Giáo dục

Hàng chục nghìn cử nhân sư phạm thất nghiệp

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, sau ba năm không xin được việc, Trang học liên thông lên đại học và giờ chấp nhận ở nhà bốc thuốc đông y.

Dương Thị Trang (27 tuổi) cảm thấy tiếc nuối khi bỏ ra ba năm cao đẳng và hai năm liên thông theo học ngành sư phạm, nhưng không có cơ hội trở thành giáo viên như ước mơ từ bé.

Năm 2008, Trang thi Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bị thiếu 1,5 điểm nên về tỉnh nhà học ngành Sư phạm Lịch sử - Giáo dục Công dân ở Cao đẳng Tuyên Quang. Lúc đó một số trường THCS địa phương còn nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, sau ba năm Trang cầm tấm bằng đi xin việc, chỉ nhận được câu trả lời "hết chỉ tiêu". Hồ sơ của em gửi lên Lai Châu cũng bị từ chối với lý do tương tự.

"Em và một người bạn còn bị môi giới lừa mất 30 triệu đồng với lời hứa xin cho vào trường THCS ở tỉnh nhà. Tiền đó, bố mẹ em phải đi vay mượn mới có được", nữ sinh dân tộc Dao chia sẻ.

Sau ba tháng ngược xuôi đến các trường nhưng đều nhận được cái lắc đầu, Trang buộc lòng đi làm nhân viên trực tổng đài điện thoại với mức lương 3 triệu đồng một tháng. Lớp cao đẳng 34 sinh viên học cùng em, 10 người được làm đúng nghề và đều phải lên huyện vùng cao của Hà Giang công tác. "Các bạn ấy vẫn ở đó đến giờ vì về tỉnh sẽ không có cơ xin việc", Trang nói.

Vẫn mong muốn trở thành nhà giáo, cô gái người Dao xin bố mẹ cho học tiếp liên thông đại học, với hy vọng cơ hội việc làm rộng mở hơn. Tuy nhiên, cử nhân khoa Sư phạm Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội 2 một lần nữa thất vọng. Tất cả trường THCS và THPT ở Tuyên Quang đều không có nhu cầu tuyển mới giáo viên môn này. Tháng 6/2016 tốt nghiệp thì tháng 8 em quyết định ở nhà làm nghề bốc thuốc đông y với bà nội.

"Em tiếc vì nghề mình yêu thích lại không được làm, kiến thức Lịch sử và phương pháp dạy học mới, chúng em được đào tạo nhưng không có cơ hội dùng. Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy Sử thế hệ cũ của tỉnh em trình độ thấp vẫn ngày ngày được đứng lớp đọc bài cho học sinh chép", Trang chia sẻ.

Hiện nay cả nước có hơn 26.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp. Ảnh minh họa: Quý Đoàn.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 6/2017, Quyên (23 tuổi, Thái Bình) đang làm hợp đồng thời vụ cho một trường cấp ba của tỉnh. Mỗi tuần, em dạy khoảng 15 tiết, nhận thù lao 25.000 đồng cho mỗi 45 phút đứng lớp. Tính ra, một tháng Quyên có 1,5 triệu đồng. Đó vẫn là may mắn so với nhiều bạn cùng học ngành sư phạm với em khi ra trường chưa một lần được đứng lớp.

Thời THPT, Quyên là niềm tự hào của làng quê khi đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, đỗ điểm cao vào trường sư phạm có tiếng nhất Việt Nam. Biết ngành này đang thừa giáo viên nhưng cô gái Thái Bình chưa một lần nghĩ ẽ rơi vào hoàn cảnh đó bởi thành tích học tập tốt.

Những ngày phải nằm nhà vì không trường nào nhận do "không có chỉ tiêu", nữ cử nhân suy sụp. "Đến giờ, em cũng chưa biết mình được dạy ở trường này bao lâu nữa. Tổ Địa lý của trường tạm thời thiếu giáo viên nên em được nhận làm hợp đồng. Chuyện vào chính thức thì không bao giờ có bởi phải lâu lắm nữa trường ấy mới có giáo viên về hưu", Quyên nói.

Mong muốn được ở lại cống hiến cho quê hương của nữ cử nhân sư phạm đang ngày một lung lay bởi hy vọng xin được việc làm quá mong manh.

Trang và Quyên chỉ là hai trong số vài chục nghìn cử nhân sư phạm thất nghiệp. Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tháng 1/2017, cả nước hiện thừa 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên (tháng 5/2016), Bộ dự kiến đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm.

Hơn 55.600 chỉ tiêu tuyển mới ngành Sư phạm năm 2017

Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Giáo dục, năm 2017 các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu. Việc xác định chỉ tiêu đào tạo dường như tách biệt với nhu cầu nhân lực.

Đại diện một trường địa phương có đào tạo giáo viên cho biết, "tương lai nhà trường phụ thuộc vào số lượng sinh viên". Trường xác định chỉ tiêu tuyển mới căn cứ vào số lượng giảng viên, cơ sở vật chất, diện tích sử dụng... hiện có.

"Các trường vẫn giữ chỉ tiêu tuyển mới cao vì kinh phí được nhà nước đầu tư sẽ bổ trên đầu sinh viên. Số lượng người học càng nhiều thì trường nhận được khoản cấp bù học phí càng lớn", Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết ngày 11/8 của Bộ Giáo dục. Ông cho rằng, nhất thiết phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Minh Minh.

Đội ngũ giáo viên, theo GS Minh, phải tương ứng với số lượng học sinh, do đó cần dự báo được dân số và phân bố dân cư vùng miền. Việc nghiên cứu giai đoạn tới có bao nhiêu giáo viên nghỉ hưu, bao người chuyển đổi cơ học sang ngành khác, cũng cần thiết để xác định chỉ tiêu tuyển dụng, đào tạo giáo viên.

"Từ những phân tích này, chúng ta phải quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, xác định trường nào là trọng tâm, cơ sở nào chủ yếu đào tạo, cơ sở nào bồi dưỡng giáo viên hiện có", Hiệu trưởng Minh đề xuất hướng giải quyết câu chuyện thừa nhân lực và điểm đầu vào thấp của trường sư phạm. Bên cạnh đó, ông cho rằng, cần thay đổi cơ chế chính sách lương, ưu đãi cho ngành giáo.

Mùa tuyển sinh 2017, nhiều đại học lấy điểm chuẩn ngành Sư phạm rất thấp khiến dư luận lo ngại. Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành Sư phạm lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Đại học Hùng Vương (công lập, tỉnh Phú Thọ) 8/10 ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển 15,5. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Sư phạm Thái Nguyên có 6/14 ngành lấy điểm chuẩn 15,5.

Các Cao đẳng Sư phạm ở địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Như vậy, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: GIÁO DỤC , sư phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP