Kinh tế

Hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng Việt!

Sở Công Thương TP HCM đề xuất chuyển từ vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang hướng nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới "hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"

Sáng 26-7, hội thảo Xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức đã diễn ra tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nêu thực trạng ngành nông nghiệp mặc dù được Nhà nước quan tâm, đầu tư rất lớn nhưng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cần phải nhanh chóng giải quyết để tránh tụt hậu.

Các tỉnh, thành trong khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng đang nỗ lực rất lớn trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm nông nghiệp là vấn đề hóc búa và là đáp án rõ ràng nhất cho các chủ trương đầu tư sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, văn minh, hiện đại và an toàn.

Tất cả các chủ trương, chính sách kêu gọi, khuyến khích đầu tư đều không thể triển khai và trở thành hiện thực nếu sản phẩm sản xuất ra không có nơi tiêu thụ hoặc không thể cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không an toàn.

Cũng theo ông Hòa, vấn đề an toàn thực phẩm chỉ có thể được giải quyết một cách đồng bộ theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị. Không xây dựng được chuỗi giá trị nông sản hiện đại, có liên kết dọc chặt chẽ giữa các tác nhân từ thượng nguồn (giai đoạn sản xuất) đến hạ nguồn (giai đoạn phân phối, tiêu dùng) dựa trên cơ sở sản xuất theo hợp đồng, áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy trình kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì tình trạng chất lượng sản phẩm bấp bênh, được mùa mất giá, giải cứu sẽ vẫn tồn tại và gây thiệt hại to lớn cho nông dân và cả nền kinh tế.

Xã viên HTX nông sản an toàn An Hòa (Đồng Tháp) đóng gói nhãn chuẩn bị đưa về TP HCM tiêu thụ

"Trước thực trạng trên, cùng với nhiệm vụ thực hiện Đề án "Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Sở Công Thương TP HCM đã đề xuất giải pháp đổi mới, chuyển từ vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới "hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam" – ông Hòa nói.

Theo đề xuất, TP HCM và các tỉnh thành sẽ xây dựng và hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn một cách căn cơ, bền vững. Theo đó, hệ thống phân phối của TP HCM thống nhất phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. TP HCM cũng hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và hỗ trợ quảng bá, từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dùng.

Nhà sản xuất, hợp tác xã, trang trại, nông hộ được các địa phương lựa chọn tham gia chương trình phải cam kết sản xuất hàng đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà phân phối (bao gồm thực hiện định hướng, chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa tham gia chuỗi thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP… đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc) sẽ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ.

80%-85% nông sản thực phẩm chưa được quản lý theo chuỗi

TP HCM là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh, thành Nam Bộ. Nhiều năm qua, TP đã cố gắng xây dựng hệ thống bán lẻ và các chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông sản thực phẩm.

Các doanh nghiệp đã xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng rau, thịt, cá an toàn nhưng theo ước tính của các chuyên gia, các chuỗi giá trị này chỉ có khả năng cung ứng tối đa 15%-20% nhu cầu của TP; còn đến 80%-85% nông sản thực phẩm chưa được quản lý theo chuỗi nên khả năng không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ cao hơn.

Tác giả: Thanh Nhân

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: hàng hóa , hàng Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP