Giáo dục - Đào tạo

Hàng trăm giáo viên huyện Kỳ Anh có nguy cơ “bị đẩy” ra đường

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang đứng trước nguy cơ mất việc sau khi UBND huyện này ban hành văn bản số 570.

Ngày 23 tháng 4 năm 2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký văn bản văn 570/ UBND – NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng.

Văn bản yêu cầu, đối với các phòng chuyên môn của huyện thì bàn giao toàn bộ công việc của người hợp đồng cho công chức, viên chức hiện tại và lập danh sách gửi chủ tịch huyện để chấm dứt hợp đồng khi có quyết định của tỉnh về chia tách bộ máy cán bộ huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Văn bản số 570/ UBND – NV yêu cầu các trường lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký Quyết định hợp đồng vào làm việc.

Đối với các đơn vị sự nghiệp thì rà soát nhu cầu sử dụng cán bộ hợp đồng và lập danh sách đề nghị UBND huyện cho chủ trương để thủ trưởng đơn vị hợp đồng lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (UBND huyện sẽ chấm dứt hợp đồng do UBND huyện đã ký trước đó).

Đối với các trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non thì giao cho Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường lập danh sách đề nghị chấm dứt hợp đồng gửi về UBND huyện. Đồng thời rà soát nhu cầu sử dụng để lập danh sách đề nghị UBND huyện cho chủ trương để Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện đứng ra hợp đồng lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thực hiện theo nội dung này, ngày ngày 24 tháng 4 năm 2015,  rưởng phòng Giáo và đào tạo huyện Kỳ Anh ký văn bản số 44/PGD&ĐT-TCCB gửi các trường yêu cầu lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký Quyết định hợp đồng vào làm việc tại trường và yêu cầu các trường làm văn bản đề nghị UBND huyện cho chủ trương để Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện tự hợp đồng lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Được biết, từ năm 2012 lại nay, UBND huyện Kỳ Anh ký hợp đồng với hơn 200 giáo viên theo diện hợp đồng huyện (có lương theo hệ số và đầy đủ các loại phụ cấp theo quy định).

Sau khi biết thông tin này, hàng trăm giáo viên trong diện hợp đồng với UBND huyện rất hoang mang, lo lắng.

Một giáo viên cho biết: “Điều khiến chúng tôi hoang mang, lo lắng là việc khi hợp đồng với huyện thì lương được tính như giáo viên mới vào biên chế (bậc 1) nếu học đại học ra thì cũng khoảng trên 3 triệu đồng nhưng bay giờ nếu có hợp đồng với phòng mà theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của phòng thì làm sao đáp ứng tài chính để hợp đồng đến mấy trăm con người được.

 Văn bản 44/PGD&ĐT-TCCB của Phòng Giáo dục và đào tạo Kỳ Anh.

Hơn nữa, đến thời điểm này chúng tôi đã nhận được thông báo về việc gửi danh sách chấm dứt hợp đồng chứ biết khi nào sẽ được hợp đồng với Phòng Giáo dục”.

Còn một giáo viên khác thì tiết lộ: Trước đây, để ký được hợp đồng với UBND huyện cô đã phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để “chạy” với hy vọng sau một thời gian làm việc mình sẽ được nhận vào biên chế?!

“Nếu bị chấm dứt hợp đồng tôi sẽ làm đơn kiện để đòi lại số tiền đã đưa”, giáo viên này cho biết.

Ngày 9 tháng 4 năm 2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết số 903/NĐ – UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh.

Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh còn lại 76.161,7 ha diện tích tự nhiên và 120.518 nhân khẩu là phù hợp.

Về tổ chức bộ máy và biên chế, tỉnh Hà Tĩnh dự kiến thành lập 24 cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thị xã Kỳ Anh với nhu cầu 132 biên chế cán bộ, công chức. Theo đó, tỉnh sẽ điều chuyển cán bộ, công chức trong nội bộ tỉnh cho thị xã khi được thành lập; đồng thời giữ nguyên trạng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Như vậy, việc thành lập thị xã Kỳ Anh không làm tăng tổng biên chế cán bộ, công chức do tỉnh Hà Tĩnh quản lý.

Đối với các cơ quan, tổ chức và biên chế cán bộ, công chức của các cơ quan Trung ương đặt tại địa phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức của Trung ương điều động cán bộ, công chức trong ngành theo quy định của pháp luật để không làm tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tỉnh Hà Tĩnh xác định nhu cầu vốn đầu tư cho thị xã Kỳ Anh và của huyện Kỳ Anh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính giai đoạn 2015 – 2020 là 2.580 tỷ đồng.

Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về việc này…

Đình Sơn – Đặng Sơn/ Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP