Bộ không trích lập Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu diesel.

Đồng thời, chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 1.100 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước không chi).

Giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 967 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 934 đồng/lít. Ảnh: VTV.vn

Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc taxi Nguyên Minh cho hay, khi biết tin xăng dầu tăng giá mạnh vào chiều 6/10, ông cũng như các doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP Hà Nội thấy bị sốc.

"Doanh nghiệp taxi còn đang chật vật trong bình thường mới vì khách đi lại quá ít trong khi chi phí của doanh nghiệp bỏ ra nhiều thì lại thêm một cú đạp của giá xăng nữa thì không chỉ taxi mà các loại hình vận tải khách đều ngắc ngoải", ông Minh cho hay.

Vận tải khách hốt hoảng vì xăng dầu tăng giá kỷ lục. Ảnh: ANTĐ.

Theo chia sẻ của ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giá xăng trong nước tăng theo giá thế giới nên những khó khăn này doanh nghiệp không có cách nào giải quyết.

"Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã phải nằm bãi, "đắp chiếu" vì không có khách, không có hàng để chạy. Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp cũng không thể tăng cước", ông Bùi Danh Liên nói.

Tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại TP HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) ở mức cao.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục ở mức cao đối với các loại xăng dầu với mức chi 100 - 2.000 đồng/lít/kg. Do chi Quỹ BOG liên tục ở mức cao nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời bảo đảm phòng dịch COVID-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho phép chủ trương thí điểm hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh từ Thanh Hóa đi, đến các tỉnh, thành phố gồm: Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Nghệ An và ngược lại.

Trong đó, các tuyến xe được hoạt động với tần suất không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị, theo lưu lượng đã được Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa công bố; hành trình chạy xe theo biểu đồ đã được phê duyệt.

Riêng đối với tuyến vận tải hành khách từ Thanh Hóa đi, đến các bến xe Thượng Lý, Vĩnh Niệm của TP Hải Phòng, các tuyến xe hoạt động với tần suất 20% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố.

Dù đã được phép hoạt động trở lại, nhưng các nhà xe đều chủ yếu đang hoạt động chầm chừng, trong tình trạng thu không đủ chi, phải bù lỗ. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cầm cự, các nhà xe cho biết cũng chưa nghĩ ra cách gì vì hiện nay tình hình dịch, bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy các nhà xe đa số đều thực hiện giải pháp là cắt giảm lao động, dừng hoặc giảm chuyến, tuyến không cần thiết, tuyến quá ít khách.

Do dịch bệnh COVID-19, xe của các đơn vị vận tải nằm đắp chiếu, phơi nắng phơi mưa. Ảnh: V.P

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Công ty Công ty TNHH và TMDL Hải Định (Công ty Hải Định) ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) cho biết, lúc chưa có dịch, 18 xe của công ty chạy các tuyến Sài Gòn, Bình Dương, Bình Phước, Sa Pa, Lai Châu, Điện Biên, Móng Cái, Quảng Ninh.

Song, từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ năm ngoái, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm. Đến khi làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện, doanh nghiệp đã kiệt quệ.

Hiện nay các tuyến hoạt động của nhà xe vẫn chưa được phép trở lại, nên vẫn phải nằm chờ.

"Xe nằm một chỗ lâu ngày dẫn đến xuống cấp, hư hỏng buộc phải liên tục có thợ bảo dưỡng, sửa chữa… Chi phí cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến tiền lãi suất hàng tháng. Mong sao dịch sớm được kiểm soát để chúng tôi có thể hoạt động trở lại", bà Hải ngao ngán.

Xe không chạy, không có doanh thu để trả lương nên buộc công ty phải cho lao động nghỉ việc. Trước dịch có 94 lao động, đến giờ chỉ còn 6 lao động là những thợ bảo dưỡng xe.

Tác giả: Văn Bình - Lương Diễn

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP