Vòng quay Thể thao

Hàng loạt đội bóng danh tiếng vào Việt Nam đào tạo trẻ

Man United, Man City… đều có kế hoạch liên kết đào tạo cầu thủ trẻ tại Việt Nam. Trước đó, Arsenal đã kết hợp thành công cùng HAGL và JMG để thành lập học viện bóng đá.

Bầu Hiển (phải) đã theo đuổi CLB Barcelona trong 1 năm trước khi đạt được thỏa thuận hợp tác.
Bầu Hiển (phải) đã theo đuổi CLB Barcelona trong 1 năm trước khi đạt được thỏa thuận hợp tác.

Vài năm gần đây, Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng được các CLB lớn ở nước ngoài để ý. Sau Arsenal (2013) đến lượt Man City (2015) chọn Việt Nam là một trong những điểm đến trong tour thi đấu mùa hè để chuẩn bị cho mùa bóng mới.

Ngoài việc quảng bá thương hiệu trước mắt, các CLB nước ngoài cũng xem xét cơ hội đầu tư lâu dài thông qua kế hoạch liên kết đào tạo trẻ với các địa phương hoặc đơn vị kinh tế có tiềm lực. Hiệu ứng từ những sự kiện trên khiến hàng loạt đội bóng khác từ châu Âu đến châu Á như Manchester United (Anh), Dortmund (Đức), Fiorentina (Italy), Lyon (Pháp), Gamba Osaka, Kawasaki Frontale (Nhật)… nhảy vào với nhiều dự án tham vọng.

Coi chừng “bánh vẽ”

Số lượng các đội bóng danh tiếng ngỏ ý hợp tác “ươm mầm” tài năng ở Việt Nam ngày càng nhiều, nhưng lò HAGL – Arsenal JMG mới là cơ sở liên kết đào tạo trẻ hiếm hoi thực sự hoạt động. Một số CLB khác vẫn chưa triển khai lộ trình cụ thể, bởi đằng sau đó rất có thể là chiêu đánh bóng tên tuổi.

Ông bầu Đỗ Quang Hiển đã thuyết phục thành công Man City đến Việt Nam du đấu và đang có kế hoạch làm điều tương tự với Barcelona. Bên cạnh đó, ông cũng muốn hợp tác để đào tạo, quản lý bóng đá toàn diện. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn nằm trên giấy tờ, chưa có bất cứ tín hiệu lạc quan nào. Cách đây vài năm, cũng chính ông chủ của Hà Nội T&T từng úp mở việc liên hệ đưa Ruud van Nistelrooy, Deco và Guti về thi đấu. Việc này đã bị chính chân sút người Hà Lan phủ nhận khi sang Việt Nam tham dự sự kiện năm 2014.

Man City, Man United và cả Borussia Dortmund đều mong muốn bắt tay với Viettel về đào tạo trẻ lâu dài. Tuy nhiên, đơn vị Việt Nam vẫn không vội vàng trong vấn đề này. Ông Vũ Tam Hòa – Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel lý giải: “Chúng tôi không vội vàng trong việc đi theo mô hình của lò đào tạo nào. Trước hết là bản thân mình phải tự làm để biết chính xác mình cần gì và cũng là quá trình chuẩn bị lực lượng đủ khả năng tiếp nhận kiến thức, công nghệ hiện đại. Bởi nếu giao trọn gói cho họ rồi 5-7 năm sau rút lui thì chúng ta chẳng còn lại gì. Điều cần thiết là tìm phương thức hợp tác phù hợp để mang đến nhiều lợi ích bền vững nhằm góp phần phát triển bóng đá Việt Nam”.

Hàng loạt đội bóng danh tiếng vào Việt Nam đào tạo trẻ
Man City từng có những cuộc làm việc với đối tác Việt Nam nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất về liên kết đào tạo.

Hợp tác đào tạo trẻ không phải muốn là làm được. Để có thể thực hiện lâu dài cần hàng loạt điều kiện khắt khe như cơ sở vật chất, tài chính, con người. Năm 2007, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Scavi Rocheteau ra đời tại TP HCM trong sự hân hoan của mọi người. Vốn hoạt động của lò này do Scavi (55%), Liên đoàn bóng đá TP HCM (15%) và công ty Rocheteau (30%) góp “cổ phần”. Đứng đầu trung tâm là cựu danh thủ Dominic Rocheteau (từng vô địch EURO 1984, hạng 3 World Cup 1982, 1986 cùng ĐT Pháp). Đặt ra những tham vọng rất lớn, song chỉ sau 5 năm hoạt động, trung tâm phải đóng cửa do… thiếu kinh phí.Trả lời câu hỏi vì sao Dortmund có tham vọng mở trường đào tạo bóng đá trẻ tại VN của Zing.vn, ông Carsten Cramer – Giám đốc truyền thông châu Á của Dortmund cho biết, VN là quốc gia được nhiều người Đức biết tới. Ngoài ra, khoảng hơn 100 nghìn người Việt đang sinh sống tại Đức, đây là những cơ sở để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Thuyết phục các đội bóng châu Âu đầu tư lâu dài sang Việt Nam không phải vấn đề đơn giản, bởi họ không thể hiểu hết tiềm năng phát triển bóng đá tại đây. Năm ngoái, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP HCM phải bay sang Pháp nhiều lần, trổ tài thương thuyết mới bắt tay được CLB Olympic Lyon ký thỏa thuận hợp tác kéo dài từ 2015 – 2020. Trong những điều khoản giữa hai bên có việc CLB từng 7 lần liên tiếp VĐQG Pháp mở học viện bóng đá, nhưng trước tiên phía Lyon sẽ cử HLV qua giúp TP HCM đào tạo cầu thủ trẻ.

Nhật Bản là quốc gia khai phá thị trường bóng đá tại Việt Nam mạnh mẽ nhất dựa trên hiểu biết sâu rộng về xã hội, kinh tế, thể thao. Hàng loạt các đội bóng tại J.League đã có những chương trình hợp tác tại Việt Nam như Kawasaki Frontale, Consodale Sapporo, Cerezo Osaka và mới nhất là Gamba Osaka. CLB từng vô địch AFC Champions League bắt tay với PVF để tuyển chọn những tài năng trẻ sang Nhật Bản đào tạo và xa hơn là thi đấu tại đây.

Việc có nhiều CLB lớn ở châu Âu và châu Á để ý đến thị trường Việt Nam là xu thế chung trong cách làm bóng đá hiện đại. Nhưng không phải đội bóng danh tiếng nào đến Việt Nam cũng đặt tâm thế, khát vọng tìm kiếm, đào tạo cầu thủ giỏi mà chỉ đơn giản phục vụ cho việc kinh doanh. Chỉ khi nào có nhiều học viện đi vào hoạt động, có định hướng rõ ràng và ổn định, lúc đó bóng đá nước nhà mới có nhiều cơ sở để hy vọng.

Cú hích hiếm hoi từ bầu Đức

Alberto de Rossi – HLV của U19 AS Roma khi dẫn đội sang Việt Nam tham dự giải U19 quốc tế đã đánh giá rất cao tài năng của các cầu thủ từ lò HAGL-Arsenal JMG. Ông cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên vì màn trình diễn của các cầu thủ Việt Nam. Nhiều người trong số họ hoàn toàn có thể chơi tại châu Âu. Trong số đó, tôi ấn tượng nhất với cầu thủ số 8, 9 và 10 (Tuấn Anh, Văn Toàn và Công Phượng – PV)”.

Lò đào tạo trẻ quốc tế có quy mô lớn mang tính khai phá tại Việt Nam là HAGL – Arsenal JMG. Học viện ra đời một cách tình cờ nhờ tham vọng và sự quyết đoán của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Năm 2007, bầu Đức cùng phái đoàn của mình sang Anh để mời Arsenal về đá giao hữu, tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho đội bóng HAGL. HLV Arsene Wenger khi đó không biết HAGL và nói thẳng họ không có cửa để mời Arsenal du đấu. Tuy nhiên, Wenger lại khuyên bầu Đức về xây dựng một học viện bóng đá và cam kết sẽ giúp hết mình.

Sau 7 tháng xây dựng, học viện HAGL-Arsenal JMG được khánh thành vào tháng 9/2007 với kinh phí xây dựng hàng triệu USD. Đây là sự kiện trọng đại của HAGL nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên có một đội bóng danh tiếng từ nước ngoài liên kết để đào tạo tài năng bóng đá.

Hàng loạt đội bóng danh tiếng vào Việt Nam đào tạo trẻ
Lò HAGL-Arsenal JMG bước đầu tạo được tiếng vang, nhiều cầu thủ được đánh giá cao, được các đội nước ngoài mời về thi đấu. Ảnh: Nguyễn Quang

Thiếu nhiều cơ sở đào tạo chất lượng: Karl-Heinz Riedle, cựu cầu thủ Borussia Dortmund khi sang Việt Nam cuối năm 2015 đã đánh giá: “Tôi biết hiện nay Việt Nam đã có Học viện bóng đá của CLB Arsenal và nhiều CLB khác ở châu Âu cũng muốn hợp tác bóng đá cùng Việt Nam. Tôi cũng biết họ đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ tài năng nhờ luyện tập và đào tạo bài bản. Thế nhưng, để các cầu thủ trẻ trở thành những cầu thủ tài năng thực sự thì các bạn nên có một hệ thống đào tạo và thi đấu hợp lý”.Sản phẩm đầu tiên của học viện là lứa cầu thủ U19 gây tiếng vang cách đây 3 năm. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy, Văn Toàn… được thừa nhận rộng rãi là những tài năng trẻ nổi bật của bóng đá Việt Nam. Riêng 3 cái tên đầu tiên đã ra nước ngoài thi đấu. Quan trọng hơn, lối chơi mang hơi hướng hiện đại của họ đã thổi một luồng gió mới vào bóng đá nước nhà, khiến các CLB khác chú ý đến tiềm năng khai thác, đào tạo cầu thủ tại Việt Nam.

Nguyễn Đăng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP