Kinh tế

Hễ bán chạy là bị làm giả

Sự phát triển của công nghệ đã giúp các đối tượng làm hàng giả nhanh chóng sao chép và tung ra thị trường hàng giả ăn theo các sản phẩm bán chạy

Ngày 21-11, tại TP HCM, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, Công ty Vina CHG tổ chức hội thảo "Tăng cường công tác phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (DN)".

Hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt Nón Sơn thật - giả

Tại hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Văn phòng đại diện tại TP HCM, nhìn nhận sự phát triển của công nghệ ngày nay khiến cho việc làm hàng giả, hàng nhái dễ dàng hơn. Hầu như sản phẩm nào bán chạy đều bị làm giả, làm nhái. Thế nhưng, thực tế xử lý lại không hề đơn giản. Rất nhiều DN có sản phẩm bị làm giả, nhái nhưng do chưa đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ nên cơ quan chức năng không tiếp nhận xử lý hồ sơ vì DN không được bảo hộ.

Theo ông Khuê, các DN Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ, chưa chú ý đến bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, đến khi đụng chuyện mới lo "làm chuồng".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP), cho rằng các biện pháp chế tài với nạn hàng nhái, giả còn quá nhẹ. "Nhiều trường hợp DN vi phạm "vui vẻ" đi đóng phạt. Thậm chí họ rất thích "được" phạt vào đầu năm vì cơ quan chức năng chỉ kiểm tra một lần mỗi năm" - bà Lan nêu thực tế.

Trong khi đó, có rất nhiều DN làm ăn chân chính vất vả đi điều tra các đối tượng sản xuất - kinh doanh hàng giả với đầy đủ chứng cứ. Thế nhưng, khi cơ quan thực thi pháp luật tiến hành kiểm tra lại không phát hiện tang vật. Hay có trường hợp bắt quả tang cơ sở đang sang chiết, đóng gói mỹ phẩm thương hiệu nước ngoài nhưng vẫn không thể chứng minh đó là sản xuất hàng giả. Bởi, cơ quan chức năng thường dựa vào lời khai của chủ cơ sở là chỉ mua mỹ phẩm chính hãng loại chai lớn rồi pha loãng chiết ra chai nhỏ, cuối cùng xử lý không đến nơi đến chốn.

Qua nhiều năm chống hàng giả cho nhãn hiệu Nón Sơn, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - nhận thấy tình hình vẫn không có nhiều cải thiện. "Chúng tôi phối hợp với cơ quan thực thi bắt hàng giả ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên rất nhiều. Các cơ sở sản xuất có đăng ký hoạt động nhưng không phát triển thương hiệu riêng mà lén lút làm giả Nón Sơn kiếm siêu lợi nhuận. Rất nhiều trường hợp tái phạm do xử phạt thiếu tính răn đe. Có một vụ sản xuất hàng giả Nón Sơn quy mô lớn tại quận 12, chúng tôi đeo đuổi 2 năm trời, cơ quan chức năng mới khởi tố, bỏ tù được người vi phạm. Song, gần đây, qua theo dõi chúng tôi lại phát hiện sau khi ra tù, họ lại tiếp tục làm hàng giả của Nón Sơn" - ông Tý dẫn chứng.

Theo ông Tý, các đối tượng làm hàng giả không sợ bị phạt tiền mà sợ nhất là bị đăng tải thông tin trên báo - đài. Thế nhưng, các cơ quan thực thi lại tìm đủ mọi cách để cản trở việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Điều này làm giảm hiệu quả trong xử lý hàng giả.

Thường xuyên hướng dẫn khách hàng

Ông Trần Thanh Kha, đại diện Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) phân phối bugi NGK Nhật Bản, chia sẻ thông tin tích cực hơn khi cho biết tỉ lệ hàng giả sản phẩm bugi NGK tại thị trường Việt Nam đã giảm từ 20% xuống 15% sau 2 năm công ty triển khai các biện pháp chống hàng giả. Kinh nghiệm của DN là thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu cho khách hàng nhận biết hàng chính hãng - hàng giả. Trong đó, hướng đến đối tượng thợ sửa xe là những người định hướng cho người tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các điểm bán hàng giả.

Tác giả: NGỌC ÁNH

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: làm giả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP