Trong nước

Hai điểm nhấn của văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân

Xét từ yêu cầu đối với DNDN, có thể thấy 2 điểm nhấn cơ bản, vừa cụ thể lại vừa là nét biểu hiện của chiều cạnh văn hóa; đó là ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm xã hội. Bài viết này đề cập đến hai nội dung đó.

Về doanh nghiệp, doanh nhân (DNDN), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/8/2006 của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh về phát triển doanh nghiệp có nhiều điểm đột phá về nhận thức, yêu cầu đặt ra và giải pháp thực hiện.
Đức Thọ tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất trong xây dựng nông thôn mới
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long thăm cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ Yên Xanh – Thái Yên (Đức Thọ). Ảnh: Đức Thiện

1. Mọi hoạt động của DNDN, dẫu ở các mức độ khác nhau, đều liên quan đến pháp luật. Vì lẽ đó, sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiểu biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật chính là cơ sở đảm bảo sự vận hành bình thường của doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách thức để doanh nhân tự bảo vệ mình trước những thách thức hiện hữu và tiềm ẩn của môi trường kinh doanh. Đối với pháp luật trong nước của Việt Nam, điểm cần chú ý là cùng một vấn đề có thể được điều chỉnh trong nhiều văn bản khác nhau. Các văn bản đó có khi thiếu đồng bộ và chồng chéo trong một hệ thống pháp luật còn cồng kềnh và phức tạp.

Thực trạng này có nguyên nhân do năng lực của người soạn thảo pháp luật (chủ quan); nhưng khách quan là nhiều vấn đề còn mới và khó, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, cho nên bản thân người soạn thảo pháp luật không thể định hình hết được mọi vấn đề trong cùng một văn bản vào cùng một thời kỳ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực hợp tác công – tư (PPP), về nguyên tắc chúng ta có Quyết định số 71/2010/QĐ – TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, nhưng việc áp dụng quyết định phải đảm bảo sự thống nhất với các văn bản khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT. Thực tiễn cũng cho thấy, có không ít doanh nhân do không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nên dẫn đến những thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất – kinh doanh hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý do có những hành vi vi phạm pháp luật.

Chẳng hạn, khi giao kết hợp đồng với khách hàng, nếu thương nhân chỉ chú ý đến lợi nhuận, mà bỏ qua hoặc không quan tâm đúng mức đến khía cạnh pháp lý của hợp đồng thì rất dễ dẫn đến những hệ quả như: hình thức hoặc nội dung của hợp đồng trái với quy định của pháp luật; hợp đồng bị tòa án có thẩm quyền tuyên vô hiệu hoặc doanh nhân phải bồi thường thiệt hại, phải chịu chế tài phạt vi phạm hợp đồng với số tiền lớn. Hai ví dụ vừa nêu cho thấy, nếu doanh nhân không chủ động ngăn ngừa bằng chính sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của mình thì những rủi ro pháp lý sẽ luôn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của DNDN.

Tư vấn cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng
HDBank Hà Tĩnh coi trọng hoạt động chăm sóc, tư vấn cho khách hàng.

Quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức lớn đối với các DNDN nước ta, vì kinh doanh (theo nghĩa rộng) với đối tác nước ngoài, đòi hỏi chúng ta ngoài pháp luật trong nước còn phải am hiểu và áp dụng đúng các quy định của pháp luật nước ngoài, cũng như pháp luật và tập quán thương mại quốc tế. Sản phẩm của doanh nhân hiện diện ở đâu thì doanh nhân phải tuân thủ pháp luật của nước đó. Nếu không, doanh nhân phải đối mặt với rủi ro, lừa đảo, kiện tụng, tranh chấp, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của mình, thậm chí là phá sản. Sau gần 30 năm đổi mới và mở cửa làm ăn với nước ngoài, chúng ta đã có những bài học đáng để rút kinh nghiệm về hệ quả của sự thiếu hiểu biết và không tuân thủ pháp luật của nước đối tác. Chẳng hạn, nếu am hiểu pháp luật tố tụng của Ý thì một doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã không mất hàng triệu Euro vì đã không theo một vụ kiện dù nhận được triệu tập của tòa án Ý.

Nếu biết rõ pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ thì cũng chính doanh nghiệp đó đã tránh được hệ lụy trong một vụ kiện liên quan đến hạn chế cạnh tranh kéo dài gần 10 năm mà chưa thể kết thúc với chi phí tư vấn pháp lý lên tới hàng triệu đô la. Ngược lại, nhờ nắm vững pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong chừng mực nhất định đã bảo vệ tương đối tốt quyền và lợi ích của mình khi thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.

Hiện nay, cùng với việc thực hiện các hiệp định WTO, Việt Nam đang đàm phán và tiến tới ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho doanh nhân Việt Nam. Nếu hiểu rõ và vận dụng hợp lý quy định của các hiệp định này, doanh nhân Việt Nam có thể không chỉ “phòng ngự” thành công khi Việt Nam phải mở cửa thị trường trong nước nhiều hơn mà còn “tấn công” nhằm thâm nhập tốt hơn vào các thị trường lớn của thế giới, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và EU.

Trong môi trường kinh doanh đầy thách thức với mức độ cạnh tranh gay gắt ngày nay, yêu cầu đặt ra đối với DNDN là hiểu biết và tôn trọng pháp luật. Sự hiểu biết và tôn trọng đó không phải chỉ để đối phó nhất thời mà cần biến thành thói quen văn hóa, bởi yêu cầu mà Đảng đặt ra là phát triển bền vững chứ không chỉ dừng lại ở lợi ích mang tính thời vụ.

2. Trách nhiệm cộng đồng, xã hội của DNDN Việt Nam có gốc rễ sâu xa từ truyền thống và giá trị nhân văn cao đẹp của văn hóa Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập, sự khơi dậy, tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống đó sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và là yếu tố quan trọng giúp DNDN đứng vững được trước những áp lực, thách thức của quá trình hội nhập. Khái niệm “trách nhiệm cộng đồng, xã hội” khá rộng, nhưng có thể nêu hai nội hàm cơ bản. Một là, DNDN cần khuôn định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, địa phương; cùng với nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước cần gắn với các hoạt động từ thiện, chăm lo cho đời sống của người lao động, ý thức bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo, ý thức cạnh tranh lành mạnh với chính các doanh nghiệp khác.

Thương mại, dịch vụ - cơ hội ở “đất vàng” Vũng áng
Siêu thị Co.op mart là địa chỉ cung ứng các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo ATVSTP.

Hơn bao giờ hết, xã hội rất cần những doanh nhân vừa có tài, vừa có tâm. Sự phát triển, thương hiệu và giá trị của một doanh nghiệp, của một doanh nhân không chỉ dừng ở lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh, từ việc trích nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, mà còn thể hiện ở sự đồng hành, nghĩa cử cao đẹp của DNDN đối với các hoạt động vì lợi ích và sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Đảng, Nhà nước và xã hội luôn trân trọng những đóng góp thiết thực của đội ngũ doanh nhân đối với sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hai là, doanh nhân cần tích cực bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho người lao động để kích thích lòng say mê, tính chủ động, sáng tạo của họ trong công việc. Cùng với đó, doanh nghiệp khi ra thị trường cần đặt mục tiêu hướng tới khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm của đạo đức kinh doanh.

Có thể nói, trong những năm qua, cùng với cộng đồng doanh nghiệp cả nước, 3.932 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã bám sát và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết có liên quan của Trung ương Đảng và của tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Doanh thu 6.432,3 tỷ đồng (chiếm 87,33% tổng thu ngân sách toàn tỉnh) trong 9 tháng đầu năm 2014 là một trong những minh chứng cụ thể. Trong nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến thành công đó có yếu tố quan trọng của sự hiểu biết, tuân thủ pháp luật và thực hiện trách nhiệm cộng đồng của các DNDN Hà Tĩnh. Với đà cơ bản như vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng, đội ngũ doanh nhân trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà hoàn thành thắng lợi và trước đích các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra tại Đại hội lần thứ XVII, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tiến tới Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

TS. Lê Thành Long

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP