Thế giới

Hậu quả nếu Triều Tiên nổ bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương

Một vụ nổ bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về môi trường, thậm chí là tính mạng người dân.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng cạnh mô hình được cho là bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Trong một động thái đáp trả đe dọa hủy diệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 21/9 tuyên bố Bình Nhưỡng đang xem xét việc thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương, theo Reuters.

Dù không tiết lộ chi tiết kế hoạch, ông Ri ám chỉ rằng đây có thể sẽ là "vụ nổ nhiệt hạch lớn nhất trên Thái Bình Dương". Theo bình luận viên Dave Mosher của Business Insider, nếu tuyên bố này của ông Ri là đúng sự thật, quả bom nhiệt hạch Triều Tiên sắp kích nổ có thể còn mạnh hơn cả vụ thử nghiệm Castle Bravo của Mỹ trên đảo Bikini thuộc quần đảo Marshal ở Thái Bình Dương vào tháng 3/1945 và gây ra những hậu quả nặng nề.

Mosher cho rằng, nếu Triều Tiên kích nổ quả bom, đó sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên trên thế giới được tiến hành không phải dưới lòng đất trong nhiều thập kỷ qua.

Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số nước khác đã tiến hành tổng cộng hơn 2000 vụ thử hạt nhân kể từ năm 1945. Hơn 500 vụ nổ trong số đó được thực hiện trên mặt đất, trong không gian, hoặc dưới biển, nhưng hầu hết vụ thử nghiệm này diễn ra trong Chiến tranh Lạnh, giai đoạn con người chưa hiểu rõ mức độ nguy hại của chúng đối với tính mạng người dân và môi trường.

Các chuyên gia quân sự nhận định hậu quả nguy hiểm nhất của một vụ thử hạt nhân trên mặt đất chính là bụi phóng xạ phát sinh sau vụ nổ, bởi chỉ một phần của lõi hạt nhân biến thành năng lượng trong vụ nổ, phần còn lại sẽ bị nóng chảy, phát tán dưới dạng các hạt bụi nhỏ và có thể lưu lại trong không khí trong thời gian dài.

Nguy cơ từ bụi phóng xạ là vô cùng lớn nếu vụ nổ diễn ra ở gần mặt đất hoặc mặt nước. Tại đó, vụ nổ hạt nhân có thể hút các bụi bẩn, các mảnh vỡ, nước và các loại vật liệu khác, tạo ra nhiều tấn bụi phóng xạ, hòa vào không khí và bay xa hàng trăm km.

Chính loại bụi này trong các vụ thử nghiệm hạt nhân đã giết chết nhiều dân thường ở khu vực Thái Bình Dương và đến nay vẫn còn là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư và nhiều vấn đề về sức khỏe khác cho toàn thế giới.

Đám mây phóng xạ hình nấm hình thành sau vụ nổ Castle Bravo. Ảnh: US Air Force.

Trong đó, vụ thử bom Castle Bravo của Mỹ được coi là gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Vụ nổ với sức công phá 15 Megaton (gấp 1000 lần năng lượng của một trong hai quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống Nhật Bản) này đã gây nên một thảm họa thực sự về môi trường. Hàng trăm dân cư sinh sống trên nhiều đảo nhỏ cách tâm vụ nổ lên đến 180 km vẫn bị nhiễm xạ với mức cao. Nhiều người trong số họ cũng lần lượt qua đời sau đó do mắc các chứng bệnh liên quan đến phóng xạ.

Trong trường hợp vụ nổ được Triều Tiên thực hiện ở khoảng cách đủ cao so với mặt nước biển, sự phát tán phóng xạ sẽ được hạn chế nhưng lại tạo ra nguy cơ từ sóng xung điện từ được phán tán trong phạm vi rộng.

Mosher cho rằng nếu quyết định thực hiện kế hoạch, Triều Tiên có thể lắp bom lên tên lửa đạn đạo và kích nổ bom ở độ cao khoảng vài trăm km ở Thái Bình Dương để hạn chế tác động nguy hại. Nếu phóng thành công, Triều Tiên sẽ chứng minh được họ đã thu nhỏ thành công đầu đạn để gắn lên tên lửa đạn đạo và có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào đất liền của Mỹ.

Tuy nhiên, tên lửa Triều Tiên vẫn có thể gặp nhiều lỗi khác nhau, đặc biệt là các mẫu mới được phát triển. Một tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên được gắn đầu đạn hạt nhân có thể trượt mục tiêu với khoảng cách rất xa hoặc nổ tung trên quỹ đạo bay. Điều này có thể dẫn đến một vụ nổ ở nơi không mong muốn và sẽ gây tác hại không thể lường trước.

"Nếu điều đó xảy ra, biện pháp duy nhất để ngăn chặn vụ nổ là tấn công phần mềm điều khiển của tên lửa khi nó đang ở trên không hoặc tiêu diệt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bằng một loại vũ khí khác", Mosher nhận định.

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP